Khoảng 71% bệnh nhân mất khả năng lao động sau đột quỵ
(ABO) Ngày 30-11, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Hội Thần kinh học tỉnh tổ chức Hội nghị khoa học chuyên đề "Cập nhật quy trình và điều trị đột quỵ địa bàn tỉnh Tiền Giang và khu vực Mekong năm 2024".
TS.BS. Châu Mỹ Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang phát biểu khai mạc hội nghị. |
Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu là các chuyên gia y tế, bác sĩ và nhân viên y tế trong và ngoài tỉnh Tiền Giang, nhằm trao đổi chuyên môn và chia sẻ những giải pháp nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS.BS. Châu Mỹ Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh, sự gia tăng nhanh chóng số ca đột quỵ đòi hỏi ngành Y tế Tiền Giang ưu tiên xây dựng một mạng lưới cấp cứu và điều trị đồng bộ, hiệu quả. TS.BS. Châu Mỹ Chi cho rằng, đột quỵ không chỉ là vấn đề sức khỏe cá nhân mà còn đặt ra những thách thức lớn về kinh tế và xã hội. Khoảng 71% bệnh nhân mất khả năng lao động sau đột quỵ, gánh nặng từ căn bệnh này ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng lao động và hệ thống y tế.
Nghiên cứu cho thấy, nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời trong “giờ vàng” tức từ 3 đến 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát triệu chứng, tỷ lệ bệnh nhân hồi phục tốt có thể đạt đến 60%. Tuy nhiên, thách thức không chỉ dừng ở cấp cứu nhanh mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến y tế, từ cơ sở đến chuyên sâu, cùng đầu tư thích đáng vào cơ sở vật chất và nhân lực y tế.
PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP. Hồ Chí Minh trình bày về "Vai trò thiết yếu của quy trình cấp cứu đột quỵ chuẩn". |
Hội nghị có sự tham gia của các báo cáo viên uy tín hàng đầu trong lĩnh vực thần kinh học và điều trị đột quỵ. PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP. Hồ Chí Minh trình bày về "Vai trò thiết yếu của quy trình cấp cứu đột quỵ chuẩn". PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh, quy trình khép kín từ tiếp nhận, chẩn đoán, đến điều trị nhằm tối ưu hóa thời gian "giờ vàng" cứu sống người bệnh.
TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 2.000 ca nhồi máu não. Với những tiến bộ trong quản lý và điều trị tại bệnh viện thì các trường hợp đến bệnh viện kịp "giờ vàng" đều được can thiệp hiệu quả; tuy nhiên nhiều bệnh nhân đã đến bệnh viện quá muộn.
Quang cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội Thần kinh học Tiền Giang đã chia sẻ thông tin về việc xây dựng mạng lưới cấp cứu đột quỵ tại Tiền Giang và hướng phát triển trong tương lai. Trong đó, có các đề xuất cụ thể như thiết lập các trạm trung chuyển cấp cứu, đào tạo nâng cao cho đội ngũ nhân viên y tế tại tuyến cơ sở và triển khai hệ thống liên kết cấp cứu liên vùng.
Hội nghị đã đề ra các định hướng chiến lược bao gồm: Tối ưu hóa quy trình cấp cứu đột quỵ chuẩn; nâng cao năng lực chẩn đoán sớm tại tuyến dưới; phát triển mạng lưới liên kết điều trị đột quỵ toàn khu vực Mekong, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp liên tỉnh trong cấp cứu và điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thành cho rằng, hội nghị lần này không chỉ là cơ hội cập nhật kiến thức mà còn thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các bệnh viện trong khu vực Mekong, nhằm giảm tỷ lệ tử vong và di chứng do đột quỵ. Hội nghị khoa học năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng, giúp ngành Y tế Tiền Giang và khu vực Mekong đánh giá những thành tựu, nhận diện thách thức và định hình các giải pháp thiết thực. Những nỗ lực này hướng đến mục tiêu giảm gánh nặng do đột quỵ gây ra, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
THANH HOÀNG - THỦY HÀ