Thứ Bảy, 11/01/2025, 12:28 (GMT+7)
.

Không để dịch bệnh xâm nhập

Để bảo đảm người dân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 an toàn, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm soát y tế ở cửa khẩu, kịp thời phát hiện, cách ly, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. 

Người dân cần đến cơ sở khám, chữa bệnh khi thấy có những biểu hiện bất thường về hô hấp.
Người dân cần đến cơ sở khám, chữa bệnh khi thấy có những biểu hiện bất thường về hô hấp.

Giám sát diễn biến dịch bệnh

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa ký Chỉ thị tăng cường công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, Bộ trưởng Y tế yêu cầu các đơn vị tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch bệnh và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
 
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán năm 2025. Đồng thời, huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác y tế trong dịp Tết; tiếp tục theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan, bùng phát lan rộng ra cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam. “Các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian nghỉ Tết”, Bộ Y tế lưu ý.
 
Về công tác khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện ứng trực 24/24 giờ; bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, oxy y tế. “Các đơn vị chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết”, Bộ Y tế nhấn mạnh.
 
Đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm trung ương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025.
 
Các đơn vị tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
 
Không nên quá hoang mang với virus gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc
 
Trước đó, chiều 5/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có báo cáo nhanh thông tin về các trường hợp mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc.
 
Theo Cục Y tế dự phòng, những ngày gần đây, hệ thống giám sát đã ghi nhận thông tin từ các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội về các trường hợp mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) tại Trung Quốc.
 
Cụ thể, ngày 2/1/2025, một số trang thông tin điện tử nước ngoài đưa tin về một đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều trường hợp mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và nhận định dịch bệnh lây lan nhanh với triệu chứng tương tự như cúm, Covid-19, đồng thời lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh về tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở Trung Quốc do các trường hợp nhiễm virus Human Metapneumovirus (HMPV) và thông tin về việc công bố tình trạng khẩn cấp hay việc quá tải các lò hỏa táng cũng được chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
 
Ngay sau khi ghi nhận các thông tin nêu trên, Cục Y tế dự phòng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Trung Quốc (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Trung Quốc). Đến thời điểm hiện tại, WHO chưa có thông tin chính thức về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, đồng thời chưa được xác minh độ tin cậy và tính chính thống của thông tin trên các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội nêu trên.
 
Theo báo cáo kết quả giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp trong tuần 52 năm 2024 của CDC Trung Quốc, các mẫu bệnh phẩm thu thập từ khoa khám bệnh ngoại trú và khoa cấp cứu của các bệnh viện ghi nhận, các tác nhân chủ yếu là virus cúm, Human metapneumovirus (HMPV) và rhovirus. Ngoài ra, các mẫu bệnh phẩm của các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng phải nhập viện ghi nhận các tác nhân chủ yếu là virus cúm, Mycoplasma pneumoniae và human metapneumovirus (HMPV) .
 
Tại Trung Quốc hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có xu hướng gia tăng trong thời gian này, bao gồm các tác nhân chính là virus cúm mùa, virus hợp bào hô hấp ở trẻ em (RSV), Human metapneumovirus (HMPV).
 
Cũng theo báo cáo kết quả giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp trong tuần 52 năm 2024 của CDC Trung Quốc, số trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có triệu chứng giống cúm thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
 
Ngày 4/1/2025, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông tin bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang lây lan ở nước này là bệnh thường quy, không phải sự kiện y tế bất thường. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm tại quốc gia này.
 
Trên cơ sở các thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chủ động việc theo dõi, giám sát thông tin về diễn biến tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại Trung Quốc. Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với WHO, đầu mối thực hiện IHR của Trung Quốc để cập nhật thông tin.
 
“Khi có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi…, người dân cần hạn chế đến đám đông, nơi công cộng để tránh lây nhiễm bệnh cho người khác. Đồng thời, rửa tay với xà phòng, vệ sinh thường xuyên. Khi tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cần đeo khẩu trang. Tóm lại cần phòng bệnh như Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác. Đặc biệt, với trẻ em, người già, người có bệnh lý nền khi mắc bệnh hô hấp có thể dẫn đến chuyển nặng. Vì vậy, khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở, đau ngực..., người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để thăm, khám, điều trị kịp thời”, PGS, TS Trần Đắc Phu.
Cục Y tế dự phòng sẽ chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ chính xác; không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng đồng thời không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn mùa đông xuân hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan.
 
Trao đổi với báo chí, PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, HMPV được phát hiện từ năm 2001, thuộc họ Pneumoviridae - cùng họ với virus hợp bào hô hấp (RSV). Đây là những loại virus thông thường, không phải loại nguy hiểm. Chính vì vậy, người dân không nên quá hoang mang. Thế nhưng, chúng ta cũng cần theo dõi vì sự biến chủng của virus vẫn có thể xảy ra.
 
Để phòng bệnh, theo ông Trần Đắc Phu, chúng ta cũng cần tiếp tục theo dõi những tin tức từ WHO để có những cảnh báo và đáp ứng phù hợp. Để ứng phó với dịch bệnh không nên lo lắng quá nhưng cũng không được chủ quan. Đặc biệt, trong giai đoạn mùa đông xuân hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, người dân cũng cần chú ý phòng bệnh do virus hợp bào hô hấp RSV hay virus HMPV giống như các bệnh được hô hấp khác.
 
(Theo nhandan.vn)
 

 

.
.
.