Điều kiện tập luyện và thi đấu ô tô thể thao địa hình
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 18/2015/TT-BVHTTDL quy định về điều kiện tập luyện và thi đấu môn Ô tô thể thao địa hình.
Theo đó, địa điểm thi đấu môn ôtô thể thao địa hình cần có các điều kiện sau: Có đường đua phù hợp với tính chất và quy mô của giải đấu; có khu vực kiểm tra xe, đỗ xe, sửa chữa xe, nhà vệ sinh; có sơ đồ mặt cắt đường đua đánh dấu các điểm quan trọng trên đường đua; chỉ dẫn chi tiết về các quy tắc giao thông trên đường đua; bản đồ chi tiết khu vực xuất phát, khu vực đích, khu vực thi đấu; hàng rào bảo vệ khu vực trước vạch đích và sau vạch đích; hàng rào ngăn cách giữa đường đua và khán giả được đặt cách mép đường đua ít nhất 20 m. Tại những khúc cua của đường đua trên cát, hàng rào ngăn cách giữa đường đua và khán giả phải được đặt cách mép đường đua ít nhất 50m; phải bố trí điểm cấp cứu tại các khu vực nguy hiểm trên đường đua; đảm bảo thuận lợi cho xe cứu thương di chuyển; có phương án, phương tiện cứu hộ xe thi đấu; có bình chữa cháy và lực lượng chuyên trách công tác cứu hoả.
Địa điểm tổ chức thi đấu phải được đại diện kỹ thuật do tổ chức xã hội nghề nghiệp về ô tô địa hình thể thao quốc gia hoặc Ban tổ chức giải đấu chỉ định kiểm tra trước 03 ngày kể từ ngày diễn ra hoạt động và trong suốt quá trình diễn ra giải đấu. Đại diện kỹ thuật có quyền dừng thi đấu nếu thấy không đảm bảo an toàn cho các thành viên.
Bên cạnh đó, có thiết bị liên lạc cho các thành viên tổ chức và điều hành giải; có phương tiện di chuyển cho các thành viên tổ chức, điều hành và các đội trong quá trình thi đấu. Có trang thiết bị phục vụ bộ phận trọng tài của giải gồm: Bộ đàm, cờ, còi báo hiệu, đồng hồ, bảng báo giờ, loa, băng xuất phát, băng đích, thiết bị kiểm tra độ an toàn, kích thước và trọng lượng của các xe thi đấu.
Xe mui trần, mui hở phải có khung chống lật
Tất cả các chủng loại xe trước khi tham gia thi đấu phải được kiểm tra đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật sau: Xe mui trần, mui hở phải có khung chống lật (khung bảo vệ); có bình cứu hoả đặt trong tầm với của vận động viên; có bộ đồ cứu hộ; có móc kéo trước và sau của xe chịu được lực kéo tối thiểu 3000kg; có tời chịu được lực kéo tối thiểu 3628kg; lốp xe có đường kính tối đa 42 inch (1008mm), còn ít nhất 80% chiều cao gai lốp. Các xe không được sử dụng bánh xe cuốn xích, bánh xe kim loại hoặc các loại lốp đặc chủng cho các loại máy nông cụ, máy lâm nghiệp, máy kéo, máy công trình; có các trang thiết bị sơ cấp cứu. Đồng thời, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật khác theo quy định của Điều lệ giải.
Thông tư nêu rõ, vận động viên tham gia thi đấu cần có giấy chứng nhận đủ sức khỏe thi đấu thể thao của cơ sở y tế có thẩm quyền theo quy định của Điều lệ giải; có giấy phép lái xe hợp lệ hạng B1 hoặc tương đương trở lên; phải tham gia bảo hiểm tai nạn trong quá trình tham dự giải.
Khi thi đấu, vận động viên phải đeo dây đai an toàn, đi găng tay, đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn Việt Nam, mang giày cao cổ trên mắt cá chân.
Trọng tài điều hành các giải thi đấu môn Ô tô thể thao địa hình cấp quốc gia phải được Tổng cục Thể dục thể thao hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp về ô tô địa hình thể thao quốc gia triệu tập.
Đối với các giải thi đấu do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, trọng tài điều hành giải phải được tổ chức xã hội nghề nghiệp về ô tô địa hình địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triệu tập.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-3-2016.
(Theo chinhphu.vn)