.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy kịp thời xử lý trường hợp bé gái 37 tháng tuổi nuốt pin

Cập nhật: 10:32, 18/01/2025 (GMT+7)
(ABO) Ngày 18-1, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết vừa kịp thời xử lý trường hợp một bé gái 37 tháng tuổi nhập viện do nuốt phải pin trong đồ chơi điện tử.
Dị vật được lấy ra sau 1 ngày.
Dị vật được lấy ra sau đó 1 ngày.
Bệnh viện tiếp nhận bé gái P.H.M.A. (37 tháng tuổi, ngụ tại TX. Cai Lậy, Tiền Giang) trong tình trạng tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn ổn định. Theo gia đình, trước đó 1 giờ, bé đang chơi đồ chơi điện tử một mình trong phòng. Khi gia đình vào kiểm tra thì thấy pin cúc áo lắp trong đồ chơi bị rơi ra, bé nói "con nuốt 1 viên pin rồi ba". Gia đình lập tức đưa bé đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy.
 
Tại bệnh viện, các bác sĩ nhanh chóng thăm khám và chỉ định chụp X-quang bụng đứng. Kết quả phát hiện một dị vật cản quang hình tròn đường kính khoảng 0,5 cm trong ổ bụng. Bé được chuyển đến Khoa Ngoại tổng quát để tiếp tục theo dõi và điều trị.
 
Bác sĩ Huỳnh Văn Hon thuộc Khoa Ngoại tổng quát trực tiếp thăm khám và theo dõi tình trạng của bé. Sau 1 ngày điều trị tích cực, dị vật đã được xử lý ra ngoài thành công. Kết quả thăm khám sau đó cho thấy bé hoàn toàn tỉnh táo, không có biểu hiện nôn ói hay đau bụng, ăn uống trở lại bình thường. Để đảm bảo an toàn, bệnh viện đã tiến hành chụp X-quang kiểm tra một lần nữa trước khi cho bé xuất viện.
 
Theo các chuyên gia y tế, nuốt dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở độ tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi - giai đoạn trẻ bắt đầu khám phá thế giới thông qua việc đưa đồ vật vào miệng. Các dị vật trẻ thường nuốt phải đa dạng, bao gồm: Pin đồ chơi, đồng xu, kim băng, đinh, các mảnh nhựa nhỏ, hạt, xương.
 
Trong số các dị vật, pin được xem là loại đặc biệt nguy hiểm vì chứa nhiều chất độc hại như cadimi, thủy ngân. Khi tiếp xúc với môi trường ẩm trong đường tiêu hóa, pin có thể phát sinh phản ứng hóa học, gây bỏng niêm mạc và tổn thương nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, việc nuốt phải pin có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng ruột, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.
 
Qua trường hợp cấp cứu, Bác sĩ Huỳnh Văn Hon nhấn mạnh, dù trong thời điểm cận tết công việc bận rộn, cha mẹ vẫn phải đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu và thường xuyên quan tâm, giám sát. Để phòng tránh tai nạn đáng tiếc, các gia đình không để trẻ tiếp xúc với các loại hạt, quả nhỏ có kích thước dễ trôi tuột vào đường thở; cẩn thận lựa chọn đồ chơi phù hợp với độ tuổi, tránh các món đồ chơi có chi tiết nhỏ, dễ tháo rời; kiểm tra kỹ độ an toàn của đồ chơi trước khi cho trẻ sử dụng; giám sát chặt chẽ khi trẻ ăn uống, không để trẻ vừa ăn vừa chạy nhảy, nói chuyện; thường xuyên giáo dục trẻ về việc không đưa đồ vật lạ vào miệng. Đặc biệt lưu ý việc bảo quản và thường xuyên kiểm tra các thiết bị có sử dụng pin cúc áo
 
Ngoài ra, cha mẹ cần sắp xếp không gian sống an toàn cho trẻ, cất giữ các vật dụng nguy hiểm ngoài tầm với của trẻ và duy trì thói quen kiểm tra, dọn dẹp đồ chơi sau khi trẻ chơi xong. Việc phòng tránh luôn tốt hơn việc phải xử lý khi tai nạn đã xảy ra.
Các chuyên gia y tế đưa ra những khuyến cáo cụ thể khi phát hiện trẻ nuốt phải dị vật cần giữ bình tĩnh, không hoảng loạn để có thể xử lý tình huống một cách hiệu quả; quan sát và hỏi trẻ để xác định chính xác loại dị vật đã nuốt phải; không được tự ý cho trẻ uống nước hoặc ăn thức ăn vì có thể khiến dị vật di chuyển sâu hơn; tuyệt đối không cố móc họng hoặc kích thích cho trẻ nôn vì có thể gây tổn thương thêm; nếu trẻ còn tỉnh táo và thở được, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện khó thở nặng, tím tái, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Đặc biệt, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay không chậm trễ trong các trường hợp: Trẻ nuốt phải pin hoặc vật sắc nhọn; trẻ có dấu hiệu bất thường như khó thở, quấy khóc dữ dội; xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói liên tục; trẻ có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe.
LONG GIANG - TRỌNG ĐẠI
.
.
.