Thứ Sáu, 08/04/2016, 15:17 (GMT+7)
.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho:

Phát triển phong trào TDTT xứng tầm với đô thị loại I

Ngày 5-2-2016, TP. Mỹ Tho được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Mỹ Tho nỗ lực xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần, trong đó có phong trào rèn luyện sức khỏe, thể dục - thể thao (TDTT) của nhân dân ngày càng được nâng cao. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho trao đổi:

Thực hiện lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, TP. Mỹ Tho đã tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình hành động 21-CTr/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”.

Theo đó, qua quá trình tuyên truyền, vận động, nhân dân cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đã nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của phong trào rèn luyện thân thể, luyện tập TDTT.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào TDTT của TP. Mỹ Tho đã từng bước phát triển với những hoạt động phong phú và đa dạng, đi vào đời sống xã hội...

Nhiều người đã tự lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, thể lực. Phong trào tập luyện TDTT trong cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và học sinh được duy trì thường xuyên. Đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn chiếm 30% dân số; 17% số hộ được công nhận là gia đình thể thao; có 100% ấp, khu phố được công nhận có phong trào rèn luyện thân thể.

Để thu hút mọi người tham gia tập luyện và đưa phong trào TDTT thành phố phát triển rộng khắp, hàng năm Trung tâm TDTT thành phố đã tổ chức các giải, hội thao với nhiều môn phong phú như: Bóng đá, bơi lội, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy...

Song song với việc phát triển phong trào TDTT quần chúng, công tác tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện vận động viên cũng được quan tâm. Hệ thống nhà tập, sân bãi, trang thiết bị dành cho hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT được từng bước đầu tư xây dựng; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được củng cố về số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, việc xã hội hóa, mời gọi đầu tư các hoạt động TDTT đã và đang có những chuyển biến tích cực, huy động được nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế TDTT. Đã góp phần tổ chức thành công các giải thể thao có quy mô cấp khu vực, toàn quốc, mang tính chuyên nghiệp cao, tạo được tiếng vang, dấu ấn tốt đẹp với các tỉnh bạn.

Có thể nói, phong trào tập luyện, thi đấu TDTT được duy trì thường xuyên, phát triển rộng khắp trên địa bàn thành phố đã có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

* Phóng viên (PV): Ông có nhận xét gì về cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng phục vụ phong trào TDTT ở các phường, xã thuộc địa bàn TP. Mỹ Tho hiện nay?

* Ông Nguyễn Văn Hồng: Từ đầu những năm 1980, cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng phục vụ cho phong trào TDTT còn nhiều hạn chế, toàn thành phố chỉ có 1 sân bóng đá (đường Hùng Vương) phục vụ phong trào TDTT trên địa bàn.

Những năm gần đây, với mục đích phát triển con người toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần và thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn”, TP. Mỹ Tho đã huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân.

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền nên phong trào TDTT quần chúng vẫn được duy trì và phát triển, đặc biệt các vùng xã ven. Các câu lạc bộ (CLB), các điểm tập TDTT từng bước được nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu quả. Khu Thể thao trung tâm thành phố trong những năm qua được đầu tư nâng cấp, thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia tập luyện.

Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, nhiều hộ dân cũng đã tự bỏ tiền làm sân chơi, mua sắm dụng cụ phục vụ cho tập luyện TDTT hàng ngày. Các CLB thể thao tư nhân cũng được hình thành như: CLB bóng bàn, cầu lông, quần vợt... hiện trên địa bàn thành phố có 70 CLB TDTT cơ sở luyện tập thể thao, thu hút và tập hợp nhiều hội viên tham gia sinh hoạt và luyện tập thường xuyên.

Đến nay, toàn thành phố có 1 sân cỏ bóng đá, 1 sân mini bằng cỏ tự nhiên; 32 sân cỏ mini nhân tạo do tư nhân đầu tư, khai thác; 1 nhà thi đấu đa năng; 3 hồ bơi; 2 nhà tập TDTT đa năng và nhiều sân chuyên môn khác như: Quần vợt, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ… Tại các điểm này các hoạt động TDTT luôn diễn ra sôi động.

Diễu hành khai mạc Đại hội TDTT TP. Mỹ Tho lần V-2005. 			           Ảnh: NGỌC TRUNG
Diễu hành khai mạc Đại hội TDTT TP. Mỹ Tho lần V-2005. Ảnh: Ngọc Trung

*PV: Thời gian tới, để tiếp tục phát triển phong trào TDTT của thành phố xứng tầm với tiêu chí của đô thị loại I, UBND thành phố sẽ chỉ đạo ngành TDTT phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ gì?

* Ông Nguyễn Văn Hồng: Theo Nghị quyết 08-NQ/TW, mục tiêu trọng tâm phát triển phong trào TDTT là: “Đầu tư cho TDTT là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Tăng tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT và đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao; đồng thời phát huy các nguồn lực của xã hội để phát triển TDTT, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý, điều hành các hoạt động TDTT”.

Với mục tiêu nêu trên, để phát triển phong trào TDTT, trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng Khu thể thao trung tâm, Khu thể thao phía Đông, từng bước đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất, hệ thống nhà tập, sân bãi, trang thiết bị dành cho hoạt động tập luyện, thi đấu; dần hình thành khu thể thao phía Tây và phía Bắc đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí đô thị loại I; đồng thời từng bước trang bị các dụng cụ luyện tập thể thao công cộng tại các công viên, kè sông Tiền.

Nghiên cứu đề xuất tỉnh có cơ chế phù hợp để đầu tư cơ sở vật chất nhằm khuyến khích, phát triển phong trào TDTT trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Để phát triển phong trào TDTT trong thời gian tới, thành phố phấn đấu đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục còn lại cho Trung tâm TDTT.

Phấn đấu 100% số phường, xã có công trình TDTT cơ bản; đến năm 2020 tất cả các xã, phường đều có trung tâm văn hóa, thể thao gắn với trường học, các điểm vui chơi cho thanh thiếu niên…

Tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2015 - 2020 gắn với triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa; khu phố, ấp, cơ quan văn hóa, với Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng TP. Mỹ Tho đạt chuẩn văn minh đô thị… tạo nên sự phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển các tổ chức xã hội về TDTT, các hình thức dịch vụ TDTT như: Đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động TDTT, các hội, nhóm, câu lạc bộ TDTT; đồng thời tiếp tục thực hiện công tác mời gọi đầu tư xã hội hóa từ các thành phần kinh tế, hộ gia đình và cá nhân.

Đối với Trung tâm TDTT thành phố phải thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố về lĩnh vực TDTT; cần phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa chương trình TDTT vào các trường học, đảm bảo có ít nhất từ 1 - 2 môn thể thao tự chọn; đồng thời tiếp tục thực hiện phổ cập bơi cho học sinh tiểu học.

Hàng năm tổ chức các giải, hội thao để đánh giá hiệu quả. Mời gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất cho lĩnh vực TDTT. Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức. Tổ chức các giải cho nhiều bộ môn TDTT, nhằm đánh giá, tuyển chọn vận động viên có thành tích cao để tham gia các giải lớn trong khu vực và Quốc gia.

* PV: Xin cảm ơn ông!

HOÀNG AN (thực hiện)

.
.
.