Tiền Giang: Thực hiện tốt bình đẳng giới trên lĩnh vực y tế
Mục tiêu bình đẳng giới (BĐG) là hướng đến việc tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG
Trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011 - 2020, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu BĐG, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Chính phủ ban hành Nghị quyết 28 về Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030.
Chiến lược đề ra mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tỷ lệ quản lý thai sản của Tiền Giang ở mức rất cao và tỷ suất tử vong mẹ liên quan đến thai sản nhiều năm liền duy trì ở mức rất thấp hoặc không xảy ra. |
Để đạt được mục tiêu đó, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030 cụ thể hóa 5 mục tiêu về BĐG trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, lao động, trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, trên lĩnh vực y tế và giáo dục - đào tạo.
Trên lĩnh vực y tế, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030 đề ra 4 chỉ tiêu, đó là tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030; tỷ suất sinh ở vị thành niên giảm từ 23 ca sinh/1.000 phụ nữ xuống 18/1.000 vào năm 2025 và dưới 18/1.000 vào năm 2030; tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5658 về kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về BĐG trong ngành Y tế giai đoạn 2021 - 2030. Kế hoạch này nhằm mục tiêu tiếp tục tăng cường bình đẳng giữa nam và nữ trong cung cấp và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, góp phần cải thiện chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu cụ thể theo Chiến lược quốc gia về BĐG nhằm bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ trong tiếp cận và thu hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe; đề ra nhóm các chỉ tiêu về đảm bảo quyền BĐG đối với cán bộ y tế.
Trong đó, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các cương vị lãnh đạo, quản lý trong toàn ngành nhằm từng bước nâng cao vị thế, giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực này như đến năm 2025, đạt 60% và đến năm 2030, đạt 75% các cơ quan, đơn vị trong ngành có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch cán bộ của các đơn vị không dưới 15%; thu hẹp dần khoảng cách giới trong lao động, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Y tế.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong thụ hưởng giáo dục và đào tạo của toàn ngành. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ cán bộ nữ trong tổng số cán bộ được đào tạo thạc sĩ và tương đương (bác sĩ chuyên khoa 1) đạt trên 50% từ năm 2025 trở đi và tỷ lệ cán bộ nữ trong tổng số cán bộ được đào tạo tiến sĩ và tương đương (bác sĩ chuyên khoa 2) đạt 30% vào năm 2035 và 35% vào năm 2030...
VỀ ĐÍCH SỚM NHIỀU CHỈ TIÊU
Thực hiện Quyết định 5658 của Bộ Y tế về kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về BĐG trong ngành Y tế giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch thực hiện BĐG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm các chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, Sở Y tế đề ra giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật của ngành, đó là triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, quy mô gia đình ít con, hạn chế xu hướng gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách và giải pháp nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Sở Y tế cũng đã tiếp tục chỉ đạo triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, tích cực triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và các nhiệm vụ của đề án nhằm giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh và đưa về mức cân bằng tự nhiên.
Đồng thời, triển khai các chương trình về nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nam, nữ được cung cấp thông tin, tiếp cận bình đẳng tới các hoạt động, dịch vụ tại cộng đồng gồm: Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Nhiều năm qua, Tiền Giang luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện công tác dân số - phát triển. Hiện nay, hầu hết các chỉ tiêu về BĐG trong lĩnh vực y tế tại Tiền Giang đều đạt và vượt so với chỉ tiêu chiến lược đề ra đến năm 2030.
Tiền Giang đã phát triển được hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình khắp địa bàn dân cư trong tỉnh; 100% các xã phường, thị trấn đều có cung cấp dịch vụ khám thai, tỷ lệ quản lý thai và khám thai đã đạt đến mức độ bao phủ do người dân ngày càng thay đổi nhận thức và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng được nâng cao, tỷ lệ quản lý thai đạt rất cao (99,2%).
MAI HÀ