Cần có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TDTT
Trong những năm qua, nhận thức chung về sự cần thiết, ý nghĩa và tác dụng của quá trình xã hội hóa TD-TT ở các ngành, các cấp và các tầng lớp xã hội đã được nâng lên một bước. Cụ thể là các ngành, các cấp, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia, hưởng ứng nhiều hơn các hoạt động TD-TT.
Bước đầu đã khai thác được tiềm năng của các đối tượng này vào việc xây dựng sân bãi, nhà tập phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu của quần chúng nhân dân. Từ đó làm phong phú thêm điều kiện thi đấu TD-TT của quần chúng, kích thích các đối tượng tham gia tập luyện, góp phần nâng cao chất lượng các giải, nâng cao thành tích và tạo việc làm cho nhiều lao động.
Hồ bơi xã hội hóa ở TX. Gò Công. |
Công tác xã hội hóa TD-TT cũng đã đạt được một số kết quả nhất định, với sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm. Cụ thể như đầu tư xây dựng sân bãi tập luyện TD-TT, mua sắm dụng cụ tập luyện, tổ chức các giải thi đấu hoặc tài trợ các đội tuyển, góp phần cho các địa phương, đơn vị có thêm nhiều địa điểm tập luyện TD-TT.
Hiện toàn tỉnh có 108 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 8 sân bóng chuyền, 28 sân cầu lông, 12 sân quần vợt, 8 hồ bơi - bể bơi, 10 phòng tập thể hình, 21 phòng tập thể dục thẩm mỹ và 20 nhà tập các môn thể thao do tư nhân đầu tư, với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho việc tập luyện, thi đấu và chi giải thưởng cũng khá lớn, chỉ tính trong năm 2012 số tiền này đã được tài trợ hơn 3 tỷ đồng.
Xã hội hóa TD-TT trong những năm qua đã đi vào đời sống và phát huy tác dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp TD-TT phát triển, đặc biệt là TD-TT quần chúng. Tuy nhiên, lĩnh vực TD-TT chưa thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do đòi hỏi mức vốn đầu tư lớn, trong khi đó khả năng thu hồi vốn chậm, phí dịch vụ thấp. Ngoại trừ một số lĩnh vực, một số môn thể thao có thế mạnh, còn lại phần lớn hoạt động TD-TT có tính chất phúc lợi công cộng nên rất khó thu hút vốn đầu tư của tư nhân.
Trưởng phòng Nghiệp vụ TD-TT (Sở VH-TT&DL) Phan Văn Nùng cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn không ít hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa TD-TT. Cụ thể, tuy có chuyển biến về nhận thức, song nhiều nơi, nhiều cấp còn cho xã hội hóa TD-TT là biện pháp huy động đóng góp của các đối tượng mà chưa thấy hết thực chất của vấn đề là thay đổi phương thức quản lý, tổ chức hoạt động cho phù hợp với cơ chế thị trường.
Mặt khác, công tác quản lý của ngành còn chậm đổi mới và chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn; mô hình cơ quan quản lý TD-TT ở các địa phương chưa đồng nhất, đội ngũ cán bộ của ngành còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ nên gặp khó khăn không nhỏ trong việc chỉ đạo, triển khai xã hội hóa TD-TT trên địa bàn toàn tỉnh…
Nghị định 69/2008/NĐ-CP về khuyến khích chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đã được ban hành hơn 5 năm qua, nhưng việc hướng dẫn, thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chế độ, chính sách khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tư nhân đầu tư vào lĩnh vực TD-TT; thiếu điều tra, tổng kết, rút kinh nghiệm nên kết quả công việc còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, các chính sách ưu tiên về đất, thuế chưa thực sự đi vào cuộc sống; các quy định, tiêu chuẩn các mô hình cơ sở TD-TT dân lập, tư nhân của bộ, ngành chưa đầy đủ nên khó vận dụng vào thực tế (đối với hộ gia đình kinh doanh các hoạt động thể thao); công tác tuyên truyền về xã hội hóa TD-TT chưa sâu rộng, các mô hình tốt chưa được tổng kết để nhân ra diện rộng…
Ông Phan Văn Nùng phân tích những nguyên nhân cơ bản của những hạn chế nêu trên là do xuất phát từ nhận thức về xã hội hóa TD-TT của các ngành, các cấp còn chưa đầy đủ; tư duy bao cấp và tâm lý ỷ lại, trông chờ vào đầu tư của Nhà nước còn khá phổ biến; phương thức thực hiện cơ chế xã hội hóa chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; ngành TD-TT còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ, chưa có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Mặt khác, các chủ cơ sở TD-TT tư nhân thường chỉ đầu tư vào các hoạt động có quy mô nhỏ như thể dục thể hình, thể dục nhịp điệu, quần vợt, bóng bàn, bi-a, sân bóng đá mini, bể bơi kích thước nhỏ...; ít đầu tư các công trình lớn như nhà tập đa năng, sân bóng đá, bể bơi đủ tiêu chuẩn tập luyện, thi đấu và chưa xây dựng được kế hoạch, lộ trình cụ thể ở từng vùng, từng loại hình, từng lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện xã hội hóa hoạt động TD-TT còn mang tính đơn lẻ, chưa trở thành phong trào rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.
Trong điều kiện thực tiễn của tỉnh nhà, chỉ có đẩy mạnh xã hội hóa TD-TT mới bảo đảm để phát triển sự nghiệp TD-TT một cách nhanh chóng và bền vững. Để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TD-TT, theo ông Phan Văn Nùng, cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác vận động và tổ chức để ngày càng có nhiều người trực tiếp tham gia đóng góp vào các hoạt động TD-TT nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển TD-TT. Qua đó, ngày càng có nhiều người tham gia luyện tập TD-TT, góp phần tăng cường sức khỏe, phát triển nguồn nhân lực, thỏa mãn nhu cầu luyện tập của nhân dân; củng cố và phát triển hệ thống tổ chức xã hội về TD-TT từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội thực hiện đầy đủ chức năng của mình.
TRỌNG NGUYỄN