Thứ Sáu, 19/10/2012, 10:05 (GMT+7)
.
Ông Trần Phát Tài, Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh:

Kỳ tích bóng bàn Tiền Giang và nỗ lực vun trồng

Ngày 19-10, Trung tâm TDTT tỉnh tổ chức tổng kết và khen thưởng đội tuyển bóng bàn nữ đoạt chức vô địch Quốc gia năm 2012 vừa diễn ra tại TP. Đà Nẵng. Đây là kỳ tích của bộ môn bóng bàn tỉnh Tiền Giang từ khi gia nhập sân chơi toàn quốc đến nay. Bởi nhiều năm qua, bộ môn bóng bàn Tiền Giang không thể sánh bằng TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Quân đội.

Riêng khu vực ĐBSCL, môn bóng bàn của tỉnh Tiền Giang luôn độc chiếm ngôi đầu tại các kỳ Đại hội TDTT khu vực ĐBSCL. Nhân dịp này, ông Trần Phát Tài, Giám đốc Trung tâm TDTT Tiền Giang trao đổi thêm:

Ông Trần Phát Tài với cúp vô địch đồng đội nữ năm 2012.
Ông Trần Phát Tài với cúp vô địch đồng đội nữ năm 2012.

Liên đoàn bóng bàn Quốc gia đánh giá tỉnh Tiền Giang là một trong những Trung tâm có bộ môn bóng bàn mạnh nhất cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL. Gần đây, 4 kỳ Đại hội TDTT ĐBSCL liên tiếp, bộ môn bóng bàn Tiền Giang vô địch tuyệt đối (đoạt 5-6 huy chương vàng/7 huy chương vàng). Còn tại các giải Quốc gia từ năm 2006 đến nay, Tiền Giang luôn luôn đứng trong tốp đầu.

Phóng viên (P.V): Ông có thể cho biết vài điểm nhấn về bóng bàn Tiền Giang?

Ông Trần Phát Tài (T.P.T): Chúng ta mạnh nhất là đội tuyển nữ. Còn đội tuyển nam thì nằm trong tốp 8 đội mạnh Quốc gia. Các VĐV nam từng đoạt huy chương bạc đôi nam-nữ; huy chương đồng đôi nam và huy chương đồng trẻ Đông Nam Á. Còn đồng đội tuyển nữ cũng như các cá nhân nữ luôn đoạt huy chương tại các Giải vô địch Quốc gia cũng như các đội mạnh Quốc gia.

Từ năm 2006 đến nay, bóng bàn tỉnh Tiền Giang có VĐV Phạm Thị Thiên Kim là thành viên đội tuyển Quốc gia và cũng đạt được những thứ hạng cao tại các giải Đông Nam Á. Ngoài ra, chúng ta còn có Lê Thị Phương Dung, Lý Tiểu Lân… cũng đã góp mặt cho đội tuyển quốc gia và gặt hái được rất nhiều thành tích cho đội tuyển.

PV: Để có “quả ngọt”, chúng ta đã “vun trồng”như thế nào?

1B.jpg
VĐV Phạm Thị Thiên Kim của Tiền Giang góp mặt vào đội tuyển Quốc gia.

Ông T.P.T: Việc đầu tư của chúng ta so với các tỉnh, thành có thế mạnh như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quân đội hay An Giang vẫn còn thua xa. Nhưng nhờ sự đam mê của các em cùng với sự trợ lực từ Công ty cổ phần Thương mại Mỹ Tho, Công ty Đầu tư địa ốc Hồng Quang TP. Hồ Chí Minh; sự tài trợ dụng cụ, trang thiết bị cao cấp của Công ty TNHH Tài Sport và kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Về cơ sở vật chất thì tương đối đầy đủ so với các tỉnh bạn trong khu vực ĐBSCL. Hiện tại, chúng ta có 10 bàn bóng bàn theo tiêu chuẩn quốc tế và 10 bàn theo tiêu chuẩn Việt Nam. Riêng về dụng cụ tập luyện như: vợt, mặt vợt, cốt vợt, giày cũng còn eo hẹp.

PV: Và chúng ta đang “ươm mầm” để có lực lượng kế thừa?

Ông T.P.T: Hiện nay, lực lượng kế thừa còn rất ít. Muốn phát triển năng khiếu thì phải đào tạo cho các em từ 6-7 tuổi. Tuy nhiên, việc học của các em cùng với áp lực từ phía gia đình đã cản trở không nhỏ để tạo nguồn cho bộ môn này. Khắc phục những khó khăn, các huấn luyện viên phải sắp xếp cho các em tập luyện vào buổi tối và chủ nhật để đảm bảo được khối lượng, giáo án huấn luyện, số lượng buổi vào sân tập.

Thực tế, 1-2 năm trở lại đây, lực lượng năng khiếu không phát triển tốt bằng những năm trước. Trong những năm tới, ngành sẽ chú trọng phát triển môn thể thao này để giữ vững ngôi đầu khu vực ĐBSCL và củng cố 3 vị trí đầu tại các giải đấu Quốc gia. Đó là hướng phấn đấu để giữ vững và nâng cao thành tích bộ môn bóng bàn tại các giải đấu đỉnh cao.

PV: Xin cám ơn ông!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)
 

.
.
.