Chủ Nhật, 29/12/2024, 21:31 (GMT+7)
.

Số ca mắc sởi tăng 130 lần, cần tuân thủ 5 khuyến cáo phòng chống bệnh này

Theo thống kê của Bộ Y tế trong năm 2024, số ca mắc sởi tăng nhanh so với năm trước. Các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao, như: Đồng Nai (6.360 ca), TP HCM (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca).

Thông tin về kết quả phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch năm 2025, ông Nguyễn Lương Tâm - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê trong năm 2024, số ca mắc sởi tăng nhanh so với năm trước. Số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364 (tăng hơn 94 lần so với năm 2023) và số ca dương tính với sởi là 6.725 ca (tăng hơn 130 lần so với năm 2023).

Các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao, như: Đồng Nai (6.360 ca), TP HCM (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)… Đến nay, cả nước đã ghi nhận 13 ca tử vong do sởi, trong đó chủ yếu là trẻ em do bệnh chồng bệnh, người già có bệnh nền.

Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê trong năm 2024, số ca mắc sởi tăng nhanh so với năm trước.
Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê trong năm 2024, số ca mắc sởi tăng nhanh so với năm trước.

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 vừa diễn ra, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM - địa phương đầu tiên công bố dịch sởi vào tháng 8-2024 cho hay, việc thành phố thực hiện công bố dịch là cơ sở pháp lý để phòng, chống dịch sởi hiệu quả hơn. Cụ thể là chỉ 3 ngày sau khi công bố dịch, thành phố đã có vaccine để triển khai tiêm chủng nhờ sử dụng nguồn ngân sách địa phương.

Tính đến ngày 22-12, thành phố đã tiêm vaccine sởi cho hơn 50.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi; hơn 122.000 trẻ từ 6 đến 10 tuổi và hơn 10.200 trẻ ở độ tuổi 6-9 tháng.

Cũng trong đợt dịch này, ngành Y tế TP HCM đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Sau khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, dù tỷ lệ đạt trên 98% nhưng thành phố vẫn ghi nhận ca bệnh.

"Chúng tôi đã khảo sát ngẫu nhiên với 616 trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại 10 quận, huyện vào đầu tháng 10-2024. Kết quả, chỉ có 69 trẻ có địa chỉ khai báo đúng với thông tin trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, 15% trẻ có địa chỉ khai báo ở tỉnh khác, 2% trẻ không tìm thấy thông tin.

Gần 20% trẻ sống tại TP HCM nhưng địa chỉ khai báo trên hệ thống lại ở địa phương khác nên các trạm y tế xã, phường không biết để theo dõi, dẫn đến dễ bỏ sót đối tượng, tạo ra lỗ hổng lớn trong tiêm chủng"- bà Lê Hồng Nga chia sẻ.

Cũng đề cập đến nguyên nhân khiến dịch sởi gia tăng tại một số địa phương thời gian qua, ông Nguyễn Lương Tâm chỉ ra, miễn dịch cộng đồng không đạt yêu cầu do công tác tiêm chủng bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác như: Ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế diễn ra cục bộ; kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch hằng năm hạn chế, chậm...

Theo Bộ Y tế, bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế, có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.


(Theo suckhoedoisong.vn)


 

.
.
.