Thứ Năm, 13/06/2013, 12:11 (GMT+7)
.

Cuối tuần này, V-League trở lại: Người đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

ĐỒNG TIỀN CÓ BIẾT… NÓI NĂNG?

Không khó để “khu biệt” ra 3 xu hướng của các đội bóng sau quãng nghỉ 20 ngày của V-League 2013: Một là, thể hiện tham vọng bằng việc mạnh tay trên sàn chuyển nhượng; Hai là, lập lại bộ khung vốn đã được định hình; Ba là, cán cân tài chính buộc một số CLB phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng.

HLV Mai Đức Chung đang là người khiến các đồng nghiệp phải ghen tỵ nhiều nhất. Cho đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa của ông Chung đã sở hữu những bản hợp đồng chất lượng, đó là Mạc Hồng Quân, Mai Tiến Thành, Danny David và Khánh Lâm. Thế nhưng, đồng tiền không phải là thước đo của sự thành công. Đội bóng xứ Thanh đã từng là “nạn nhân” của công thức: “Tiền + Ngôi sao = Thành tích”. Ngoài họ, B.BD cũng là một tấm gương phản chiếu cho luận điểm nói trên.

 Thanh Hóa (trái) đã bổ sung được những bản hợp đồng chất lượng
Thanh Hóa (trái) đã bổ sung được những bản hợp đồng chất lượng.

Có lẽ vì thế, thay vì rót tiền mua những người mới, một số đội bóng đã chọn cách thu mình để làm mới (sạch) đội hình và cả phòng thay đồ, bằng những chuyến tập huấn dài ngày bên những bãi biển nước xanh, cát trắng, tẩm bổ bằng hải sản giàu năng lượng. Ví như: V.HP đến với Nha Trang, Đồng Nai và XMXT.SG “hẹn hò” ở Vũng Tàu, B.BD ngược ra Mỹ Khê (Đà Nẵng)…

Một sự lựa chọn khác là ứng dụng phương pháp tập luyện khép kín. Chẳng hạn, HA.GL “bế quan tỏa cảng” tại Trung tâm Hàm Rồng (Gia Lai). Còn HN.T&T chọn thi đấu gần nhà để vừa nâng cao thể lực, vừa tìm cảm giác gần nhất với trạng thái thi đấu đỉnh cao…

NGHÈO KHÓ TRÈO CAO

Chẳng ngạc nhiên khi SLNA im tiếng trên mặt trận tuyển binh, bởi người ta đã quen với “bài ca than thở” về tiền bạc của đội bóng xứ Nghệ từ đầu mùa bóng cho đến bây giờ. Dẫu vậy, họ vẫn còn điểm tựa là mặt bằng chất lượng và số lượng cầu thủ. Trong khi đó, V.NB đang gây ngạc nhiên với chính sách “gật” và “lắc”, tức là cho đi, chứ không nhận thêm.

Bằng cách ấy, Mai Tiến Thành đã được “quy cố hương”, còn Hoàng Vissai được cho HV.AG tại giải hạng Nhất mượn. Nhiều người tự hỏi, không biết chuyện gì đang xảy ra ở Cố đô Hoa Lư vì ngay cả tiền ăn của các cầu thủ được “bật mí” là chỉ khoảng 65.000 đồng/người/ngày, còn lương đã bị “gối đầu” đến 3 tháng.

K.KG lại được liệt vào dạng “hộ nghèo” rất khác. Trái bóng của giai đoạn 2 sắp lăn, khi các đối thủ đã và đang xuôi ngược tập huấn, thì HLV Lai Hồng Vân và các học trò ém quân “tập chay” tại Rạch Giá vì thiếu tiền. Những ngày qua, lãnh đạo K.KG đã phải cầu cứu UBND tỉnh Kiên Giang để xin hỗ trợ cho đội bóng.

Quả thật, nhìn cái cách chuẩn bị của K.KG, các CĐV vùng Duyên hải Nam bộ phải “đau tim”. Bởi đây không phải là lần đầu, các cầu thủ của họ đá bóng bằng “niềm tin”. Nguy hơn, thời gian “câu giờ” gần như đã hết và nếu không gỡ được quả “bom nổ chậm” này, e rằng K.KG dễ chìm vì… nản.

Tóm lại, lực lượng và cán cân tài chính có thể sẽ quyết định thành bại cho tất cả mọi đội bóng. Tuy nhiên, như đã đề cập, không phải ai cũng có sự chuẩn bị được như ý, song ở một cuộc chiến khốc liệt như V-League, họ không cho phép mình quay đầu lại, bởi hạnh phúc đôi khi chỉ là manh chiếu hẹp, là người đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.

(Theo bongdaplus.vn)

.
.
.