Thứ Sáu, 21/11/2014, 15:22 (GMT+7)
.

Những điều lý thú về chiếc ghe Ngo & đua ghe Ngo

Lễ hội Ooc - Om - Boc (Lễ cúng trăng) là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ diễn ra vào ngày rằm tháng 10 (âm lịch) hàng năm. Đây là 1 trong 3 lễ hội chính của người Khmer sau Lễ Đôn - ta (Lễ cúng ông bà) và Lễ Chôl Thnăm Thmây (Tết mừng năm mới hay chịu tuổi). Trong lễ hội này, đua ghe Ngo là hoạt động sôi nổi, hấp dẫn nhất.  Có thể nói, từ chiếc ghe Ngo đến phong tục thi đấu có rất nhiều điều lý thú.

Từ chiếc ghe Ngo

Chiếc ghe Ngo (Tuk Ngo) từ lâu đã trở thành một tài sản chung cho cả phum - sóc của đồng bào dân tộc Khmer và được bảo quản cẩn thận tại chùa. Ghe Ngo (GN) ban đầu là một loại thuyền độc mộc được cải tiến nối thêm đầu và vừa đủ cho 2 người ngồi bơi thoải mái theo đuôi cong lên thành GN và cũng được đóng từ nhiều mảnh ván ghép lại.

Các đội tập kết dự lễ khai mạc để chuẩn bị vào thi đấu.
Các đội tập kết dự lễ khai mạc để chuẩn bị vào thi đấu.

Sau này, đồng bào dân tộc Khmer cải tiến lại và người tham gia trên mỗi chiếc ghe nhiều hơn. Chính điều đó, hình dáng của GN cũng thay đổi và tựa như con rắn, mình thon thon dài về hai phía, đầu uốn cong và hơi thấp hơn sau lái một chút. Mỗi chiếc ghe có chiều dài khoảng 22 - 27 m, hẹp dần ra sau lái và trước mũi.

GN có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang dài từ 1 - 1,2 m vừa đủ cho 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song, suốt chiều dài và có sức chứa khoảng 50 - 60 tay bơi.

GN có dầm riêng, làm theo nhiều kích cỡ cho từng vị trí người bơi. Cây dầm sau lái và trước mũi sẽ dài hơn các cây khác để có tác dụng kềm lái và móc mũi. Đặc biệt, trong lườn ghe, người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu (Đon Sanh - Tuôch) nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe vọt lên khi bơi.

Mặt ngoài thân ghe được sơn bằng nhiều hoa văn màu sắc sặc sỡ và hai bên be chạm trổ hoặc vẽ vẩy rồng, rắn theo mô típ rắn thần Nagar. Đầu ghe vẽ hình con thú như: Chim công, rồng, rắn, cọp… uốn lượn, lao về phía trước, như sẵn sàng lượn sóng để vừa tượng trưng cho vẻ đẹp; đồng thời biểu hiện cho sức mạnh của mỗi ghe.

Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng là nơi hội tụ và đan xen giữa các nền văn hóa, nhiều chùa chiền, đình, miếu của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, với dân số trên 1,3 triệu người. Tỉnh Sóc Trăng cũng phát triển nhiều loại hình văn hóa, lễ hội, tâm linh tín ngưỡng.

Nhiều lễ hội của 3 dân tộc diễn ra trong năm, nổi bật là Lễ hội Ooc - Om - Boc ngày rằm tháng 10 (âm lịch), Lễ Đôn - ta, Lễ cúng Phước biển, Lễ cúng Dừa, Lễ cúng Lăng Ông Nam Hải, Lễ hội sông nước miệt vườn, Lễ Đấu Đèn…

Ngoài ra, Sóc Trăng còn có nhiều điểm tham quan nổi tiếng khác như: Đền thờ Bác Hồ, Chùa Dơi, Chùa Đất Sét, Chùa Chén Kiểu, Khu di tích đón đoàn tù chính trị Côn Đảo, Nhà trưng bày văn hóa Khmer…
 

Vào mỗi dịp lễ hội, chiếc ghe được sơn phết lại, trang trí thêm cờ, cắm nhang, phía trước mũi ghe đặt cây lộng sặc sỡ che một tượng phật uy nghiêm và tổ chức lễ hạ thủy cho ghe bằng một nghi thức cúng tế rất trang nghiêm.

Đến đua ghe Ngo

Chính sự trang nghiêm đó nên tính chất của cuộc đua ghe Ngo (ĐGN) hết sức quyết liệt. Lịch sử ĐGN chưa bao giờ nghe thấy từ bán độ.

Ở Sóc Trăng, Lễ hội ĐGN ngày xưa được mở ở vàm sông lớn - vàm Dù Tho, rồi đoạn giữa sông Nhu Gia. Các ghe đua trong lễ hội tự bắt cặp (cáp độ) đua.

Khi xuất phát, 2 chiếc ghe không ở lằn mức nào nhất định bởi sông quá rộng; cứ bơi chầm chậm lấy trớn “so cựa” với nhau. Chỉ đến khi 2 vị chỉ huy nhìn nhau đồng ý thì cuộc đua mới bắt đầu. Các cặp đua có thể chấp “kèo”.

Ở cuộc ĐGN năm 2002 tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, đội trưởng đội GN Xẻo Me chấp “kèo”, bơi qua mặt rồi lơi nhịp chờ ghe kia lên ngang bằng và chỉ “bơi rút” vào 200 m cuối… Ai dè ghe Xẻo Me thua.

Trước khi chiếc GN xuống nước, các tay bơi phải tập bơi trên những giàn cây được ráp trong con mương rộng hoặc cặp mé kinh để tập thể lực, rèn nhịp bơi theo hiệu lệnh của đội trưởng. Trước khi đua khoảng 1 tuần, các vị Krou Achar mới làm lễ cúng đầu ghe, xin “Niếc” cho phép xuống nước để đội đua tập bơi thật sự trên sông nước. Mỗi chiếc GN đều có một linh thú được chọn làm biểu tượng. GN chùa Pô Thi Thlâng (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chọn ngựa trắng làm linh thú.

Khi đua, các GN cũng so kè đường nước, kỵ nhất trong lúc bơi biểu diễn, bơi tập dượt thì ghe của đối thủ đụng mũi vào hông ghe của mình. Cũng nằm trong lệ ĐGN xưa, khi 2 ghe đang đua nhưng nếu ghe kia vì bơi thua nên cố ý đụng làm cả 2 chiếc bị chìm thì coi như huề.

Một lệ khác, khi 2 ghe đang trên đường tới đích, 2 mũi ghe gần nhau, nếu người ngồi mũi của ghe này chồm qua giật được 1 chùm “Sok Đanh” - 1 linh vật của GN đối thủ hoặc cờ phướn trước mũi ghe thì kể như đã thắng…

Ngày nay, ĐGN đã được tổ chức theo phương thức là một môn thể thao chính quy, nhưng những tập tục có tính chất tín ngưỡng vẫn được duy trì nghiêm ngặt.

SĨ NGUYÊN

.
.
.