Cơ hội mới để thể dục - thể thao ĐBSCL chuyển mình
Nhằm tìm cơ hội mới để thể dục - thể thao (TDTT) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển, Cục Công tác phía Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển mô hình tổ chức Đại hội TDTT khu vực ĐBSCL”.
Đoàn VĐV tỉnh Tiền Giang diễu hành tại Đại hội TDTT ĐBSCL lần thứ VI năm 2015 tại An Giang. |
Đại hội TDTT của các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đến thời điểm này đã trải qua 6 kỳ liên tiếp, bắt đầu từ năm 2005 diễn ra tại Cần Thơ. Đây là sáng kiến của ngành TDTT (trước đây) được tổ chức định kỳ 2 năm/lần với sự tham gia của 13 đơn vị trong khu vực từ tỉnh Long An cho đến Cà Mau. Đến đại hội lần IV năm 2011 có thêm sự tham gia của Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9).
Theo đánh giá của Tổng cục TDTT, qua 6 lần tổ chức, Đại hội TDTT ĐBSCL thực sự trở thành ngày hội TDTT lớn nhất khu vực. Đại hội đã thực sự trở thành một điểm hội tụ để liên kết hoạt động TDTT và góp phần thúc đẩy sự phát triển thành tích cao của các tỉnh, thành ở khu vực trong thời gian qua.
Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT cho mọi người tại các địa phương trong khu vực tiếp tục được củng cố và phát triển. Theo số liệu thống kê năm 2015, tỷ lệ bình quân số người luyện tập TDTT thường xuyên trong khu vực là 28,4% (so với bình quân chung cả nước là 28,3%), gia đình thể thao đạt 21,3% (cả nước là 20,1%).
Ông Nguyễn Thiện Chí, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre, Phó Trưởng Ban tổ chức triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội TDTT ĐBSCL lần thứ VII năm 2017 tại Bến Tre cho biết: Đại hội TDTT lần thứ VII năm 2017 tại Bến Tre sẽ được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 5-2017, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (tiền Đại hội) được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 4, tổ chức các môn thi tại Bến Tre và 1 số tỉnh thành trong khu vực; giai đoạn 2 (đại hội chính thức) sẽ được tổ chức tại thành phố Bến Tre. Lễ khai mạc diễn ra vào tối ngày 19-5-2017 tại Sân vận động tỉnh Bến Tre nhân kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2017) và lễ bế mạc được tổ chức vào ngày 25-5-2017 tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh Bến Tre. Các môn thi đấu tại Đại hội lần thứ VII gồm 20 môn: Bóng đá nam (U21), Bơi lội, Điền kinh, Judo, Taekwondo, Bắn cung, Caoeing, Cử tạ, Quần vợt, Bóng chuyền nam (U23), Bóng bàn, Bóng rổ nam (U18), Karatedo, Petanque (bi sắt), Thể hình và Fitness, Vovinam, Cờ vua, Billiards, võ cổ truyền, Boxing. |
Theo ông Lê Duy Khánh, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, nhận xét: Đại hội TDTT ĐBSCL cần thiết phải có sự đánh giá để khẳng định tính hiệu quả; trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản lý điều hành đại hội và trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp định hướng để mô hình đại hội TDTT cấp vùng (mô hình cấp vùng duy nhất trong cả nước hiện nay) phát triển bền vững.
Đây là mục tiêu của hội thảo lần này, nhằm chuẩn bị tiến tới Đại hội TDTT ĐBSCL lần VII năm 2017 do tỉnh Bến Tre đăng cai.
“Để định hướng phát triển Đại hội TDTT ĐBSCL cho các kỳ tới, hội thảo tập trung bàn luận 8 vấn đề: Tiếp tục khẳng định mục tiêu định hướng của đại hội; cơ sở pháp lý của mô hình Đại hội TDTT cấp vùng; tổ chức lãnh đạo các kỳ Đại hội TDTT ĐBSCL; chu kỳ tổ chức đại hội; mở rộng đối tượng tham gia; định hình số môn thi trong đại hội và tập trung tổ chức trong một thời gian nhất định; vấn đề thu hút nguồn lực để tổ chức đại hội…
Mặt khác, các giải pháp đặc biệt tập trung để Đại hội TDTT là sự kiện quảng bá đối với địa phương đăng cai” - ông Lê Duy Khánh nhấn mạnh.
Tại hội thảo đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu về những vướng mắc, khó khăn, trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành trong công tác tổ chức, quản lý và điều hành Giải - Đại hội thể thao trên địa bàn các tỉnh khu vực phía Nam.
Theo ông Phạm Duy Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, để Đại hội TDTT ĐBSCL phát triển bền vững trong thời gian tới cần phải xác lập điều lệ khung quy định số môn thi đấu trong đại hội, thống nhất với các môn Đại hội TDTT toàn quốc, ưu tiên các môn thể thao loại I, loại II trọng điểm của Quốc gia và Olympic, cùng với một số môn truyền thống của khu vực được đa số các tỉnh, thành biểu quyết thông qua; quy định số vận động viên (VĐV), đơn vị của nội dung thi đấu từng môn cho phù hợp và xem đây là nguyên tắc định hướng phát triển đại hội trong tương lai.
Ông Trần Chí Quân, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Cần Thơ, nhấn mạnh tính cần thiết của việc thành lập một liên hiệp hội TDTT của khu vực; bên cạnh đó cũng cần xác định số lượng môn thi đấu theo xu hướng thể thao thành tích cao, nên theo chu kỳ 2 năm 1 lần và mở rộng thêm đối tượng tham gia, tạo điều kiện cọ xát cho các VĐV trẻ.
Nếu đủ điều kiện thì trong thời gian tới Đại hội TDTT ĐBSCL cần mở rộng đơn vị và đối tượng tham gia, tạo điều kiện cọ xát, học tập cho các đoàn VĐV nhằm nâng cao trình độ chuyên môn.
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Thể thao thành tích cao (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Bến Tre) đề xuất: Nên chăng, quy định hẳn một bộ khung các môn thể thao Olympic thường được tổ chức tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần nhất và tỷ lệ ấy phải đạt ít nhất bằng ¾ tổng số môn tổ chức tại Đại hội TDTT ĐBSCL. Các môn có tính đặc thù của vùng khi được dự kiến đưa vào phải có sự đồng thuận của ít nhất 50% số tỉnh, thành trong khu vực tán thành và cử lực lượng tham dự…
Ông Đồng Văn Thuần, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Tiền Giang khẳng định: Những năm qua, Đại hội TDTT khu vực ĐBSCL thật sự là điểm hội tụ thi tài của những vận động viên đỉnh cao, là bệ phóng để thúc đẩy thành tích thể thao của các tỉnh, thành trong khu vực phát triển.
Qua các lần tổ chức, quy mô các kỳ đại hội đã không ngừng lớn mạnh từ công tác tổ chức, thành tích đến số lượng đơn vị, VĐV tham gia. Nếu Đại hội TDTT ĐBSCL lần thứ I năm 2015 do TP. Cần Thơ đăng cai có 1.304 CĐV của 13 đơn vị tham gia cùng số môn tổ chức là 16 môn thì đến Đại hội TDTT ĐBSCL lần thứ V năm 2013 do Tiền Giang đăng cai thu hút trên 3.000 VĐV của 14 đơn vị tham gia…
Tuy nhiên, để quy mô đại hội ngày càng phát triển, từng bước nâng tầm đại hội TDTT từ cấp khu vực trở thành đại hội TDTT cấp vùng, miền, điều cần thiết là nên mở rộng đối tượng, số đơn vị tham gia để VĐV có nhiều điều kiện thi đấu cọ xát với nhiều đối tượng của các tỉnh, thành có phong trào TDTT mạnh...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Kiều Linh, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ VH-TT-DL, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết mà các nhà hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực TDTT ĐBSCL dành cho hội thảo.
Đại hội TDTT ĐBSCL là mô hình cấp vùng duy nhất trong cả nước hiện nay, vì vậy Cục Công tác phía Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL trong công tác tổ chức đại hội để bảo tồn và phát triển bền vững mô hình đại hội TDTT khu vực.
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đánh giá cao tính cần thiết của hội thảo dưới sự chủ trì của Cục Công tác phía Nam, Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre và sự hỗ trợ, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của ngành VH-TT-DL các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cùng các đơn vị có liên quan.
Ông ghi nhận những vấn đề cần giải quyết nhằm cải thiện, nâng tầm và phát triển mô hình của đại hội TDTT và khẳng định Tổng cục TDTT sẽ tiếp tục hỗ trợ 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.
HOÀNG AN