Thứ Bảy, 07/06/2014, 07:32 (GMT+7)
.

Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang qua đời: Nụ cười đã tắt

Cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang ra đi là một mất mát to lớn, cả làng bóng không khỏi bùi ngùi, xót xa. Và, một địa phương như Tiền Giang cũng không tránh khỏi cảm giác đó, dù biết quy luật của tạo hóa là vạn vật sinh ra rồi cũng mất đi như lẽ tự nhiên.

Sở dĩ nói những ngày này, người dân Tiền Giang thật buồn, bởi vừa mất đi người con của quê hương, dẫu ông Tam Lang thành danh ở đất Sài thành, được nhiều người quý mến.

Dù đã về với thế giới bên kia nhưng thanh danh Phạm Huỳnh Tam Lang (phải)  vẫn lưu danh trong lịch sử Bóng đá Việt Nam.
Dù đã về với thế giới bên kia nhưng thanh danh Phạm Huỳnh Tam Lang (phải) vẫn lưu danh trong lịch sử Bóng đá Việt Nam.

Ông sinh ra ở Gò Công, trong một gia đình không có người theo nghiệp bóng tròn. Thế nhưng, năng khiếu bóng đá bộc lộ trong ông từ thời còn là học sinh của Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). Rồi đến tuổi 15, ông thi đấu cho đội Ngôi sao Chợ Lớn. Chơi bóng chỉ 3 năm, ông được gọi vào Đội tuyển miền Nam Việt Nam, giành suất chính thức và giữ luôn băng thủ quân.

Sau khi chia tay đội Ngôi sao Chợ Lớn, ông sang đá cho Việt Nam Thương Tín, và đáng chú ý là việc gia nhập đội bóng lừng danh ngày đó là AJS (Association de la Jeunesse sporttive) một thời gian dài, và cuối cùng là ở Đội bóng Cảng Sài Gòn.

Trên cấp độ đội tuyển, năm 1966, ông Tam Lang trong vai trò Trung vệ Đội trưởng của Đội tuyển miền Nam Việt Nam giành được cúp Merdeka danh giá. Cùng thời gian đó, ông và cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh được mời vào Đội tuyển “Ngôi sao châu Á ”.

Ở cương vị HLV, ông Tam Lang giành phần lớn sự nghiệp của mình ở Đội bóng Cảng Sài Gòn và đoạt nhiều danh hiệu cao quý trong lịch sử của đội bóng phía Nam này. Ông là người góp công lớn mang về cho đội 4 chức Vô địch Quốc gia vào các năm: 1986, 1994, 1997, 2002 và 2 danh hiệu Vô địch Cúp Quốc gia 1992 và 2000 cùng nhiều thành tích khác.

Ông cũng nhiều lần được các huấn luyện viên nước ngoài mời vào vị trí trợ lý của Đội tuyển Việt Nam tại các kỳ SEA Games và Tiger Cup.

Cả sự nghiệp của mình, trung vệ tài hoa này gắn liền với bóng đá Sài Gòn, nhưng trong lòng ông vẫn luôn đau đáu hướng về quê nhà Tiền Giang. Còn giới mộ điệu xứ miệt vườn cũng quá đỗi tự hào khi có người con làm rạng danh quê hương đến vậy.

Ông Tam Lang nổi tiếng trong giới là người thi đấu trên sân quyết liệt, đúng luật nhưng ngoài đời lại hiền hòa, dễ mến như chính tính cách của người dân miền Tây xưa nay vẫn thế. Cựu HLV này cũng là người yêu mến học trò và sẵn sàng cùng vui, cùng khổ với cầu thủ. Nhưng, các chứng bệnh như gout, thấp khớp, tim mạch khiến cho sức khỏe của ông xuống thật nhanh.

Ông Tam Lang lúc nhớ, khi quên, nhưng rất vui nếu được đến sân cỏ trong dịp tổ chức thi đấu nhờ những người đồng đội cũ, các học trò và nhất là Chi hội Cựu cầu thủ TP. Hồ Chí Minh đứng ra lập quỹ bóng đá mang tên ông, nhằm giúp đỡ những cựu cầu thủ gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Bây giờ thì ông đã ra đi sau cơn đột quỵ, để lại cho người hâm mộ nhiều thương tiếc về một danh thủ mẫu mực và đạo đức trên sân cỏ lẫn đời thường. Tiếc thương cho ông từng là cầu thủ tài năng, đức độ và là người anh, người thầy tận tụy dìu dắt biết bao thế hệ Bóng đá Việt Nam với tấm gương ngời sáng.

Xin hãy yên giấc ngàn thu, người con của quê hương Tiền Giang và tất cả sẽ nhớ mãi nụ cười hồn hậu của ông lúc sinh thời…

PHẠM HOÀNG AN

.
.
.