Thứ Sáu, 17/04/2015, 13:56 (GMT+7)
.

Trường Năng khiếu TDTT Tiền Giang: Nơi đào tạo, bồi dưỡng các hạt giống TDTT

Với chức năng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu thể dục - thể thao (TDTT) của học sinh, Trường Năng khiếu TDTT Tiền Giang có vai trò hết sức quan trọng, góp phần cùng với Trung tâm TDTT tỉnh lập nên thành tích cao của TDTT tỉnh nhà.

A
Buổi tập luyện của Đội tuyển Bóng đá U17 tại Trường Năng khiếu TDTT Tiền Giang.

Được thành lập vào năm 2004 trên cơ sở tổ chức lại Trường Nghiệp vụ TDTT Tiền Giang trước đây, Trường Năng khiếu TDTT Tiền Giang là trường dành cho những học sinh phổ thông có năng khiếu TDTT của tỉnh.

Trường có chức năng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu của học sinh nhằm chuẩn bị lực lượng tham gia Hội khỏe Phù Đổng, các giải lứa tuổi, giải học sinh toàn quốc; bổ sung vận động viên (VĐV) cho các đội tuyển trẻ và đội tuyển tỉnh tham gia các giải khu vực, giải trẻ, giải Quốc gia…

Trường còn có nhiệm vụ tuyển chọn học sinh phổ thông có năng khiếu TDTT, tổ chức huấn luyện các môn TDTT theo kế hoạch, chương trình được phê duyệt và tổ chức giảng dạy văn hóa phổ thông cho học sinh theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Ông Nguyễn Thành Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT Tiền Giang cho biết: “Về đào tạo năng khiếu TDTT, từ năm 2009 - 2013, trường có 8 lớp năng khiếu thuộc 7 bộ môn gồm: Bóng đá (2 lớp U13 và U18), Bóng bàn, Cầu lông, Pencak Silat, Taekwondo và Vovinam với tổng cộng 160 chỉ tiêu (14 huấn luyện viên (HLV), 146 VĐV).

Năm 2014, nhà trường mở rộng quy mô đào tạo thêm 3 lớp mới gồm Boxing, Bơi lội, Cử tạ và được bổ sung thêm 40 chỉ tiêu. Nhà trường hiện có 11 lớp năng khiếu với 200 chỉ tiêu đào tạo (trong đó có 15 HLV, 184 VĐV).

Đối với giảng dạy văn hóa phổ thông, trường có nhiệm vụ giảng dạy văn hóa cho VĐV năng khiếu từ lớp 7 - 12 theo chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu đào tạo (không đủ bố trí phòng học cũng như cơ sở vật chất để tập luyện) nên nhà trường hiện chỉ tập trung giảng dạy văn hóa phổ thông cho các em từ lớp 9 - 12 với khoảng 100 học sinh/năm học.

Số học sinh còn lại được nhà trường gửi học tại các trường phổ thông trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Kết quả xét tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đạt 100%, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 80,70%, kết quả thi đại học, cao đẳng chuyên ngành TDTT đạt 80% (trong đó có một số em đậu  từ 2 - 3 trường đại học)”.

Hàng năm, nhà trường tổ chức tuyển sinh và huấn luyện đào tạo VĐV năng khiếu theo chỉ tiêu kế hoạch gồm các môn đã quy định. Ngoài kế hoạch tập luyện thường xuyên theo chương trình huấn luyện chuyên môn, các bộ môn đã tổ chức thi đấu tập và cử VĐV tham gia đấu giải nhằm tạo điều kiện cho HLV, VĐV cọ xát, rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn.

Từ năm 2009 - 2014, nhà trường đã cử hàng trăm lượt HVL, VĐV tham dự các giải mở rộng, khu vực, Quốc gia và quốc tế… Thông qua thi đấu giải, các VĐV năng khiếu của trường đã đạt 286 huy chương (HC) các loại, trong đó có 83 HC Vàng, 70 HC Bạc và 133 HC Đồng; đặc biệt có 1 HC Bạc Giải Vô địch Taekwondo trẻ Đông Nam Á của VĐV Nguyễn Hồng Lãm.

Qua kết quả thi đấu, các VĐV năng khiếu đã có nhiều đóng góp cho thành tích thể thao của Quốc gia nói chung và tỉnh nhà nói riêng với 4 VĐV được phong cấp 1 gồm: VĐV Phạm Thị Ngọc Diễm, Nguyễn Thị Kim Thu (lớp Pencak Silat) và VĐV Nguyễn Hồng Lãm, Trần Hữu Đang (lớp Taekwondo); 1 kiện tướng Quốc gia là VĐV Trần Thị Quỳnh Như (lớp Vovinam); 27 VĐV năng khiếu chuyên môn tốt được gọi tập trung vào các đội dự tuyển trẻ, đội trẻ, đội tuyển của Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia; 89 VĐV được Trung tâm TDTT tỉnh bổ sung vào các đội trẻ, đội tuyển của tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Ái, Hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT Tiền Giang cho biết: “Thời gian qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, tập thể cán bộ, viên chức và học sinh nhà trường đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Công tác tuyển chọn học sinh năng khiếu và huấn luyện chuyên môn TDTT từng bước được nâng lên, nhiều VĐV lập thành tích cao tại các giải đấu mở rộng, khu vực, Quốc gia và Quốc tế; đóng góp nhiều VĐV cho các đội tuyển quốc gia, đội tuyển tỉnh nhà ở các môn thể thao thành tích cao….

Bên cạnh đó, công tác đào tạo chuyên môn TDTT của nhà trường vẫn còn một số khó khăn như: Cơ sở vật chất, trường lớp còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo VĐV của nhà trường. Trường hiện phải sử dụng chung (sân bãi, phòng tập, hồ bơi) với Trung tâm TDTT tỉnh để đào tạo huấn luyện.

Kinh phí chi cho công tác đào tạo VĐV còn hạn chế (kinh phí thi đấu, mua sắm dụng cụ, trang thiết bị và khen thưởng HLV, VĐV đoạt huy chương). Chất lượng tuyển sinh đầu vào chưa tốt, chất lượng đào tạo một số môn năng khiếu chưa cao, thành tích chuyên môn còn hạn chế, công tác giáo dục đạo đức học sinh chưa đảm bảo.

VĐV đào tạo chưa được sử dụng và phát huy chuyên môn dẫn đến hiệu quả đào tạo và sử dụng VĐV chưa cao. Số lượng VĐV bổ sung cho tuyến trên chưa nhiều do tiêu chí tuyển chọn lên tuyến trên chưa cụ thể, các đội trẻ và đội tuyển bị khống chế chỉ tiêu nên không bổ sung được mặc dù VĐV năng khiếu đã đạt thành tích huy chương và đẳng cấp Quốc gia”.

Để tạo điều kiện cho Trường Năng khiếu TDTT Tiền Giang hoàn thành tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khuếu TDTT của học sinh, ông Ái đề xuất UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành chức năng liên quan xem xét giải quyết một số vấn đề:

Sớm triển khai xây dựng tiếp giai đoạn 2 (khu hiệu bộ) để bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường theo định hướng phát triển giai đoạn 2010 - 2015; cấp thêm nguồn kinh phí thi đấu, mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập văn hóa, tập luyện TDTT và kinh phí khen thưởng theo Nghị định 234 của Chính phủ;

Giải quyết cho HLV nhà trường được hưởng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo Nghị định 54 của Chính phủ về phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đang giảng dạy, hướng dẫn tại các cơ sở giáo dục công lập; sớm thành lập và triển khai thực hiện Hội đồng tuyển chọn để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, sử dụng VĐV năng khiếu theo định hướng phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.

HOÀNG AN

.
.
.