Thứ Ba, 03/12/2024, 22:03 (GMT+7)
.

Cả nước ghi nhận trên 114.900 ca mắc sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận trên 114.900 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca.

Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN
Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN


Các chuyên gia cảnh báo, sốt xuất huyết đang diễn biến khó lường và mở rộng phạm vi lưu hành bệnh, gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế. Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và biến đổi khí hậu càng làm gia tăng thách thức trong công tác phòng, chống bệnh.

Đây là thông tin tại tọa đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 3-12, với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Chia sẻ về dịch tễ sốt xuất huyết trong giai đoạn hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho biết, trước đây, chu kỳ từ 10 - 12 năm mới có một vụ dịch lớn, nhưng gần đây từ năm 2019 đến 2023, nước ta đã có hai vụ dịch lớn là năm 2019 với hơn 300.000 và năm 2022 là 370.000 ca mắc, 150 ca tử vong.

Dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay có thay đổi, trước đây chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như thành phố Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

“Sốt xuất huyết do muỗi truyền và phòng, chống vector hiện nay rất khó khăn, vì muỗi sốt xuất huyết không giống muỗi truyền sốt rét hay viêm não Nhật Bản là trú động ngoài nhà. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết trú động trong nhà, thích hút máu người, sinh sản và đẻ trứng dưới nước. Vì vậy nếu chỉ có y tế, chỉ có chính quyền thì chúng ta không thể diệt được vector truyền bệnh, mà cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng”, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Sinh Nam thông tin.

Bên cạnh đó, tình hình đô thị hóa không được kiểm soát, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu, đặc biệt là giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho vector phát triển và lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu.

Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 type virus khác nhau và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi type là rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các type virus đang gây ra rất khó khăn.

Từ góc độ lâm sàng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hầu như tất cả các lứa tuổi đều có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, từ trẻ em cho đến người lớn. Đặc biệt, những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh, thiếu máu, hen suyễn… hoặc người lớn suy thận là những nhóm đối tượng nguy cơ rất cao. Gần đây, thanh, thiếu niên, sinh viên trẻ tuổi, lực lượng lao động chính cũng là đối tượng nguy cơ của sốt xuất huyết.

Theo Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 200.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn. “Cách đây 7 năm, Bộ Y tế đã có một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Theo đó, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế- xã hội rất lớn”, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức cho biết.

Cục trưởng Hoàng Minh Đức đánh giá, hiện nay công tác phòng tránh sốt xuất huyết đang còn những khoảng trống. Trước khi có vaccine, chúng ta thực hiện các phương pháp truyền thống như tiêu diệt vector trung gian truyền bệnh. Tuy là phương pháp hiệu quả nhất, nhưng vẫn rất khó có thể tiêu duyệt hoàn toàn vector.  

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Sinh Nam nhận định: Vaccine là công cụ bổ trợ quý giá cho những nỗ lực phòng ngừa hiện có. Vaccine có thể giúp giảm số ca bệnh sốt xuất huyết nặng và tỷ lệ nhập viện, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em và người cao tuổi.

Tuy nhiên, vaccine không ngăn ngừa được hoàn toàn các ca sốt xuất huyết. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị kiểm soát vector một cách toàn diện vẫn là yếu tố quan trọng trong chiến lược phòng, chống sốt xuất huyết. Hơn nữa, các vector muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết còn mang những virus nguy hiểm khác, bao gồm virus sốt vàng, chikungunya và Zika. Thành công của việc kiểm soát và phòng, chống sốt xuất huyết phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành và sự hưởng ứng của người dân.

(Theo https://baotintuc.vn/y-te/ca-nuoc-ghi-nhan-tren-114900-ca-mac-sot-xuat-huyet-20241203204947757.htm)

.
.
.