Thứ Tư, 22/01/2025, 08:55 (GMT+7)
.

Coi chừng ngộ độc vì... rượu

Thời điểm cận tết cũng là dịp liên hoan, tổng kết, tiệc tùng cuối năm. Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol (cồn công nghiệp) nhưng tình trạng này vẫn liên tiếp xảy ra, khiến nhiều người nhập viện, thậm chí tử vong.
 
Loạn thần, tử vong vì rượu
 
Mới đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra một vụ ngộ độc do sử dụng rượu ngâm với cây lạ lấy trong rừng khiến 4 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch, 1 người tử vong. Trước đó, tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã xảy ra một vụ ngộ độc rượu khiến 4 nạn nhân nhập viện.
 
Bác sĩ Trần Huy Nhật, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc rượu. Đa phần các trường hợp ngộ độc methanol mà bệnh viện tiếp nhận đều liên quan đến tiêu thụ rượu giả, rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc rượu nấu thủ công. Thành phần chính của những loại rượu này bao gồm cả ethanol và methanol. Người bệnh lúc đầu có cảm giác say chếnh choáng, nhưng sau đó có thể nhanh chóng diễn tiến nặng.
 
Một số triệu chứng phổ biến của ngộ độc methanol là: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn; mờ mắt, nhìn đôi, hoặc sợ ánh sáng; thở nhanh, hơi thở có mùi acetone (mùi trái cây chín); lú lẫn, lơ mơ, có thể dẫn đến hôn mê trong trường hợp nặng. Một trong những biểu hiện đặc trưng của ngộ độc methanol là suy giảm thị lực. Giảm thị lực có thể xuất hiện trong vòng 12-24 giờ sau khi phơi nhiễm và diễn tiến nhanh chóng dẫn đến mù hoàn toàn nếu không được điều trị kịp thời.
 
Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang chăm sóc người bệnh bị ngộ độc rượu.
Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang chăm sóc người bệnh bị ngộ độc rượu.

Việc uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều, khiến gan không kịp đào thải ra ngoài, làm cho tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây “thuốc” chiếm khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (như ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) khoảng 10%. Người dân không nên lạm dụng rượu ngâm vì dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, qua phân tích từ các vụ ngộ độc rượu cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc (chiếm gần 50% số ca tử vong do rượu), tiếp đến là rượu ngâm các loại động vật, thực vật.
 
Đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống rượu pha từ cồn công nghiệp methanol có xu hướng gia tăng, trong khi các bệnh viện chưa có thuốc giải độc. Không chỉ để lại hậu quả nặng nề là ngộ độc hay tử vong, mà rượu còn là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông, đánh nhau, giết người, hiếp dâm và trên 60 loại bệnh khác nhau.
 
Sử dụng rượu an toàn
 
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, hàng năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 ca ngộ độc rượu khác nhau, trong đó ngộ độc do methanol khoảng 20 ca, tử vong không quá 5 ca do vào viện trễ.
 
Ngộ độc rượu khó chẩn đoán nếu không được xét nghiệm đầy đủ. Mặt khác, bản thân người bị ngộ độc rượu cũng được nhận diện hơi trễ; điều này lý giải tại sao trong một nhóm người uống rượu, nếu có 1 người tử vong hay 1 người nhập viện thì những người khác mới tới bệnh viện.
 
Uống bao nhiêu rượu có thể ngộ độc?
 
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, methanol rất độc vì chúng thải trừ chậm, oxy hóa thành formaldehyd và axit formic. Chỉ cần uống 5-15ml là có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên gây mù lòa, 30ml có thể gây tử vong.
 
Không uống rượu nồng độ từ 30o trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Một người bình thường không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày (1 đơn vị rượu chứa 10gr cồn), tương đương: 30ml rượu mạnh (40-43o); 100ml rượu vang (13,5o); 330ml bia hơi (5o); 2/3 chai 500ml hoặc lon bia 330ml (5o).
 

Để ngăn chặn tình trạng ngộ độc methanol, người dân cần tránh tiêu thụ rượu không rõ nguồn gốc. Nếu có người thân nghi ngờ ngộ độc methanol với đặc trưng là có sử dụng rượu bia trước đó, say một thời gian thì hết nhưng sau đó lại than mệt, nhìn mờ, ngủ nhiều dù không dùng thêm rượu bia sau đó thì cần phải đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để nhanh chóng được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan, rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật.
 
Nghiêm cấm các hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: rượu pha chế từ cồn công nghiệp chứa methanol, rượu pha chế từ nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác.
 
Người dân tuyệt đối không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.
 
(Theo www.sggp.org.vn)
 
 

 

.
.
.