Tiền Giang hướng đến Đại hội Thể dục thể thao ĐBSCL lần thứ VII
Ở Tiền Giang, từ khi có thêm sân chơi mới là Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phong trào luyện tập thể thao trong quần chúng nhân dân khởi sắc và không ngừng lớn mạnh, thành tích thi đấu của các đội trẻ, đội tuyển tại các đấu trường khu vực, Quốc gia và quốc tế đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Đoàn Thể thao Tiền Giang diễu hành qua Lễ đài tại Đại hội Thể dục thể thao ĐBSCL lần thứ VI năm 2015 tại An Giang. Ảnh: Hoàng An |
Thể thao cho mọi người: Ngày càng phát triển
Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thời gian qua, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), phong trào TDTT của Tiền Giang đã có chiều hướng phát triển, hoạt động TDTT đã thu hút đông đảo người dân sôi nổi tham gia tập luyện ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Nhiều loại hình hoạt động thể thao khác nhau đã được tổ chức nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Chúng ta sẽ dễ nhận thấy phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng nhân dân trong những năm qua tại Tiền Giang đã có bước phát triển vượt bậc, so sánh số liệu thống kê ở hai thời điểm để minh chứng cho tốc độ phát triển đó:
Thời điểm năm 2005 số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên là 204.812 người, đạt tỷ lệ 12,18%; số gia đình được công nhận gia đình thể thao là 16.500 hộ, đạt tỷ lệ 5,38%; đến nay toàn tỉnh hiện có số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên là 454.580 người, đạt tỷ lệ 27,12%; gia đình thể thao đạt chuẩn là 73.635 gia đình, đạt tỷ lệ 18,60%; toàn tỉnh có 607 tụ điểm, câu lạc bộ TDTT cơ sở; có 100% trường học đảm bảo thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khóa.
Thể thao thành tích cao: Chuyển biến tích cực
Song song với sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng, trong những năm qua, thể thao thành tích cao tỉnh Tiền Giang đã có những bước trưởng thành, từ đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) các môn thể thao đến cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, huấn luyện.
Thành tích thi đấu của VĐV có nhiều tiến bộ, số huy chương đạt được từ các giải trong nước đến các giải khu vực tăng lên đáng kể, trình độ đào tạo, huấn luyện đội ngũ HLV cũng từng bước được nâng cao.
Trong gần 10 năm trở lại đây, thể thao thành tích cao của Tiền Giang đã có những bước tiến khá dài: Tại Đại hội TDTT ĐBSCL lần thứ I năm 2005 đứng thứ 6/13 trên bảng tổng xếp hạng các tỉnh, thành tham gia với 9 Huy chương Vàng (HCV), 11 Huy chương Bạc (HCB), 8 Huy chương Đồng (HCĐ); Đại hội lần thứ II năm 2007 đứng thứ 5/13 (24 HCV, 18 HCB, 16 HCĐ); Đại hội lần thứ III năm 2009 đứng thứ 3/13 (40 HCV, 31 HCB, 37 HCĐ); Đại hội lần thứ IV năm 2011 đứng thứ 4/14 (42 HCV, 26 HCB, 38 HCĐ) và đến Đại hội lần thứ VI năm 2015, Tiền Giang đứng thứ 3/14 với 66 HCV, 65 HCB, 96 HCĐ.
Hầu hết các môn thể thao trọng điểm đều xuất sắc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhiều VĐV được triệu tập tham gia đội trẻ, đội tuyển Quốc gia, cá biệt có một số bộ môn có VĐV đạt huy chương tại các giải quốc tế như: Pencak silat, Teakwondo, Vovinam, Bóng bàn, Thể hình…
Để đạt được những kết quả ổn định và mang tính bền vững như trên một phần là do công tác đào tạo VĐV thể thao thành tích cao những năm qua có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, chuyên môn hóa sâu. Các VĐV được huấn luyện, đào tạo bài bản; đồng thời được sàng lọc kỹ càng qua các cuộc thi đấu tại đại hội khu vực trước khi được tuyển chọn lên các đội tuyển tham gia giải Quốc gia.
Trong quá trình đào tạo, huấn luyện, bộ phận chuyên môn luôn chú trọng yếu tố chất lượng đầu vào, làm tốt công tác kiểm tra theo định kỳ và thường xuyên rà soát, tiến hành phân loại các VĐV không phát triển, ý thức sinh hoạt tập luyện kém để thay thế; đồng thời phát hiện những nhân tố có triển vọng để có phương án tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ.
Có thể nói trong những năm qua thể thao thành tích cao Tiền Giang đã làm khá tốt công tác huấn luyện, từng bước đào tạo nên những lớp VĐV trẻ kế cận bổ sung kịp thời cho tuyến trên, đã có được một số thành tích khả quan tại đấu trường trong nước và quốc tế. Đây sẽ là tiền đề để thể thao thành tích cao Tiền Giang khẳng định mình và tiến những bước quan trọng trong những năm tiếp theo.
Công trình phục vụ tập luyện và thi đấu: Từng bước được hoàn thiện
Về sân bãi phục vụ TDTT cho mọi người, thời gian qua toàn tỉnh đã có 64/169 xã, phường, thị trấn có sân bóng đá 11 người, chiếm tỷ lệ 40% số xã có sân bóng đá và 284 sân bóng đá mini; có 548 sân bãi tập luyện các môn Võ thuật, Cầu lông, Bóng bàn, Bóng chuyền, Quần vợt, Bơi lội… của các câu lạc bộ, nhà văn hóa, thể thao cấp xã, phường.
Bên cạnh những cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư thì các tổ chức kinh tế, cơ quan và doanh nghiệp cũng tham gia xây dựng một số công trình, từ đó góp phần cho địa phương có thêm nhiều địa điểm tập luyện TDTT.
Cơ sở tập luyện cho đội trẻ, đội tuyển các môn hiện nay tương đối đầy đủ đáp ứng cho việc luyện tập: Cấp tỉnh đã có 2 sân bóng đá phụ, 1 sân vận động đủ tiêu chuẩn với sức chứa 12.000 chỗ ngồi, cùng giàn đèn và đường chạy 400m phủ nhựa tổng hợp; 1 Nhà thi đấu đa năng sàn gỗ 2.000 chỗ ngồi, đủ điều kiện đăng cai tổ chức các giải Quốc gia và quốc tế; 2 nhà tập và 6 sân quần vợt đạt tiêu chuẩn.
Hiện nay, ngành VH-TT&DL đang đề nghị UBND tỉnh đầu tư 1 khu Liên hợp thể thao dưới nước với đầy đủ các hạng mục có thể tổ chức thi đấu một giải bơi lội với qui mô cấp Quốc gia và khu vực.
Với những tiềm năng và thế mạnh nêu trên, hiện nay Tiền Giang đang tích cực chuẩn bị sẵn sàng cho ngày ra quân tại Đại hội TDTT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII năm 2016 với mục tiêu phấn đấu lọt vào tốp 3 đoàn mạnh nhất.
ĐỒNG VĂN THUẦN