Thứ Sáu, 25/03/2016, 13:42 (GMT+7)
.

Ngành TDTT Tiền Giang: Một chặng đường không ngừng phát triển

Là một trong những địa phương có phong trào thể dục - thể thao (TDTT) phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thành tích của TDTT Tiền Giang đã có sự phát triển đáng ghi nhận, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL trao giải cho các VĐV đạt thành tích cao tại Giải Taekwondo Cúp các CLB mạnh toàn quốc năm 2015.  Ảnh: HỮU CHÍ
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL trao giải cho các VĐV đạt thành tích cao tại Giải Taekwondo Cúp các CLB mạnh toàn quốc năm 2015. Ảnh: HỮU CHÍ

Ông Hồ Đắc Việt Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL), người đã đồng hành với hoạt động TDTT Tiền Giang từ năm 1975 đến nay, nhận xét: Một trong những tiền đề quan trọng cho ngành TDTT tỉnh nhà phát triển là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với công tác TDTT.

UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TDTT. Cụ thể là chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT.

Có thể nói, phong trào TDTT tỉnh nhà đã đạt được những thành quả nhất định, xứng tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam.

Về cơ sở vật chất sơ khai (một số sân vận động ở cấp tỉnh và huyện) được tiếp quản từ một số cơ sở thi đấu thể thao cũ của chính quyền Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến nay đã được đầu tư xây dựng bài bản từ tỉnh đến phường, xã. Ở cấp tỉnh đã xây dựng sân vận động với hệ thống đường pitch phủ nhựa tổng hợp, nhà thi đấu đa năng đạt tiêu chuẩn Quốc gia, nhà tập luyện các môn thi đấu, nhà nghỉ cho vận động viên (VĐV)…

Đối với cấp huyện đều có sân vận động, các xã, phường đều có nhà văn hóa cùng các công trình phục vụ các hoạt động thể thao phong trào như thể dục dưỡng sinh, cầu lông, bóng chuyền… Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể thao là nền tảng quan trọng giúp phong trào TDTT quần chúng từng bước phát triển.

Theo thống kê mới nhất của Trung tâm TDTT tỉnh, số lượng người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên của toàn tỉnh vào năm 2015 gần 600.000 người, đạt tỷ lệ 31,81%.

Một trong những dấu ấn nổi bật của TDTT tỉnh nhà trong chặng đường 40 năm qua là sự quan tâm, đầu tư phát triển thể thao thành tích cao.

VĐV các môn thể thao trọng điểm của tỉnh đã đạt nhiều thành tích tại các giải thi đấu khu vực, Quốc gia và quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất là: Môn võ Pencak Silat với 1 HC Bạc thế giới và 1 HC Bạc Đông Nam Á; môn võ Vovinam với 1 HC Vàng và 1 HC Đồng thế giới, 1 HC Vàng Đông Nam Á; môn Thể hình đạt 1 HC Bạc châu Á; môn Bóng bàn đạt 3 HC Bạc Đông Nam Á và 1 HC Đồng châu Á; môn Taekwondo đạt 1 HC Vàng Đông Nam Á; môn Điền kinh đạt 2 HC Bạc SEA Games.

Tại các giải Quốc gia, Đội Bóng bàn nữ Tiền Giang đã lập nên kỳ tích là đơn vị tỉnh lẻ đầu tiên và duy nhất đoạt danh hiệu Vô địch đồng đội nữ Giải Vô địch Bóng bàn toàn quốc Báo Nhân dân lần thứ 30 năm 2012; nhiều lần đoạt HC Bạc của nội dung đơn nam, nữ ở các Giải Vô địch Bóng bàn toàn quốc…

Tại các kỳ Đại hội TDTT ĐBSCL gần đây, Đoàn Thể thao Tiền Giang luôn nằm trong tốp 3 đơn vị đứng đầu. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Đoàn Thể thao Tiền Giang đoạt 3 HC Vàng, 5 HC Bạc, 7 HC Đồng, xếp hạng 36/65 đoàn tham gia đại hội.

Tiền Giang đã cung cấp cho Đội tuyển Quốc gia rất nhiều VĐV và huấn luyện viên các môn như: Bóng đá, Pencak Silat, Bóng bàn, Cầu lông và Điền kinh… Theo thống kê, trong năm 2015 toàn tỉnh có 16 lượt VĐV đoạt danh hiệu Kiện tướng Quốc gia.

Đoàn Thể thao Tiền Giang diễu hành tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 ở Nam Định.
Đoàn Thể thao Tiền Giang diễu hành tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 ở Nam Định.

Ông Trần Phát Tài, Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh khẳng định: Ngành TDTT Tiền Giang đã sớm xác định những môn thế mạnh và phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương; đồng thời gắn với chiến lược thể thao thành tích cao Quốc gia như: Điền kinh, Cử tạ, Taekwondo, Bóng bàn, Cầu lông, Bóng đá, Pencak Silat, Thể hình, Vovinam Boxing...

Từ đó, tham mưu UBND tỉnh có chính sách ưu tiên cụ thể thông qua việc xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện cho từng môn được thực hiện bài bản, khoa học và theo đúng lộ trình từ cấp cơ sở, Trường Năng khiếu TDTT và các đội tuyển, cũng như kế hoạch tập huấn tại các trung tâm thể thao hàng đầu trong nước.

Nhờ đó, thể thao thành tích cao của Tiền Giang trong những năm trở lại đây từng bước được cải thiện, đóng góp nhiều VĐV cho đội tuyển Quốc gia, góp phần lập thành tích, mang vinh quang về cho Tổ quốc, nâng cao vị thế tỉnh nhà.

Ngoài ra, điểm nổi bật khác của thể thao tỉnh nhà là tổ chức thành công các giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu Quốc gia và hội thao khu vực. Cụ thể như việc tổ chức thành công Đại hội TDTT ĐBSCL lần thứ V năm 2013 do Tiền Giang đăng cai đã tạo được tiếng vang về quy mô tổ chức và chất lượng chuyên môn, được Bộ VH-TT&DL cùng các tỉnh, thành đánh giá cao.

HOÀNG AN

 

Tiền Giang phấn đấu đến năm 2020 số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 30 - 35% dân số toàn tỉnh; 20 - 25% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; có 50 - 60%  xã, phường, thị trấn đủ cơ sở vật chất TDTT theo chuẩn xây dựng nông thôn mới; 100% trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục nội khóa; 85 - 90% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; 90 - 95% cán bộ, chiến sĩ duy trì thường xuyên luyện tập, kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và xây dựng lối sống lành mạnh cho thanh, thiếu niên.

Đến năm 2020, duy trì công tác huấn luyện ban đầu tại các địa phương từ 700 - 1.000 VĐV các môn thể thao thành tích cao có thế mạnh; 200 - 250 VĐV được đào tạo tập trung tại Trường Năng khiếu TDTT của tỉnh; duy trì công tác huấn luyện từ 200 - 250 VĐV đội tuyển, đội trẻ các môn thể thao trọng điểm.

Phấn đấu đạt thành tích cao tại Đại hội TDTT toàn quốc, xếp thứ hạng 20/63 tỉnh, thành và xếp 3 hạng đầu của các kỳ Đại hội TDTT ĐBSCL; đóng góp từ 25 - 30 VĐV và HLV cho đội trẻ, Đội tuyển Quốc gia tham dự các giải khu vực Đông Nam Á, châu lục và thế giới.

 

.
.
.