Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030
Tại Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 8/3/2013, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Chiến lược được xây dựng trên quan điểm phát triển bóng đá theo hướng toàn diện và bền vững; chú trọng tới bóng đá phong trào, công tác tuyển chọn và đào tạo tài năng bóng đá; đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động rộng rãi các nguồn lực cho phát triển bóng đá; nâng cao thành tích bóng đá; đổi mới phương thức quản lý, điều hành bóng đá.
Ảnh minh họa. Ảnh: thethaovanhoa.vn |
Chiến lược nêu rõ các mục tiêu bao gồm:
- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng bóng đá; gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp vận động viên (VĐV) kế cận nhằm tạo nguồn cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp và các đội tuyển quốc gia; phát triển bóng đá thành tích cao theo định hướng chuyên nghiệp;
- Xây dựng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và các tổ chức thành viên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trở thành những tổ chức mạnh, có khả năng đảm nhận quản lý, tổ chức hầu hết các hoạt động bóng đá ở nước ta… đưa bóng đá nước ta phát triển, trở thành một trong những trung tâm bóng đá của khu vực và châu lục; đến năm 2030 đứng trong nhóm 10 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu ở châu Á.
Theo Chiến lược, các chỉ tiêu chính cần đạt là:
- Giai đoạn 2012-2020: đội tuyển quốc gia nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1-2 lần); bóng đá nam đứng trong nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á; bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia mạnh khu vực châu Á.
Hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia. Số lượng CLB bóng đá phong trào năm 2020 đạt tối thiểu 7.500 CLB; số lượng vận động viên trẻ (U11-U18) được đào tạo tập trung đạt trên 4.000 VĐV/năm…
- Giai đoạn 2021-2030: Bóng đá nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có trình độ bóng đá hàng đầu ở khu vực châu Á. Bóng đá nữ đứng trong nhóm 6 quốc gia hàng đầu khu vực châu Á. Số lượng VĐV bóng đá trẻ được đào tạo tập trung đạt trên 6.000 VĐV. Cả nước có trên 12.000 CLB bóng đá phong trào.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vững mạnh về tổ chức, tự chủ về kinh phí, đảm nhiệm hầu hết các hoạt động bóng đá; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Liên đoàn bóng đá.
Để thực hiện các mục tiêu trên, nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Chiến lược bao gồm:
- Phát triển bóng đá phong trào (phát triển bóng đá học đường, tiêu chuẩn hóa hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ hoạt động bóng đá trong trường học; phát triển các CLB bóng đá cơ sở ở xã phường, thôn, ấp…; phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, huấn luyện viên, trọng tài bóng đá nghiệp dư…);
- Đổi mới, hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV bóng đá; Nâng cao chất lượng và thành tích của các đội tuyển bóng đá quốc gia; phát triển bóng đá chuyên nghiệp, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các giải thi đấu bóng đá chuyên nghiệp;
- Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động bóng đá; Phát triển nguồn nhân lực quản lý, điều hành bóng đá; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao trong quản lý, huấn luyện bóng đá….
Các Chương trình hành động, dự án trọng điểm thực hiện Chiến lược được chia thành ba giai đoạn 2012-2016 và 2016-2020 và 2021-2030, trong đó nhấn mạnh đến các dự án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bóng đá, chương trình mục tiêu Top 10 châu Á, chương trình phát triển bóng đá học đường…
(Theo dangcongsan.vn)