Tầm soát và phát hiện sớm các biến chứng của bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, do cơ thể không sản sinh được insulin hoặc không sử dụng được insulin để hấp thụ glucose máu, dẫn đến đường trong máu cao hơn mức bình thường. Tăng glucose máu mạn tính dẫn đến những tổn thương, rối loạn chức năng và suy yếu nhiều cơ quan, đặc biệt mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. ĐTĐ thường tiến triển âm thầm, trải qua nhiều giai đoạn. Khi đã xuất hiện thì thường kèm theo các biến chứng nguy hiểm.
CĂN BỆNH ĐE DỌA SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
ĐTĐ được nhiều người biết đến ở dạng ĐTĐ tuýp 1, ĐTĐ tuýp 2 và ĐTĐ thai kỳ. Ở Việt Nam, số người bị tiền ĐTĐ cao hơn gấp 3 lần so với số người đã mắc bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều người bị ĐTĐ nhưng không hề biết mình mắc bệnh.
Bệnh nhân ĐTĐ cần kiểm tra võng mạc để phát hiện sớm biến chứng và điều trị hợp lý. |
Trên thế giới, cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc ĐTĐ, trong đó 46,5% người bệnh chưa được chẩn đoán. Dự tính đến năm 2040, cứ 10 người lớn thì có 1 người mắc bệnh; 3/4 người mắc ĐTĐ ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình; mỗi 6 giây có 1 người chết vì bệnh ĐTĐ; chi phí y tế được sử dụng cho quản lý ĐTĐ chiếm 12% trên tổng chi phí y tế toàn cầu.
Phụ nữ mắc ĐTĐ thai kỳ sẽ có nguy cơ sinh con mắc bệnh hoặc các biến chứng khác của ĐTĐ. Cứ 7 đứa trẻ sinh ra thì có một trẻ bị ảnh hưởng bởi ĐTĐ và có khoảng 542.000 đứa trẻ mắc ĐTĐ tuýp 1. Tính đến nay, 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì có 2 người có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên, hơn 199 triệu phụ nữ sống với bệnh ĐTĐ và dự tính sẽ tăng lên 313 triệu người vào năm 2040.
Trong đó, 2 phụ nữ mắc ĐTĐ thai kỳ thì có một người có nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ tuýp 2 thực sự trong vòng 5 - 10 năm sau sinh. Phụ nữ mắc ĐTĐ tuýp 1 tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh con mang dị tật bẩm sinh. Trong khi phụ nữ mắc ĐTĐ tuýp 2 có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch cao hơn gần 10 lần so với người bình thường.
ĐTĐ đang trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong ở phụ nữ, do đó, người bệnh cần tiếp cận với các loại thuốc và giải pháp điều trị bệnh thiết yếu, giáo dục tự quản lý và cung cấp thông tin là chìa khóa đạt được kiểm soát ĐTĐ tối ưu.
CÁC BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP CỦA BỆNH ĐTĐ
ĐTĐ tuýp 2 là bệnh phổ biến và thường phát triển theo thời gian, bệnh xảy ra âm thầm. Khi bệnh có biểu hiện rõ thì bệnh đã có biến chứng đe dọa tính mạng bệnh nhân. Dấu hiệu nhận biết bệnh ĐTĐ là khát nước nhiều, đi tiểu nhiều hơn bình thường, mệt mỏi, mắt nhìn mờ, có các vết nứt trên da hoặc vết thương lâu lành, thường xuyên có các nhiễm trùng (đường tiểu), sụt cân nhiều…
Những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ gồm nhóm người trên 45 tuổi, có tăng huyết áp, rối loạn lipid máu; người trong thời gian mang thai mắc bệnh ĐTĐ; người có tiền sử sinh con trên 4 kg hoặc có cha, mẹ, anh, chị, em ruột bị bệnh ĐTĐ. Những người trên 45 tuổi có nguy cơ mắc ĐTĐ tuýp 2 cao hơn 4,42 lần so với những người dưới 45 tuổi. Những người có huyết áp tăng, có tiền sử rối loạn lipid máu, có vòng eo lớn sẽ có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ cao hơn so với những người bình thường.
ĐTĐ tuýp 2 còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân ĐTĐ bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các biến chứng thường gặp là biến chứng về mắt và thần kinh chiếm khoảng 39,5%. Bệnh võng mạc là một biến chứng diễn tiến âm thầm với kết cục dẫn đến đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và cuối cùng là giảm hoặc mất thị lực.
Hiện chỉ có thể phát hiện biến chứng tại mắt của bệnh ĐTĐ thông qua thăm khám trực tiếp bởi bác sĩ chuyên khoa. Việc này nên được thực hiện mỗi 1 đến 2 năm/lần và thường xuyên hơn nếu có các bất thường. Ngoài điều trị kiểm soát tốt đường huyết, kiểm soát về mỡ máu và huyết áp cũng giúp giảm tiến triển bệnh; việc điều trị chuyên sâu sẽ được chỉ định tùy trường hợp cụ thể.
Khoảng 24% biến chứng của ĐTĐ xảy ra trên thận. Để tầm soát biến chứng về thận, ngoài xét nghiệm chỉ số Creatinine máu để đánh giá chức năng của thận, các bác sĩ còn sử dụng chỉ số đạm trong mẫu nước tiểu để theo dõi bệnh.
Các xét nghiệm này được kiểm tra định kỳ mỗi năm 1 lần và các thuốc điều trị chuyên biệt có thể được các bác sĩ kê đơn nhằm giảm tiến triển bệnh. Thông thường, việc kiểm soát biến chứng thận cần kết hợp với cả kiểm soát huyết áp.
Biến chứng về tim mạch chiếm khoảng 34%, trong đó tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp nhất trên những bệnh nhân mắc ĐTĐ. Để tầm soát tăng huyết áp có thể đo huyết áp tại nhà hoặc mỗi khi đi khám bệnh. Mức huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên cần được đánh giá bởi bác sĩ và xem xét về việc điều trị bằng thuốc. Ngoài tăng huyết áp, các bệnh lý về mạch máu như: Xơ vữa mạch vành tim, mạch máu nhỏ ở chi có thể được phát hiện và đánh giá bằng siêu âm tim, siêu âm mạch máu, trong đó phương pháp điều trị và dự phòng hiệu quả nhất là kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu, giảm cân và ngừng hút thuốc lá.
Biến chứng bàn chân ĐTĐ là một biến chứng thường gặp. Bàn chân ĐTĐ là nhóm bệnh lý liên quan đến các biến chứng thần kinh - mạch máu tại chân của những bệnh nhân mắc bệnh. Đặc điểm của bệnh là diễn tiến chậm, với các triệu chứng không rõ ràng như: Tê mỏi, lạnh chân, giảm cảm giác của chân khi tiếp xúc với nước nóng, mang giày dép hoặc vớ; đặc biệt, khi có các vết chai, vết trầy xước, hoặc vết loét, chúng sẽ khó lành và có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Bệnh nhân có thể phát hiện sớm các biến chứng này bằng cách lưu ý các dấu hiệu đã đề cập và đến khám bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường. Những trường hợp có bệnh lý, các bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc chân và điều trị thích hợp.
LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY ĐTĐ THẾ GIỚI
Ngày ĐTĐ thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào 14-11-1991 đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra Insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân ĐTĐ vào năm 1922. Từ đó, hằng năm, Hiệp hội ĐTĐ thế giới (IDF) và Tổ chức Y tế Thế giới lấy ngày 14-11 là Ngày ĐTĐ thế giới nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về ĐTĐ, các biến chứng của ĐTĐ. Đến năm 2016, có hơn 230 tổ chức thành viên của IDF ở hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tổ chức và hưởng ứng sự kiện này.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Bằng, Trưởng khoa Tiết niệu - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang trao đổi với thân nhân người bệnh về biến chứng thận do ĐTĐ. |
Theo các chuyên gia y tế, ĐTĐ là bệnh có mối liên hệ chặt chẽ với chế độ ăn uống và lối sống, sinh hoạt. Do đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý có vai trò rất quan trọng trong điều trị và phòng, chống bệnh ĐTĐ. Đối với bệnh ĐTĐ, ngoài việc phòng ngừa thì việc điều trị ĐTĐ cần tuân thủ các nguyên tắc là tránh nguy cơ hạ đường huyết hay tăng đường huyết, chấp nhận mục tiêu kiểm soát đường huyết tương đối, chăm sóc các biến chứng ĐTĐ, kiểm soát huyết áp, lipid máu đạt mục tiêu; đồng thời, tránh tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng.
Cách tốt nhất để phát hiện bệnh ĐTĐ là thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu. Bệnh ĐTĐ hiện tại dù không thể chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng tránh được bằng cách điều chỉnh lối sống, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực.
THỦY HÀ