Thứ Sáu, 18/07/2025, 18:19 (GMT+7)
.

Đồng Tháp: Không chủ quan trước diễn biến dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng

(ABO) Ngày 18-7, theo báo cáo tuần 28 (từ ngày 7 đến 13-7-2025) của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp, tình hình dịch sốt xuất huyết Dengue và tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ, đòi hỏi các biện pháp phòng, chống quyết liệt và sự phối hợp đồng bộ từ cộng đồng.

Kiểm tra lăng quăng hàng tuần để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Kiểm tra lăng quăng hằng tuần để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Trong tuần 28, Đồng Tháp ghi nhận 104 ca sốt xuất huyết, bao gồm 3 ca nặng, không có tử vong. So với tuần trước (134 ca), số ca giảm 22,4%, nhưng tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2024 (64 ca). Tính từ đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 1.972 ca, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2024 (1.522 ca).

Về tay chân miệng, tuần qua ghi nhận 97 ca mới, không có tử vong. Số ca giảm 40,1% so với tuần trước (162 ca), nhưng vẫn tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2024 (91 ca). Tổng cộng từ đầu năm, tỉnh ghi nhận 2.720 ca, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước (2.239 ca).

Đáng chú ý, 17 xã/phường trong tỉnh ghi nhận số ca sốt xuất huyết vượt ngưỡng báo dịch, cho thấy nguy cơ lây lan vẫn ở mức cao.

Biện pháp phòng, chống dịch:

Trong tuần 28, CDC Đồng Tháp và các địa phương đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch: 56 ổ dịch sốt xuất huyết và 3 ổ dịch tay chân miệng được phát hiện và xử lý triệt để 100%. Hoạt động diệt lăng quăng được thực hiện tại 2.753 hộ ở 51 xã; phun hóa chất diệt muỗi tại 2.423 hộ ở 47 xã.

Tập trung phát hiện sớm ca bệnh và ổ dịch tại các khu vực nguy cơ cao. Đẩy mạnh tuyên truyền qua nhiều kênh, hướng dẫn người dân diệt muỗi, vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Trong thời gian tới, CDC Đồng Tháp sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể, và chính quyền địa phương để tăng cường phòng, chống dịch, đặc biệt tại trường học và khu dân cư đông đúc.

Lời kêu gọi từ chuyên gia:

BSCKII Võ Thanh Nhơn, Giám đốc CDC Đồng Tháp, nhấn mạnh: “Tình hình dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu chúng ta lơ là. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng”.

BSCKII Võ Thanh Nhơn khuyến cáo, đối với bệnh sốt xuất huyết: Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, phát quang bụi rậm, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng là nơi muỗi vằn đẻ trứng như lu, vại, chén bát cũ, lốp xe, vỏ dừa, chai lọ...

Đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá diệt lăng quăng vào các bể nước lớn. Ngủ mùng (màn) cả ban ngày lẫn ban đêm, mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt. Khi có dấu hiệu sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

Đối với bệnh tay chân miệng: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với người bệnh. Thực hiện ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ có các dấu hiệu như sốt, đau họng, loét miệng, phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

“Chủ động phòng bệnh là cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe và đẩy lùi dịch bệnh” - BSCKII Võ Thanh Nhơn khẳng định. 

THANH HOÀNG

 

.
.
.