Thứ Hai, 23/09/2013, 09:48 (GMT+7)
.

Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần thứ I tại Sóc Trăng

Vừa qua, Ban Tổ chức (BTC) Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ I - Sóc Trăng 2013 tổ chức họp báo tại TP. Cần Thơ.

Ban Tổ chức Festival chủ trì họp báo.
Ban Tổ chức Festival chủ trì họp báo. Ảnh: soctrang.gov.vn

Theo BTC, Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần thứ I - 2013 diễn ra từ ngày 14 đến 17-11 tại TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Trong 4 ngày diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động: Lễ khai mạc, bế mạc, đua ghe ngo; hội chợ thương mại; liên hoan ẩm thực 3 miền; trò chơi dân gian - hội thao dân tộc; triển lãm ảnh Sóc Trăng xưa; ca, múa nhạc tổng hợp; liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ; lễ cúng trăng - Oóc Om Bóc, thả đèn nước; hội thi trang phục 3 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa…

Festival có gần 100 đội tham dự đến từ các tỉnh ĐBSCL như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, TP. Cần Thơ… Giải I nam và nữ sẽ có phần thưởng 200 triệu đồng, giải II 150 triệu đồng, giải III 100 triệu đồng và giải Khuyến khích 50 triệu đồng.

Tại buổi họp báo, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, Trưởng BTC Mai Khương cho biết, Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần thứ I - Sóc Trăng 2013 là sự kiện kinh tế - văn hóa - xã hội - du lịch nhằm tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng trực tiếp phục vụ phát triển du lịch, vừa gắn liền với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, vốn quý văn hóa độc đáo của địa phương và góp phần khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh Sóc Trăng.

“Trên nền tảng một lễ hội truyền thống tiêu biểu, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, xã hội, nhân văn sâu sắc, đã và đang có sức lan tỏa trong những lần tổ chức gần đây thì việc tổ chức sự kiện Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần thứ I không những bảo tồn di sản văn hóa, giới thiệu sản phẩm văn hóa đáng tự hào của địa phương mà còn góp phần quan trọng khai thác tiềm năng, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, đáp ứng xu hướng liên kết, liên vùng, hội nhập, mang tính xã hội hóa cao, phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” - ông  Mai Khương cho biết.

SĨ NGUYÊN

.
.
.