Thứ Tư, 09/07/2025, 13:59 (GMT+7)
.
HƯỞNG ỨNG NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11-7-2025:

Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi

Đó là chủ đề Ngày Dân số thế giới 11-7-2025, thông điệp chính thức được Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố và được Bộ Y tế đưa vào Kế hoạch truyền thông dân số năm 2025 nhằm đẩy mạnh nhận thức cộng đồng về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản.

QUYỀN CHỦ ĐỘNG CỦA MỖI CÁ NHÂN

Diễn giải nội dung chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay, UNFPA cho rằng: Hàng triệu người trên khắp thế giới không thể có số con như mong muốn dù là muốn có nhiều hơn, ít hơn hay không có con. Gần đây, tỷ lệ sinh giảm đã trở thành tâm điểm trên các phương tiện truyền thông, phụ nữ thường bị đổ lỗi cho những thay đổi nhân khẩu học này.

Quyền tự quyết về sinh sản của mỗi cá nhân cần được tôn trọng và bảo vệ.
Quyền tự quyết về sinh sản của mỗi cá nhân cần được tôn trọng và bảo vệ.

Một số Chính phủ đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích giới trẻ đưa ra các quyết định sinh sản phù hợp với mục tiêu quốc gia. Nhưng cuộc khủng hoảng thực sự nằm ở chỗ quyết định sinh sản quan trọng nhất mà một người có thể đưa ra, đó là có hay không có con, khi nào có con và có con với ai, quyết định này đang bị xâm phạm.

UNFPA phối hợp với YouGov (một công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên Internet quốc tế, có trụ sở tại Anh, với các hoạt động ở châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương) đã thực hiện một cuộc khảo sát tại 14 quốc gia để tìm hiểu xem liệu mọi người có đang xây dựng gia đình như mong muốn hay không. Kết quả cho thấy, một tỷ lệ đáng lo ngại là người trưởng thành không thể thực hiện được dự định sinh con của mình.

Trong đó, giới trẻ bày tỏ sự lo lắng và bất an về tương lai. Nhiều người tin rằng, họ sẽ gặp khó khăn hơn so với thế hệ cha mẹ. Mối quan tâm về biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế và xung đột toàn cầu ngày càng gia tăng đang tác động trực tiếp đến lựa chọn của họ trong việc xây dựng gia đình.

            Đảng viên sinh con thứ ba không bị xử lý kỷ luật

Quy định mới ban hành của Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, từ ngày 20-3-2025, đảng viên sinh con thứ ba sẽ không còn bị xem xét xử lý kỷ luật. Đây là bước điều chỉnh quan trọng trong chính sách dân số phù hợp với tình hình thực tiễn.

Việc loại bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba cho thấy sự thích ứng linh hoạt của Đảng trước những biến động về cơ cấu dân số và yêu cầu phát triển bền vững trong tình hình mới.

Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW đã chỉ rõ, cơ cấu dân số nước ta đang chuyển nhanh sang giai đoạn già hóa, mức sinh thấp kéo dài ở nhiều khu vực - đặc biệt là các tỉnh, thành có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Trong bối cảnh đó, việc duy trì chính sách sinh ít con không còn phù hợp.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Y tế đang dự thảo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất mỗi cặp vợ chồng, cá nhân quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh.

MAI HÀ

Các giải pháp không đặt quyền tự quyết về sinh sản làm trọng tâm đã nhiều lần được chứng minh là không hiệu quả. Mục tiêu của chúng ta không phải là điều chỉnh tỷ lệ sinh, mà là cung cấp cho mỗi cá nhân đầy đủ thông tin và phương tiện để họ tự do và có trách nhiệm quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.

Giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng về quyền chủ động sinh sản hiện nay là xây dựng một thế giới công bằng, bền vững và đầy tình người. Nơi mọi người được hỗ trợ để có gia đình như họ mong ước. Một thế giới mà chúng ta có thể tự hào trao lại cho thế hệ tiếp theo.

Tỷ lệ sinh đang giảm và mọi người không thể có số con như mong muốn. Chi phí sinh hoạt cao, chuẩn mực giới mang tính định kiến và sự bất định về tương lai đang là những rào cản lớn khiến hàng triệu người không thể trở thành cha mẹ.

Trước những lo ngại ngày càng tăng về một “khủng hoảng suy giảm dân số”, bằng chứng mới cho thấy, hầu hết mọi người đều muốn có con nhưng lại gặp vô vàn thách thức.
Phụ nữ và người trẻ thường bị đỗ lỗi là “từ chối” làm cha mẹ, nhưng tại 14 quốc gia được khảo sát (chiếm hơn 1/3 dân số toàn cầu), phần lớn người dân mong muốn có từ 2 con trở lên.

Tuy nhiên, cứ 5 người thì có 1 người tin rằng họ sẽ không thể đạt được quy mô gia đình mong muốn đa phần sẽ có ít con hơn dự định, một số thì nhiều hơn ngoài ý muốn. Xã hội chưa tạo được điều kiện để mỗi người có thể tự do quyết định vấn đề hệ trọng nhất trong cuộc đời mình, đó là có con hay không và với ai, có con khi nào. Chiến tranh, di cư, biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế, bất bình đẳng giới là những rào cản lớn.

Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm nay, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp vừa ký ban hành Kế hoạch ttruyền thông trên địa bàn tỉnh. Khẩu hiệu truyền thông mà Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đưa ra gồm: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác dân số là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; dân số khỏe - gia đình hạnh phúc - đất nước phần vinh; sinh con là quyền - nuôi dạy con tốt là trách nhiệm; sinh con và nuôi dạy con tốt là góp phần xây dựng tương lai đất nước; hãy để việc sinh con trai hay gái theo quy luật tự nhiên; không mang thai ở tuổi vị thành niên vì sức khỏe, tương lai và hạnh phúc của chính bạn; không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để bảo vệ giống nòi; nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đưa đất nước vào kỷ nguyên mới.

MỨC SINH THẤP VẪN CHƯA ĐƯỢC CẢI THIỆN

Năm 2023, Bộ Y tế công bố danh sách 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước, trong đó có hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp (hiện nay tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đã sáp nhập trở thành tỉnh Đồng Tháp). Tình trạng này vẫn chưa được cải thiện dù những năm qua 2 địa phương đều có những nỗ lực làm tăng mức sinh. Do đó, mức sinh thấp vẫn tiếp tục sẽ là vấn đề của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Dân số tác động lớn đến các vấn đề về kinh tế - xã hội (ảnh chụp các bé ở Trường Mầm non Bông Sen,  TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, hiện nay là phường Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp.
Dân số tác động lớn đến các vấn đề về kinh tế - xã hội (ảnh chụp các bé ở Trường Mầm non Bông Sen, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, nay là phường Mỹ Tho, tỉnh Đồng Tháp).

Mức sinh thấp dưới 1,8 con được nhiều nhà hoạch định chính sách quan tâm, do mức sinh thấp ảnh hưởng tới quá trình già hóa nhanh và nguy cơ suy giảm dân số trong tương lai. Năm 1961, khi dân số nước ta khoảng 30 triệu người, Chính phủ đã ban hành Quyết định về sinh đẻ có hướng dẫn (sau này gọi là kế hoạch hóa gia đình) với mục tiêu chính là giảm sinh.

Sau hơn 50 năm thực hiện chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình, mức sinh (số con bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) từ 6 - 7 con vào những năm 1960 - 1970, giảm còn 2,33 con vào năm 1999 và đạt mức sinh thay thế 2,11 con vào năm 2006.

Mức sinh của Tiền Giang và Đồng Tháp trong những năm gần đây luôn thấp dưới mức sinh thay thế, tỷ lệ này qua các năm đều chưa vượt quá tỷ lệ 1,85 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nguyên nhân mức sinh thấp được cho là do xu hướng kết hôn muộn, không muốn sinh con, sinh ít, sinh thưa ngày càng cao. Một thực tế nữa là do tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con… đã khiến nhiều người “sợ” sinh con.

Mức sinh là một yếu tố cấu thành của dân số, do vậy, những biến động của mức sinh, dù cao hay thấp đều có tác động trực tiếp đến quy mô, cơ cấu, phân bố dân số và sẽ gây bất lợi cho ổn định xã hội và phát triển đất nước.

Mức sinh thấp trong thời gian dài gây ra tác động bất lợi lớn đến sự phát triển của quốc gia, hạnh phúc của mỗi người và an ninh quốc gia. Nếu nguồn nhân lực của một quốc gia giảm liên tục trong 30 năm hoặc lâu hơn thì năng suất lao động tăng thêm cũng không đủ khả năng bù đắp sự sụt giảm lực lượng lao động để đảm bảo duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý. Một quốc gia ngày càng nhỏ đi về quy mô dân số thì cuối cùng cũng giảm dần sức mạnh văn hóa, kinh tế và chính trị.

Đặc biệt, mức sinh thấp còn kéo theo hệ lụy là tình trạng già hóa dân số. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh về số lượng và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số dân.

Dự báo tỷ lệ người 60 tuổi trở lên ở nước ta sẽ là 30% - 35% vào năm 2050. Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống…

Trong đó, già hóa dân số là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế Việt Nam. Hiện nay, đời sống NCT trong nước còn khó khăn, 70% không có tích lũy vật chất; 62,3% gặp khó khăn, thiếu thốn. Sức khỏe NCT còn hạn chế.

Tuy tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của NCT Việt Nam cũng cao với khoảng 95% có bệnh. Chi phí y tế cho NCT cao gấp 7 - 10 lần người trẻ; NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc… Những vấn đề này đặt ra yêu cầu phải xây dựng một xã hội thích ứng với giai đoạn già hóa dân số của đất nước.

THỦY HÀ

.
.
.