Thứ Sáu, 19/02/2016, 15:57 (GMT+7)
.

"Cặp đôi vàng" của Ban huấn luyện bộ môn Pencak Silat Tiền Giang

Với nhiều thành tích ổn định đạt được trong những lần Đại hội Thể dục - Thể thao (TDTT) toàn quốc cũng như ở một số giải đấu trong khu vực và quốc tế, môn Pencak Silat được đánh giá là một trong những thế mạnh của thể thao thành tích cao Tiền Giang. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của vợ chồng huấn luyện viên (HLV) bộ môn Pencak Silat Lê Thị Hằng - Lê Bá Trung.

HLV Lê Thị Hằng (áo thun sọc, thứ ba hàng đứng từ phải sang) - Lê Bá Trung (áo thun xanh, thứ hai hàng đứng từ trái sang) cùng đội tuyển.
HLV Lê Thị Hằng (áo thun sọc, thứ ba hàng đứng từ phải sang) - Lê Bá Trung (áo thun xanh, thứ hai hàng đứng từ trái sang) cùng đội tuyển.

1. Trong lúc “trà dư tửu hậu” với các HLV võ thuật tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 tại Nam Định, tôi nghe nhiều người nhắc đến vợ chồng HLV Bộ môn Pencak Silat của Tiền Giang Lê Thị Hằng - Lê Bá Trung như “cặp đôi vàng” của môn võ này. Thành tích của bộ môn Pencak Silat gồm 1 Huy chương (HC) Vàng (Mạch Quốc Hưng), 1 HC Bạc (Phạm Nguyễn Quỳnh Như) và 1 HC Đồng (Huỳnh Tấn Việt) là minh chứng cụ thể cho điều đó.

Ngoài ra, tại Giải Vô địch các Câu lạc bộ Pencak Silat toàn quốc năm 2015 do Tiền Giang đăng cai tổ chức vừa qua, đội chủ nhà Tiền Giang xếp thứ hai toàn đoàn với 3 HC Vàng, 1 HC Bạc và 5 HC Đồng… Còn tại các giải đấu khu vực và quốc tế, các vận động viên (VĐV) Pencak Silat Tiền Giang đã lập thành tích đáng ghi nhận gồm:

1 HC Bạc và 1 HC Đồng ở Giải trẻ thế giới môn Pencak Silat tổ chức tại Singapore năm 2007, 1 HC Bạc ở Giải Vô địch Pencak Silat thế giới tổ chức tại Malaysia năm 2007, 1 HC Bạc ở Giải Vô địch Pencak Silat Đông Nam Á năm 2011, 1 HC Bạc ở Giải Vô địch Pencak Silat thế giới năm 2015…

2. HLV Lê Thị Hằng, người được xem là “cô gái vàng” của thể thao thành tích cao Quảng Ninh, là kiện tướng Quốc gia môn võ Pencak Silat từng đoạt 3 HC Vàng Vô địch thế giới các năm 2000, 2002 và 2004; 1 HC Vàng Giải châu Á - Thái Bình Dương năm 2001; 1 HC Vàng SEA Games 22 năm 2003.

Được biết, cô bắt đầu tập luyện võ từ năm lớp 10 với môn phái Nhất Nam qua các lớp thể thao nghiệp dư trong kỳ nghỉ hè do Sở TDTT tỉnh tổ chức. Những ngày tháng phấn đấu khổ luyện đã mang lại cho Hằng tấm HC Đồng tại SEA Games 20 ở Brunei trong lần đầu chập chững tham gia đấu trường quốc tế; đây cũng là tấm HC quốc tế đầu tiên của vùng đất mỏ.

Với sự hướng dẫn tận tình của người thầy - Võ sư Dương Bá Cường, cùng sự tập luyện vất vả, nghiên cứu tài liệu võ thuật… đã giúp cô võ sĩ trẻ liên tục lập nhiều thành tích trong các giải đấu trong và ngoài nước. Dấu ấn lớn nhất trong đời VĐV của kiện tướng Lê Thị Hằng là cô vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia I - Nhổn (Hà Nội) ngay trong thời gian diễn ra SEA Games 22.

Kiện tướng Quốc gia Lê Thị Hằng đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các HLV, VĐV xuất sắc ở các bộ môn...

Đặc biệt, với chiếc HC Vàng ở hạng 50 kg giải Pencak Silat Vô địch thế giới tổ chức tại Singapore năm 2004, cô gái vàng thể thao vùng mỏ đã được các nhà báo thể thao trong nước bầu chọn là 1 trong 10 VĐV tiêu biểu nhất của ngành Thể thao Việt Nam. Sau khi chuyển sang làm HLV đội tuyển trẻ Pencak Silat tỉnh Quảng Ninh, Hằng đã chia tay vùng đất mỏ để theo chồng là HLV Lê Bá Trung về Tiền Giang.

3. HLV Lê Bá Trung “bén duyên” với môn võ Pencak Silat nhờ vào sự phát hiện của người anh ruột là Võ sư Lê Bá Tùng, võ sĩ nổi tiếng của môn phái võ Gò Công vang bóng một thời. Thấy người em có năng khiếu và mê tập võ, Võ sư Lê Bá Tùng đã thường xuyên chỉ dẫn khi luyện tập các chiêu thức và giới thiệu tham gia thi đấu giao lưu ở một số giải đấu trong tỉnh.

Tuy vóc dáng không cao to như các võ sĩ khác nhưng Trung có cách đánh dứt khoát, chính xác và tấn công liên tục nên có lợi thế giành được nhiều ưu điểm trên sàn đấu. Trong thời gian đầu khi vừa được tuyển chọn vào Đội tuyển Năng khiếu tỉnh nhà, trường hợp của Trung vẫn còn không ít người trong Trung tâm TDTT nghi ngờ vì cho rằng anh sẽ không thoát ra khỏi được cái bóng quá lớn của người anh ruột đang là HLV của trung tâm.

Thế nhưng, bắt đầu từ tấm HC Vàng hiếm hoi của Đội tuyển tỉnh nhà của Lê Bá Trung tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2002 (lúc 17 tuổi), Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006... và được phong Kiện tướng Quốc gia, đã xóa tan mọi nghi ngờ. Từ năm 2002, Trung là một trong số ít VĐV trẻ được gọi tập trung vào Đội tuyển Quốc gia tập luyện để tham gia các giải đấu quốc tế.

Được tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia I - Nhổn (Hà Nội), Trung đã nỗ lực luyện tập và thành tích mang về cho môn Pencak Silat của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng là tấm HC Bạc Giải Pencak Silat Vô địch thế giới năm 2002 tổ chức ở Malaysia.

Trong thời gian tập luyện ở Nhổn, anh võ sĩ Tiền Giang đã bén duyên với nữ võ sĩ Quảng Ninh. Tháng 8-2008, Lê Thị Hằng chính thức về công tác tại Tiền Giang với vai trò HLV trưởng bộ môn Pencak Silat cùng chồng là HLV Lê Bá Trung.

Đầu năm mới, “cặp đôi vàng” HLV Lê Thị Hằng - Lê Bá Trung đang bận rộn với kế hoạch tập luyện cho đội để tham gia giải đấu tại tỉnh Tuyên Quang vào đầu tháng 3 tới. Ước muốn đầu năm của “cặp đôi vàng” HLV bộ môn Pencak Silat là tiếp tục nỗ lực đào tạo nhiều VĐV đạt thành tích cao cho tỉnh nhà và Quốc gia tại các giải đấu trong và ngoài nước, đặc biệt là được tham dự SEA Game.

HOÀNG AN

.
.
.