Thứ Năm, 11/02/2016, 07:22 (GMT+7)
.

SEA Games 28: Sự thay đổi về chất của thể thao Việt Nam

Đoàn thể thao Việt Nam chỉ xếp thứ ba chung cuộc tại SEA Games 28 nhưng đây vẫn là một kỳ Đại hội thành công đặc biệt của thể thao Việt Nam bởi SEA Games 28 đánh dấu bước thay đổi chiến lược của thể thao Việt Nam nhằm hướng tới ASIAD và Olympic.

Đoàn thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games 28 năm 2015 tại Singapore với 73 huy chương vàng các loại, xếp thứ ba khu vực sau Thái Lan và Singapore.

Những chiến thắng ở môn bơi lội của Ánh Viên góp phần tạo ra sự thay đổi về chất cho đoàn thể thao Việt Nam. (Ảnh: Zing)
Những chiến thắng ở môn bơi lội của Ánh Viên góp phần tạo ra sự thay đổi về chất cho đoàn thể thao Việt Nam. (Ảnh: Zing)

1. Trong 73 huy chương vàng ấy, điền kinh giành 11 huy chương, bơi lội giành 10 trong khi thể dục dụng cụ có 9. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam, ba môn thể thao cơ bản của Olympic cán cột mốc 30 huy chương vàng ở một kỳ SEA Games. Điền kinh, thể dục dụng cụ và bơi lội cũng được coi là ba cột trụ của Olympic, ba thước đo cơ bản nhất đánh giá thể chất của con người xuyên suốt lịch sử.

Để tiện so sánh, tại SEA Games 27 năm 2013, chúng ta chỉ giành được 15 huy chương vàng cho ba môn cơ bản. Trong đó, thể dục dụng cụ không có huy chương nào. SEA Games 26 khá hơn đôi chút khi thể thao Việt Nam có 23 huy chương vàng cho ba môn này.

Song song với việc gia tăng sức mạnh ở các môn Olympic, thể thao Việt Nam giảm hẳn sự lệ thuộc vào hệ thống môn võ thuật. Tại Singapore 2015, bốn môn Judo, Pencak silat, Taekwondo, Wushu giành tổng cộng 14 huy chương vàng. Con số tương tự của các môn võ hồi năm 2013 là 30 huy chương vàng.

Một điểm nhấn khác ở SEA Games 2015 là việc hai môn Olympic (đấu kiếm, rowing) giành tới 17 huy chương vàng - cao nhất trong lịch sử đoàn Việt Nam.

Những thành công ấy làm thay đổi cán cân huy chương của thể thao Việt Nam. 85% trong số 73 huy chương vàng của thể thao Việt Nam ở SEA Games 2015 tới từ các môn Olympic. Con số tương tự ở Myanmar 2013 chỉ là 65 %.

2. Không chỉ xác lập vị thế trên bề rộng, sức mạnh các môn cơ bản của Việt Nam còn thể hiện ở chiều sâu. Từ một trong những nước có nền bơi lội kém nhất khu vực, bơi lội Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ. Năm 2005, Nguyễn Hữu Việt mới giành huy chương vàng đầu tiên cho bơi lội Việt Nam sau 44 năm chờ đợi. Đến năm 2015, chúng ta đã có 10 huy chương vàng bơi lội.

Đặc biệt, thắng lợi ở môn bơi lội giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên thể hiện ưu thế vượt trội trước kình địch Thái Lan ở một môn Olympic. Với 10 huy chương vàng, đoàn Việt Nam chỉ xếp sau chủ nhà Singapore (23 huy chương vàng), bỏ xa Malaysia (3), Thái Lan (1).

Bơi lội Việt Nam cũng sở hữu nữ vận động viên có đẳng cấp cao nhất Đông Nam Á là Nguyễn Thị Ánh Viên. “Tiểu tiên cá” giành 8 huy chương, phá 8 kỷ lục SEA Games. Chiến công của cô tại Singapore và các kết quả tích cực ở Cúp thế giới là bằng chứng khẳng định người Việt - với những bất lợi về thể chất, nếu được đầu tư đúng đắn và khoa học, vẫn có thể chiến thắng ở các cuộc chơi thế giới.

3. SEA Games 2015 cũng ghi nhận việc các vận động viên Việt Nam liên tục phá kỷ lục SEA Games: Ánh Viên phá 8 kỷ lục, Nguyễn Văn Lai xô đổ kỷ lục 22 năm ở môn chạy 5000 m, Nguyễn Thị Huyền lật đổ kỷ lục 20 năm ở chạy vượt rào 400m nữ, đội tiếp sức 400m x 4 phá tan kỷ lục của người Thái... Tất cả đều được thực hiện ở nhóm môn Olympic.

Lưu ý, thành tích cao của thể thao Việt Nam được thực hiện chỉ với 392 vận động viên. So với đoàn chủ nhà Singapore và Thái Lan (hơn 1.000 người), Indonesia (700 người), đoàn Việt Nam ít nhưng “chất.”

Đội tuyển điền kinh 400x4 m nữ giành huy chương vàng trước mũi Thái Lan, phá luôn kỷ lục SEA Games của người Thái. (Ảnh: VNE)
Đội tuyển điền kinh 400x4 m nữ giành huy chương vàng trước mũi Thái Lan, phá luôn kỷ lục SEA Games của người Thái. (Ảnh: VNE)

Đây là hiệu quả của chính sách đầu tư trọng điểm của ngành thể thao dành cho nhóm môn Olympic và các vận động viên đỉnh cao.

Quan trọng hơn, thành tích của thể thao Việt Nam ở SEA Games phản ánh sự thay đổi toàn diện về tư duy của ngành thể thao nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng. Chúng ta không còn đặt nặng vấn đề thành tích ở SEA Games. Sân chơi Đông Nam Á giờ chỉ còn là bàn đạp cho các mục tiêu xa hơn ở Olympic và ASIAD.

Sự thay đổi của các nhà lãnh đạo tác động tới dân chúng và các cơ quan truyền thông. Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh chia sẻ: “Trước đây, mở báo, mở TV ra là thấy nhắc đến bóng đá, bóng chuyền. Năm nay, kỳ SEA Games 2015 đã được các cơ quan truyền thông, báo chí tường thuật trực tiếp gần như tất cả các ngày thi đấu, với tất cả các môn thi đấu, đặc biệt ưu tiên các môn thể thao Olympic.”

“Trước đây, người xem thể thao có muốn biết các môn thể thao như đấu kiếm, canoeing như thế nào cũng khó, vì có ai nói đến đâu. Tôi rất bất ngờ, hôm trước xem tường thuật ngày thi đấu môn đấu kiếm trên truyền hình, anh biên tập viên cũng giới thiệu, đấu kiếm là môn thể thao Olympic. Ngành thể thao có sự thành công như ngày hôm nay, một phần cũng nhờ sự ủng hộ của truyền thông.”

Thành công ở SEA Games 28 vì thế sẽ là bàn đạp để thể thao Việt Nam vươn xa hơn với mục tiêu trước nhất sẽ là Olympic Rio 2016 tại Brazil.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/sea-games-28-su-thay-doi-ve-chat-cua-the-thao-viet-nam/369825.vnp)

.
.
.