.

Chủ động kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm

Cập nhật: 08:44, 08/01/2025 (GMT+7)
Theo dự báo của Bộ Y tế, tình hình bệnh truyền nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2025. Đặc biệt, các bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
 
Một số bệnh truyền nhiễm vẫn có ca mắc cao
 
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Năm 2024 vẫn chứng kiến những thách thức lớn trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên thế giới. Các đợt bùng phát dịch bệnh như mpox (đậu mùa khỉ), dịch tả, bại liệt, marburg tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới đe dọa lớn đối với sức khỏe người dân. Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới, dẫn đến gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi và sự bùng phát dịch sởi tại nhiều quốc gia.
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, đô thị hóa và di dân làm cho các đợt bùng phát dịch bệnh ngày càng gia tăng và nguy cơ xảy ra đại dịch luôn hiện hữu. Theo đó, giải pháp căn bản nhất trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm là phải nâng cao ý thức của người dân; tăng cường và thực hiện tốt việc tiêm vaccine; giữ gìn vệ sinh trong ăn uống và tích cực luyện tập thể thao...
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: PHONG LAN
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: PHONG LAN

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay: Kết quả điều trị bệnh dịch của Việt Nam có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Để có được kết quả đó, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả; đồng thời tăng cường công tác truyền thông; chỉ đạo phân tuyến, phân luồng, thu dung, cách ly điều trị, phân loại nguy cơ nhằm hạn chế lây lan. Hiện nay, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã yêu cầu sở y tế các địa phương chủ động kế hoạch nhằm bảo đảm tốt các yếu tố phục vụ công tác thu dung, điều trị và xử lý đối với từng loại dịch bệnh nếu xảy ra.

Nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng
 
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, thời gian qua, các dịch bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam về cơ bản đang được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. “Đại dịch Covid-19 là lời cảnh tỉnh đối với toàn thế giới khi hệ thống y tế bị đẩy đến giới hạn; kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, an sinh, an ninh xã hội không được bảo đảm, đời sống người dân bị đảo lộn. Cuộc khủng hoảng tạm thời đã qua, nhưng bài học kinh nghiệm vẫn luôn còn đó”, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ. 
 
Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường và nguy cơ bùng phát cao, bệnh chưa rõ nguyên nhân, sự biến chủng liên tục của các tác nhân gây bệnh. Do đó, để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025; đồng thời, nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời.
 
Ngành y tế cũng triển khai kế hoạch, bảo đảm nguồn lực, kinh phí; huy động các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội tham gia công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ngành y tế phấn đấu giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; kiểm soát kịp thời, hiệu quả; hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.

(Theo www.qdnd.vn)

.
.
.