Phấn đấu đưa Đội bóng Tiền Giang lên hạng Nhất vào năm 2018
Là địa phương tham dự giải Vô địch Quốc gia đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, Tiền Giang còn được xem là “lò đào tạo” nhiều nhân tài bóng đá như Phạm Văn Rạng, Tam Lang, Lưu Kim Hoàng, Nguyễn Kim Hằng… Sau nhiều thăng trầm lẫn biến động, Đội Bóng đá Tiền Giang (BĐTG) hiện đang thi đấu ở giải phong trào với thành tích hạng Nhì. Làm gì để đưa đội bóng tỉnh nhà trở lại thời kỳ hoàng kim như xưa? ông Trần Phát Tài, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh, trao đổi xung quanh vấn đề này:
Ban Huấn luyện đội bóng bàn chiến thuật giữa trận đấu. |
Sau khi giải thể Câu lạc bộ BĐTG vào năm 2011 do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, nhưng chủ yếu vẫn là về vấn đề tài chính của nhà tài trợ, đội bóng mới bán chuyên nghiệp được thành lập, hình thành từ nòng cốt là Đội U21 cùng 4 cầu thủ của Đội hạng Nhất Tiền Giang còn lại, lấy lại tên Đội BĐTG như hiện nay, thi đấu ở Giải Bóng đá hạng Nhì Quốc gia với suất cũ của Câu lạc bộ BĐTG trước đây.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự tài trợ về kinh phí của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang, Đội BĐTG dần dần được củng cố bằng lực lượng cầu thủ tại chỗ và sự tham gia của một số cầu thủ ở các địa phương khác.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của Ban Huấn luyện (BHL), cũng như của các cầu thủ, đội bóng tỉnh nhà đã cơ bản duy trì được phong độ thi đấu và thành tích tương đối ổn định ở Giải Bóng đá hạng Nhì Quốc gia. Đặc biệt, vào năm 2014, Đội BĐTG suýt có cơ hội thăng hạng nếu như Đội Bóng đá Long An không bỏ cuộc.
* Phóng viên: Người hâm mộ bóng đá tỉnh nhà nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung rất mong đợi sự trở lại của đội bóng tỉnh nhà, cụ thể là lên hạng Nhất trong tương lai gần, ông có thể cho biết giải pháp nào để điều này thành hiện thực?
* Ông Trần Phát Tài: Theo đánh giá của Ban Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao, cũng như BHL đội bóng, tình hình hoạt động của Đội BĐTG hiện nay nhìn chung là ổn định. Với nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách theo quy định, hoạt động của đội bóng tương đối được đảm bảo với mục tiêu hoạt động chủ yếu là thi đấu ở các giải đấu phong trào.
Còn nếu muốn trở lại một đội chuyên nghiệp để đá Giải V-League thì đòi hỏi phải có sự chuyển đổi để phù hợp với yêu cầu của mô hình bóng đá chuyên nghiệp, trong đó phải kể đến các yếu tố tài chính, nhân lực, cơ cấu tổ chức, điều hành…
Để đưa đội bóng thăng hạng trong những năm sắp tới, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh đã tham mưu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất UBND tỉnh thành lập Đội U.21 Tiền Giang để đào tạo lực lượng cầu thủ nòng cốt bổ sung, kế thừa cho Đội BĐTG lên hạng Nhất. Đây là một trong những giải pháp căn cơ của trung tâm nhằm giúp đội bóng thăng hạng một cách bền vững và duy trì thành tích ổn định, vì thực tiễn cho thấy chỉ có lực lượng cầu thủ tại chỗ mới phát huy hết được nội lực trong thi đấu.
Từ định hướng này, lực lượng cầu thủ của đội bóng tham gia Giải hạng Nhì quốc gia năm nay đã được bổ sung nhiều cầu thủ có triển vọng từ U21 thay vì phải sử dụng nhiều cầu thủ ở các địa phương khác như trước đây. Đây sẽ là cơ hội giúp các cầu thủ U.21 cọ xát và khẳng định được sở trường của mình sau quá trình tập luyện ở Đội U.21.
Nhìn chung, theo đánh giá của Ban Giám đốc Trung tâm và BHL, mặc dù chất lượng thi đấu của các cầu thủ bổ sung từ Đội U.21 chưa thực sự đạt yêu cầu như mong muốn nhưng đây là tín hiệu khả quan cho thấy khả năng để đội bóng tỉnh nhà có thể thăng hạng vào năm 2018, đặc biệt là duy trì ổn định được mục tiêu thăng hạng Nhất.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho định hướng đội bóng thăng hạng trong thời gian tới, trung tâm đã xin chủ trương để đăng ký cho Đội U.21 tham dự Giải Bóng đá U.21 năm 2016 nhằm giúp các cầu thủ đội U.21 có cơ hội rèn luyện tâm lý, bản lĩnh thi đấu để tích lũy kinh nghiệm. Đây sẽ là tiền đề để đến năm 2017, BHL đội BĐTG sẽ tuyển chọn nhiều cầu thủ triển vọng từ Đội U.21 bổ sung vào những vị trí thi đấu chính thức của đội bóng.
* Phóng viên: Ông đánh giá về phong độ thi đấu và đạo đức, lối sống của các cầu thủ trong Đội BĐTG hiện nay và những giải pháp củng cố đội bóng để hạn chế những scandal tai tiếng đáng tiếc xảy ra như báo chí đã nêu trước đây?
* Ông Trần Phát Tài: Với vai trò là người phụ trách đội bóng, tôi thường xuyên nhắc nhở BHL không chỉ quản lý các cầu thủ trong quá trình tập luyện, thi đấu mà còn cả trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. BHL đặc biệt quan tâm đến mục tiêu thi đấu của từng cầu thủ nhằm giúp họ tự quyết định làm cái gì cũng phải thật đúng đắn cũng như tránh được những điều không nên làm.
Do đó trong quá trình đào tạo cũng như thi đấu, khi phát hiện cầu thủ có dấu hiệu vi phạm, BHL sẽ kiên quyết xử lý và tìm cầu thủ khác nhằm tránh những “vết xe đổ” như hiện tượng tiêu cực của một số cầu thủ của đội bóng trước đây. Sau thời gian củng cố, đến nay, hiện tượng một số cầu thủ có hành vi tiêu cực như rượu chè, cờ bạc… đã được hạn chế và đến nay BHL cũng chưa nghe “tai tiếng” gì về cầu thủ của đội bóng.
Quan điểm của Ban Giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao cũng như BHL đội bóng là cố gắng xây dựng lại bản sắc của đội bóng tỉnh nhà vốn đã từng có thương hiệu vào thời kỳ “hoàng kim” trước đây. Bản sắc ấy là nền tảng đầu tiên để Tiền Giang trở lại với bóng đá chuyên nghiệp trong tương lai.
Dù tham gia thi đấu ở giải nào, các cầu thủ của đội bóng cũng được yêu cầu chơi cống hiến, đá đẹp và hết mình để tạo dựng hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ, góp phần thay đổi diện mạo của bóng đá Tiền Giang để đáp lại sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh nhà, cũng như niềm mong mỏi của người hâm mộ.
* PV: Xin cảm ơn ông!
HOÀNG AN (thực hiện)