Thể thao Tiền Giang - một năm nhìn lại
Với sự cố gắng bằng nội lực cùng sự sáng tạo trong cách tổ chức đào tạo, huấn luyện, những cán bộ phụ trách thể dục, thể thao (TDTT) tỉnh nhà đã tạo được dấu ấn tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 tại Nam Định. Đây là kết quả nỗ lực vượt khó của ngành TDTT tỉnh nhà trong điều kiện kinh phí đầu tư từ ngân sách có hạn.
Theo nhận xét của ông Hồ Đắc Việt Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một trong những yếu tố quyết định thành công của TDTT Tiền Giang năm vừa qua là được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với hoạt động TDTT tỉnh nhà cùng sự định hướng đúng đắn của ngành TDTT và thực hiện chính sách ưu tiên phát triển những môn thể thao thế mạnh của địa phương.
Đoàn Thể thao Tiền Giang tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 tại Nam Định. |
Ông Trần Phát Tài, Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã chú trọng đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng phát triển ở cơ sở để phát hiện ra những vận động viên (VĐV) năng khiếu cho đội tuyển tỉnh nhà.
Trung tâm còn đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách đầu tư phù hợp cho công tác đào tạo, huấn luyện bài bản cùng công tác bồi dưỡng hợp lý cho huấn luyện viên, VĐV nhằm tạo kích thích để đạt được thành tích cao trong các giải thi đấu. Đặc biệt, việc xác định những môn thể thao thế mạnh để có chính sách đầu tư phù hợp thông qua công tác đào tạo, huấn luyện bài bản chính là điều kiện cơ bản, cần thiết giúp TDTT Tiền Giang gặt hái thành công.
Theo thạc sĩ Lê Bá Tùng, Trưởng Phòng Huấn luyện Trung tâm TDTT tỉnh, từ tình hình thực tiễn cùng thành tích đã đạt được trong những năm trước đây, trung tâm đã sớm xác định những môn thế mạnh của địa phương như: Điền kinh, bóng bàn, cầu lông, Taekwondo, Pencak Silat, Vovinam, thể hình, cử tạ, Boxing...
Từ đó, Trung tâm đã tham mưu đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các chính sách ưu tiên cụ thể thông qua việc xây dựng kế hoạch đào tạo huấn luyện cho từng môn được thực hiện bài bản, khoa học. Thời gian qua, công tác đào tạo, huấn luyện VĐV tỉnh nhà được thực hiện đúng lộ trình từ cấp cơ sở, trường năng khiếu và các đội tuyển cũng như đào tạo huấn luyện tại các trung tâm thể thao hàng đầu trong nước.
Qua đó, giúp cho các VĐV có điều kiện cọ xát, tích lũy kinh nghiệm thi đấu và nâng cao được thành tích khi tham gia ở các giải khu vực, trong nước và quốc tế, từng bước khẳng định được vị trí của TDTT tỉnh nhà.
Tiền Giang phấn đấu đến năm 2020, số người tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 30 - 35% dân số toàn tỉnh; 20 - 25% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; có 50 - 60% xã, phường, thị trấn đủ cơ sở vật chất TDTT theo chuẩn xây dựng nông thôn mới; 100% trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục nội khóa; 85 - 90% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể… góp phần nâng cao mức hưởng thụ về đời sống văn hóa tinh thần của người dân và xây dựng lối sống lành mạnh cho thanh, thiếu niên. Đến năm 2020, duy trì công tác huấn luyện ban đầu tại các địa phương từ 700 - 1.000 VĐV các môn thể thao thành tích cao có thế mạnh; 200 - 250 VĐV được đào tạo tập trung tại Trường Năng khiếu TDTT của tỉnh; duy trì công tác huấn luyện từ 200 - 250 VĐV đội tuyển, đội trẻ các môn thể thao trọng điểm... |
Năm 2010, Đại hội TDTT lần thứ VI tại Đà Nẵng, Đoàn Thể thao Tiền Giang đạt thành tích 14 huy chương (trong đó có 4 huy chương (HC) vàng, 3 HC bạc và 7 HC đồng), xếp hạng thứ 43 trong bảng tổng sắp huy chương của 66 đoàn tham dự. 4 năm sau, tại Đại hội TDTT lần thứ VII năm 2014 tại Nam Định, Đoàn Thể thao Tiền Giang được xếp hạng thứ 36. Thành tích đạt được: 15 HC gồm 3 HC vàng, 5 HC bạc, 7 HC đồng, trong đó các môn đạt HC vàng là Điền kinh, Pencak Silat, Taekwondo.
Điều đáng tự hào là VĐV tỉnh nhà chỉ được huấn luyện trong nước nhưng đã lập được thành tích trong khi có nhiều VĐV của một số địa phương khác được đi tập huấn ở nước ngoài thì không.
Cụ thể như VĐV đạt HC vàng danh giá môn Điền kinh Nguyễn Thành Nhân là gương mặt mới, chỉ được tham gia tập huấn tại TP. Hồ Chí Minh (vì em đang là SV Trường Đại học TDTT TP. Hồ Chí Minh).
Hoặc môn Boxing là một môn mới chỉ được thành lập và đào tạo trong thời gian ngắn với sự trực tiếp chỉ đạo, huấn luyện của Trưởng Phòng Huấn luyện Lê Bá Tùng.
Với kinh nghiệm thi đấu dày dạn của VĐV đã từng đoạt nhiều HCV ở các giải đấu trong nước và quốc tế (và hiện là trọng tài quốc tế), ông Tùng đã đào tạo được một số VĐV tiềm năng cho bộ môn này. Ngay lần tham gia thi đấu đầu tiên tại Đại hội TDTT toàn quốc vừa qua, môn Boxing đã đạt được 1 HC bạc của VĐV Trần Thị Oanh Nhi, 1 HC đồng của VĐV Nguyễn Phước Tâm.
Thành tích này đã được tiến sĩ Vũ Đức Thịnh, Trưởng Bộ môn Boxing, Vụ Thành tích cao (Tổng cục TDTT) đánh giá rất cao về tiềm năng của VĐV môn Boxing của Tiền Giang.
Ông Hồ Đắc Việt Thanh khẳng định: Dấu ấn mà ngành TDTT tỉnh nhà trong năm 2014 thể hiện qua thành tích đã đạt được tại Đại hội TDTT lần thứ VII tại Nam Định phần nào chứng minh hướng đi đúng đắn mà ngành TDTT tỉnh đã đặt ra.
Vì vậy, trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ phụ trách TDTT tỉnh nhà sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TDTT, đặc biệt là công tác phát triển thể thao thành tích cao, nhằm giúp tỉnh nhà sẽ đạt được nhiều thắng lợi mới.
Cụ thể là Trung tâm TDTT tỉnh đã rút kinh nghiệm sau Đại hội TDTT toàn quốc vừa qua để khắc phục những hạn chế; đồng thời duy trì, phát huy những thế mạnh đã đạt được nhằm đào tạo, huấn luyện VĐV chuẩn bị tham gia các giải đấu trong nước, khu vực và quốc tế; hướng đến thành tích mang tính đột phá tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 tại An Giang.
HOÀNG AN