.

Nâng cao năng lực giám sát các bệnh lây từ động vật sang người

Cập nhật: 21:50, 10/12/2024 (GMT+7)

Việt Nam vừa ghi nhận các ca bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H9N2), cúm A(H1N1) trên người. 

Diễn đàn cấp cao thường niên về Một sức khỏe Phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.
Diễn đàn cấp cao thường niên về Một sức khỏe Phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.
 
Tại Diễn đàn cấp cao thường niên về Một sức khỏe Phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (MSK) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận nhận định: “Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, giao thương gia tăng, cùng với biến đổi khí hậu và đô thị thóa mạnh mẽ đã làm tăng sự tương tác giữa con người - động vật - hệ sinh thái, có thể làm biến đổi các tác nhân gây bệnh cũ và xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới. Bộ Y tế đang nỗ lực triển khai hiệu quả hoạt động phòng chống dịch bệnh nói chung và từ động vật sang người nói riêng”.
 
Cụ thể, Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh cúm A(H5N1) trên người tại Khánh Hòa; 1 ca bệnh cúm A(H9N2) trên người tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; 1 ca tử vong do cúm A(H1N1) ghi nhận tại tỉnh Bình Định.
 
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một số bệnh lây từ động vật sang người đáng chú ý thời gian qua đã xuất hiện tại Việt Nam như: Cúm gia cầm (A/H5N1, A/H7N9, A/H1N1), bệnh dại, bệnh liên cầu lợn, xoắn khuẩn vàng da… đã có ca nặng, tử vong.
 
Ngay khi ghi nhận các ca bệnh ban đầu, Bộ Y tế đã khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động đáp ứng phòng chống dịch; đồng thời, tiếp tục giám sát trọng điểm cúm gia cầm, hội chứng cúm, viêm phổi nặng do virus và viêm đường hô hấp cấp do virus để phát hiện sớm nguy cơ dịch bệnh. Tăng cường kiểm dịch y tế tại cửa khẩu; giám sát chủ động cúm gia cầm trên những đối tượng nguy cơ cao (người buôn bán, giết mổ và chăn nuôi gia cầm). 
 
Về bệnh dại, từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 74 ca tử vong do dại tại 32 địa phương (tương đương so với cùng kỳ năm 2023).
 
Với tỷ lệ tử vong do dại tới 100%, thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030, hàng năm, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, nhằm tăng cường sự vào cuộc của Chính quyền các cấp, nâng cao nhận thức của cán bộ chuyên môn, người dân về bệnh dại.
 
Bên cạnh đó, ngành Y tế phối hợp thực hiện mô hình quản lý tích hợp các ca bị động vật (chó, mèo…) cắn nhằm phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ cao nghi mắc dại cả trên người và động vật.
 
“Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nhóm B, nhưng đang là 1 trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất tại Việt Nam, mặc dù đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả cao. Hàng năm, Việt Nam vẫn có khoảng 70 - 80 người tử vong do dại. Việc tăng cường sự phối hợp y tế - thú y để chia sẻ thông tin thường xuyên và liên tục, sát sao… đã cho thấy hiệu quả trong kiểm soát dịch bệnh dại. Các cấp chính quyền cần ủng hộ và đầu tư thực hiện mô hình phối hợp này để Việt Nam có thể đạt mục tiêu không còn ca tử vong do dại vào năm 2030 như mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng chống dại đề ra”, ông Nguyễn Lương Tâm cho biết.
 
Bên cạnh đó còn một số bệnh như: Liên cầu lợn lây sang người, đã ghi nhận 41 ca mắc, 3 ca tử vong trong năm 2024; bệnh xoắn khuẩn vàng da, bệnh than cũng vẫn được tăng cường giám sát, phối hợp liên ngành trong kiểm soát lây nhiễm bệnh sang người...
 
Để kiểm soát các bệnh lây từ động vật sang người, các biện pháp được triển khai như: Dự phòng để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ; nâng cao chất lượng giám sát các dịch bệnh và sự kiện y tế công cộng; triển khai các hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm, cải thiện vệ sinh y tế, vệ sinh môi trường, áp dụng lối sống lành mạnh….
 
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người, bao gồm thể chế hóa các hoạt động phòng MSK thông qua các nhiệm vụ trọng tâm; quản lý tốt các nguy cơ khẩn cấp; xây dựng lộ trình nâng cao năng lực thực hiện điều lệ y tế thế giới và năng lực ngành Thú y; thống nhất nội dung Chiến lược phòng chống kháng thuốc 2023 - 2030.
 
Ba Bộ cam kết cao với các hoạt động Một sức khỏe tại Việt Nam, tiếp tục nâng cao công tác điều phối đa ngành, hỗ trợ về quy trình, thủ tục cho các hoạt động, chương trình, dự án, các lĩnh vực hợp tác về phòng chống các bệnh lây từ động vật sang người với các đối tác quốc tế và trong nước.
 
(Theo https://baotintuc.vn/y-te/nang-cao-nang-luc-giam-sat-cac-benh-lay-tu-dong-vat-sang-nguoi-20241210190314306.htm)
 
 
 

 

.
.
.