Y tế Việt Nam đồng hành cùng đất nước
Suốt chặng đường đồng hành cùng đất nước trong 70 năm qua, ngành Y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ...
Cách đây 70 năm, ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế và ngày này trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
70 năm qua, ngành Y tế Việt Nam không chỉ nỗ lực hoàn thành sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân mà còn ngày càng khẳng định thương hiệu của y tế Việt Nam...
Suốt chặng đường đồng hành cùng đất nước trong 70 năm qua, ngành Y tế đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm, bảo hiểm y tế, năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ đều có bước phát triển vượt bậc... Nhiều thầy thuốc đã được Nhà nước vinh danh, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú.
Truyền thống vẻ vang
Năm 1945, Bộ Y tế của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Chưa được bao lâu, ngành Y tế cách mạng đã cùng cả nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp. Mặc dù nhiệm vụ chủ yếu trong thời kỳ này là phục vụ chiến đấu, phải tập trung toàn bộ nguồn nhân lực, vật lực phục vụ cho tiền tuyến, nhưng trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, ngành Y tế vẫn duy trì và không ngừng phát triển, đảm bảo phục vụ tốt chăm sóc thương bệnh binh và phòng chống dịch bệnh.
Trẻ em vùng sâu, vùng xa được thăm khám sức khỏe ngay tại y tế cơ sở. |
Thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong thời kỳ này là sản xuất được các loại vaccine phòng bệnh tả, bệnh đậu mùa, thương hàn để tiêm chủng cho nhân dân; Bào chế và sản xuất được các thuốc thông thường bằng nguyên liệu tại chỗ. Năm 1950, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được kháng sinh peniciline.
Trong những năm sau ngày giải phóng miền Bắc, ngành Y tế đã tập trung xây dựng và phát triển y tế ở khu vực nông thôn, làm cho bộ mặt nông thôn miền Bắc thay đổi rõ rệt: Các công trình vệ sinh được xây dựng, sức khỏe của nhân dân không ngừng được nâng lên. Năm 1961, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vaccine Sabin phòng bệnh bại liệt và vaccine phòng bệnh đậu mùa.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ác liệt phá hoại miền Bắc, ngành Y tế một lần nữa lại hoạt động trong tình trạng thời chiến. Song song với việc tăng cường cán bộ cho cơ sở, bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân miền Bắc, ngành Y tế không ngừng chi viện cho miền Nam. Nhiều sinh viên y khoa mới ra trường đã xung phong vượt Trường Sơn vào phục vụ ở các chiến trường Trị Thiên, Khu V, Tây Nguyên, Khu VI, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định. Hàng trăm nghìn tấn thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế đã được vận chuyển vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh, góp phần chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngành Y tế đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là vô cùng quan trọng, xem con người là vốn quý nhất, nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành Y tế luôn phấn đấu nỗ lực hết mình thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Điểm sáng thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ
Các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ở nước ta ngày càng được cải thiện. Tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng như tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi đã giảm và đã đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ và đúng tiến độ trong thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Mục tiêu Phát triển bền vững.
Trong vòng hơn 20 năm (từ 2001 đến 2023), tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,2‰), tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm gần 2,5 lần (từ 29,5‰ xuống còn 11,6‰). Tỷ suất tử vong mẹ đã giảm 6 lần trong 30 năm qua, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn khoảng 40/100.000 trẻ đẻ sống những năm gần đây. Việt Nam trở thành 1 trong 5 nước đang phát triển có mức tử vong bà mẹ, trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới. Suy dinh dưỡng trẻ em vẫn tiếp tục giảm đều và bền vững. Đến năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống còn 9,7% (thể nhẹ cân) và 18,2% (thể thấp còi). Đặc biệt, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh, hiện là 74,5 tuổi, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Kiểm soát và ngăn ngừa nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi
Trong công tác phòng chống dịch bệnh, Việt Nam hiện đã xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm cũng được tích cực chủ động. Công tác tổ chức thu dung, điều trị cho người bệnh đạt hiệu quả rõ rệt.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và nhu cầu cấp thiết từ thực tiễn, nhiều năm qua, Bộ Y tế luôn coi ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong tiến trình phát triển để cùng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Điều này đã được ngành Y tế phối hợp với các cấp, các ngành để cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, đồng bộ từ cấp Trung ương đến từng cơ sở. |
Kết quả là nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán, loại trừ. Cụ thể như thanh toán bệnh đậu mùa vào năm 1978, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, từ năm 2002 bệnh dịch hạch đã được thanh toán, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Một số bệnh dịch đã giảm số người nhiễm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với những năm trước khi có Chương trình Tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, sởi... Nhiều bệnh dịch lưu hành khác có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn như: Sốt xuất huyết, viêm não virus, lao, thương hàn, tả... đã được khống chế, không gây thành các dịch lớn, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong.
Không chỉ khống chế các dịch bệnh trong nước, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1; Ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV... Việt Nam cũng là một trong những nước ứng phó thành công nhất với đại dịch COVID-19. Dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam cũng tiếp tục được kiểm soát. Việt Nam cùng với Anh, Đức, Thụy Sỹ là 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới.
Việt Nam cũng triển khai được năng lực giám sát xét nghiệm rất tốt. Tất cả bệnh truyền nhiễm mới nổi đến nay, Việt Nam đều có khả năng xét nghiệm và phát hiện, từ MERS-CoV, Ebola, hay cúm A/H7N9 và cả COVID-19... Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hoạt động hiệu quả từ giám sát cộng đồng, giám sát tại cửa khẩu, tại phòng xét nghiệm; giám sát tại vùng bất thường liên quan đến yếu tố dịch tễ đều được báo cáo, sàng lọc.
Nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc điều trị... trên dây chuyền công nghệ hiện đại. |
Chương trình Tiêm chủng mở rộng là một thành công của y tế Việt Nam. Triển khai ở trạm y tế xã từ 1985, đến năm 1995 cả nước không còn xã trắng về tiêm chủng.
Việt Nam đã sản xuất được đa số các vaccine tham gia Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Theo thống kê của chương trình, hằng năm số lượng mũi tiêm thực hiện trong tiêm chủng mở rộng khoảng 30 triệu mũi, đó là: Ngừa lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi - viêm màng não do Hib, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản. Bên cạnh đó, có xấp xỉ 10 triệu liều vaccine dịch vụ cho cả người lớn và trẻ em (vaccine ngừa ung thư cổ tử cung, hậu môn, vòm họng do HPV, vaccine ngừa cúm, thủy đậu, dại, các bệnh do phế cầu, Rotavirus, thương hàn...).
Cùng đó, ngành Y tế cũng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh không lây nhiễm đang ngày một gia tăng, chiếm khoảng 80% nguyên nhân gây tử vong.
Ngày 21-10-2024, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Việt Nam đã loại trừ thành công bệnh đau mắt hột, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sức khỏe toàn cầu. Nhiều tổ chức quốc tế đã chúc mừng thành tựu y tế công cộng này của Việt Nam.
Mạng lưới y tế cơ sở được phát triển rộng khắp toàn quốc
Để sức khỏe nhân dân được bảo vệ một cách toàn diện, đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, ngành Y tế đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chính sách phát triển y tế cơ sở bởi đây là tuyến y tế gần dân nhất, tiếp cận dân nhanh nhất.
Thành công đạt được về các chỉ tiêu sức khỏe ở nước ta có sự đóng góp quan trọng của mạng lưới y tế cơ sở. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi và làm theo. Việt Nam hiện có hơn 11.000 trạm y tế với 99% xã, phường, thị trấn có trạm y tế. Nhân lực y tế cơ sở từng bước được củng cố. 92,4% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc. Số lượng nhân lực y tế có trình độ cao ngày càng tăng. Cơ sở vật chất, thiết bị gần 80% trạm y tế được đầu tư kiên cố.
Khám chữa bệnh cho bà con vùng cao. |
Việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng luôn vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh già hóa dân số, bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở các vùng sâu xa, miền núi còn cao. Chính mạng lưới cơ sở là nhân tố then chốt đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về y tế công cộng và để người dân nước ta được hưởng cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài hơn so với các quốc gia khác có trình độ phát triển tương tự.
Năm 2024, nước ta đạt 14 bác sĩ trên 1 vạn dân, tăng nhanh so với con số 12,5 bác sĩ trên 1 vạn dân của năm 2023. Ngành Y tế cũng đặt mục tiêu năm 2025 có 15 bác sĩ trên 1 vạn dân. Đến nay, Việt Nam đã đạt 34 giường bệnh trên 1 vạn dân, cao hơn nhiều so với những năm trước đó.
Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2024, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Cả nước hiện có 1.645 bệnh viện, trong đó có 384 bệnh viện ngoài công lập; khám cho hơn 170 triệu lượt ngoại trú và điều trị nội trú cho hơn 17 triệu lượt người. Mạng lưới bệnh viện vệ tinh, khám chữa bệnh từ xa được mở rộng và phát triển.
Làm chủ nhiều công nghệ kỹ thuật cao
Bảo hiểm y tế - một chính sách an sinh xã hội được ví như “chiếc phao cứu sinh những người bệnh nghèo, mắc bệnh nặng” và trở thành một trong những yếu tố rất quan trọng để chúng ta xây dựng hệ thống y tế Việt Nam một cách ổn định và vững vàng. |
Thực tiễn phát triển của ngành Y tế thời gian qua cho thấy, liên tiếp trong thời gian dài, bằng sáng tạo và sự nỗ lực không ngừng, các thầy thuốc của chúng ta đã triển khai và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh trên các "mặt trận" khác nhau như ghép đa mô, tạng, can thiệp tim mạch, ECMO, chấn thương chỉnh hình, sản khoa, nhi khoa, ngoại khoa, phẫu thuật nội soi robot, ghép tế bào gốc... Một số kỹ thuật cao đã sánh ngang tầm các nước có điều kiện kinh tế và nền y học phát triển. Vì vậy mà Việt Nam đã thành điểm đến để học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của nhiều thầy thuốc từ các nước trong khu vực và trên thế giới như: Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Thái Lan...
Việt Nam cũng tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học đạt tầm thế giới, thực hiện chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như: Phẫu thuật nội soi, ứng dụng robot trong phẫu thuật, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương - khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu…
Cho đến nay, hệ thống y tế nước ta đã có 27 cơ sở ghép tạng (thận, phổi, tim, gan, giác mạc, ghép tế bào gốc tạo máu...). Việt Nam cũng tiếp tục khẳng định làm chủ công nghệ ghép đa tạng - một kỹ thuật khó của y học thế giới, đặc biệt là ca ghép đồng thời tim - gan do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lần đầu thực hiện thành công tại Việt Nam trong năm 2024 đã ghi thêm dấu ấn vinh quang cho chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam.
Từ ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992, đến nay đã có 9.297 ca ghép tạng được thực hiện, cùng đó nhiều ca ghép giác mạc đã được thực hiện không chỉ ở bệnh viện công mà còn tại bệnh viện tư. Cũng từ đó hàng nghìn cuộc đời mong manh như "ngọn đèn trước gió" đã được hồi sinh sự sống, nhiều người mù lòa sau nhiều năm đã được nhìn thấy người thân, thấy ánh sáng...
Trong lĩnh vực sản khoa, Việt Nam đã thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp bào thai là kỹ thuật cao nhất, hiện đại nhất trong y học bào thai hiện nay. Kỹ thuật can thiệp bào thai có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi... được đánh giá là những ca bệnh rất khó, tăng cơ hội cứu sống cho các bào thai bệnh lý.
Tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho người dân ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Kông Bông, Ðắk Lắk. |
Việt Nam được công nhận là một trong số ít quốc gia làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine, tự nghiên cứu sản xuất vaccine, như vaccine cúm mùa 3 type được sản xuất và đủ điều kiện thương mại hóa. Ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch, như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, là cơ sở để không xảy ra dịch trên quy mô lớn như các năm trước đây.
Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0 và công nghệ y khoa thế giới, ngành Y tế Việt Nam đã chuẩn bị và triển khai một số hoạt động ứng dụng và phát triển y tế thông minh, góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Lĩnh vực khám chữa bệnh đã thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài về khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết
Xuân mới 2025 đã về, đây cũng là thời điểm tròn 70 năm Bác Hồ gửi thư cho ngành Y tế - cũng là 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, ngành Y tế tiếp tục đồng lòng, chung sức, đoàn kết, thống nhất để thực hiện tròn đầy hơn, tốt hơn sứ mệnh cao cả và vinh quang: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân... |
Một trong những điểm sáng nổi bật của ngành Y tế được dư luận xã hội, người dân ghi nhận và đánh giá cao trong thời gian gần đây là hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết, trước hết, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ. Theo đó, ngành Y tế Việt Nam không chỉ tập trung phát triển khoa học, kỹ thuật cao, giúp nâng cao chất lượng thăm khám, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, từ sớm, từ xa... mà đã quyết liệt triển khai thực hiện phong trào đổi mới tinh thần, thái độ và phong cách phục vụ người bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Cùng đó, thời gian qua, ngành Y tế và các bộ ngành liên quan đã tạo được một bước đột phá trong thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm đạt mục tiêu BHYT toàn dân... Nhiều chính sách về mở rộng quyền lợi của người bệnh BHYT đã được xây dựng như danh mục thuốc tăng lên, thường xuyên được cập nhật cho phù hợp, mức đóng BHYT thấp so với nhiều nước trong khu vực nhưng quyền lợi thụ hưởng cao. Thủ tục hành chính về khám chữa bệnh BHYT được rút gọn...
Đến nay đã có hơn 94% dân số ở nước ta tham gia BHYT. Hằng năm, bình quân có trên 150 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, quỹ BHYT chi trả trên 100 nghìn tỷ đồng. Hệ thống khám chữa bệnh BHYT được tổ chức tốt từ Trung ương đến địa phương, bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi cho việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Đồng hành cùng đất nước trên con đường hội nhập và phát triển 70 năm qua, ngành Y tế đã chủ động không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ. Hiện nay, Bộ Y tế có quan hệ hợp tác với hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều tổ chức quốc tế và hơn 200 tổ chức phi Chính phủ, các ngân hàng quốc tế, các quỹ tài chính toàn cầu, các trường đại học, viện nghiên cứu và các trung tâm khoa học lớn trên thế giới.
(Theo suckhoedoisong.vn)