.

Đảm bảo cho người nghèo có điều kiện chăm sóc y tế

Cập nhật: 20:33, 22/11/2024 (GMT+7)

Cùng với các chính sách ưu đãi khác, hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cấp Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Qua đó, góp phần giúp người nghèo giảm bớt khó khăn trong lúc ốm đau.

CHÍNH SÁCH NHÂN VĂN

Đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hằng ngày đối với người nghèo đã là một sự vất vả, thế nên chi phí điều trị khi đau bệnh là một áp lực rất lớn đối với họ. Thấu hiểu và chia sẻ nỗi lo này, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ Thẻ BHYT cho người nghèo nhằm giúp việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người nghèo khi đau bệnh thuận lợi và đỡ tốn kém hơn.

Người nghèo được NSNN hỗ trợ 100% chi phí BHYT và được hưởng 100% chi phí điều trị khi bệnh tật.
Người nghèo được NSNN hỗ trợ 100% chi phí BHYT và được hưởng 100% chi phí điều trị khi bệnh tật.

Theo điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định 146 của Chính phủ, nhóm đối tượng tham gia BHYT do ngân sách nhà nước (NSNN) đóng gồm: Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác.

Cụ thể, người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT quy định chuẩn nghèo tại Nghị định 07 của Chính phủ. Theo đó, hộ nghèo theo tiêu chí về thu nhập là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở khu vực nông thôn và hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 2 triệu đồng trở xuống ở khu vực thành thị. Hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT là hộ có ít nhất 1 người từ đủ 6 tuổi trở lên hiện không có BHYT.

Nếu người thuộc hộ nghèo theo tiêu chí về thu nhập hoặc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí. Các trường hợp thuộc hộ nghèo đa chiều khác được NSNN hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 146 của Chính phủ.

Người thuộc hộ nghèo được Nhà nước đóng BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh khi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Căn cứ điểm a, điểm e khoản 1 Điều 14 Nghị định 146 của Chính phủ, hộ nghèo được NSNN đóng BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến; hộ nghèo được NSNN hỗ trợ đóng BHYT sẽ được hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến. Như vậy, nếu thuộc hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập hộ nghèo đa chiều thiếu hụt BHYT sẽ được BHYT chi trả 100% khi khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Các trường hợp hộ nghèo đa chiều khác sẽ chỉ được hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến. Không chỉ hỗ trợ đối với hộ nghèo, chính sách trợ giúp y tế cũng áp dụng đối với hộ cận nghèo. Trong đó, đối tượng người thuộc hộ cận nghèo được NSNN hỗ trợ 70% chi phí đóng BHYT.

CHÍNH SÁCH ĐƯỢC THỰC HIỆN TỐT TẠI TIỀN GIANG

Những năm qua, công tác triển khai và thực hiện chính sách BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được Tiền Giang thực hiện rất tốt. Ngay từ cuối năm, các địa phương xúc tiến nhanh công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Ngay sau khi có kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, các địa phương xúc tiến nhanh việc triển khai mua BHYT nhằm đảm bảo người nghèo, người cận nghèo không bị gián đoạn hiệu lực sử dụng BHYT.

Kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, toàn tỉnh có 4.925 hộ nghèo và 8.677 hộ cận nghèo. Ngay khi kết quả rà soát được phê duyệt, những thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo này đã được hưởng chính sách ưu đãi về y tế. Trong năm, Bảo hiểm xã hội đã thực hiện in cấp, gia hạn BHYT trên dữ liệu Căn cước công dân cho 11.122 người nghèo và 20.965 người cận nghèo với số tiền gần 25,5 tỷ đồng. Song song đó, các địa phương trong tỉnh còn vận động giúp khám, chữa bệnh miễn phí cho gần 4.800 lượt người nghèo, với chi phí trên 2,2 tỷ đồng.

Chị Lý Thị Hương, ngụ khu 2, thị trấn Cái Bè chia sẻ: “Trước đây nhà nghèo, con tôi đi học không có tiền đóng BHYT, cô giáo thương nên mua BHYT cho con tôi. Từ khi được xét là hộ nghèo, cả nhà được cấp BHYT, trị bệnh không có tốn tiền. Đặc biệt, khi con trai tôi điều trị bệnh tim đều được miễn phí. Không có BHYT của Nhà nước cấp, lúc bệnh ngặt nghèo không biết phải làm sao.

Với nhiều sự trợ giúp từ Nhà nước, cộng thêm vợ chồng tôi cố gắng làm ăn nên cái nghèo cũng dần dần qua. Nay gia đình tôi ở mức cận nghèo, vợ chồng tôi đã đăng ký xin sang năm 2025 sẽ thoát cận nghèo để nhường phần trợ giúp cho người khác”.

Chính sách hỗ trợ về y tế của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là một chính sách nhân văn, giúp cho những hoàn cảnh gia đình khó khăn có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế khi bệnh tật.

MAI HÀ

.
.
.