Thứ Bảy, 04/03/2017, 06:43 (GMT+7)
.

Thể dục thể thao bậc THPT phát triển chưa đều

Những năm gần đây, phong trào thể dục - thể thao (TDTT) trong các trường học của tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá cao với nhiều thành tích nổi bật. Tuy nhiên, phong trào vẫn chưa phát triển đồng đều, còn nhiều khó khăn, đặc biệt là bậc học trung học phổ thông (THPT).

Nhà thi đấu đa năng của Trường THPT Vĩnh Bình được Sở GD-ĐT đầu tư xây dựng khang trang.
Nhà thi đấu đa năng của Trường THPT Vĩnh Bình được Sở GD-ĐT đầu tư xây dựng khang trang.

Được Sở GD-ĐT đầu tư trọng điểm nên cơ sở vật chất tập luyện TDTT của Trường THPT Chuyên Tiền Giang khá đầy đủ, gồm 4 sân bóng đá, 1 nhà thi đấu đa năng, 1 sân bóng rổ và hồ bơi diện tích 250 m2 có 6 làn bơi, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tập luyện các môn thể thao cho học sinh (HS) của trường.

Thầy Nguyễn Văn Dững, Tổ trưởng Tổ thể dục, Trường THPT Chuyên Tiền Giang, cho biết: “Với những thuận lợi về điều kiện cơ sở vật chất, phong trào TDTT của trường khá sôi nổi. Mỗi năm, trường đều tổ chức các giải thể thao cấp trường từ 4 - 8 môn thi đấu thu hút từ 200 - 400 HS đăng ký tham dự. Qua đó giúp phong trào TDTT của trường phát triển với 3 môn thế mạnh là cầu lông, cờ vua, bơi lội giành được nhiều huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh”.

Trường THPT Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây) được công nhận đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2015 nên cơ sở vật chất tập luyện TDTT được xây dựng bài bản, khang trang. Thầy Châu Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bình cho biết: “Cơ sở vật chất tập luyện TDTT của trường được Sở GD-ĐT đầu tư xây dựng khang trang gồm: 1 nhà đa năng, 2 sân tennis, 1 nhà tập luyện và thi đấu bóng bàn, 2 sân bóng đá. Cùng với những thuận lợi về cơ sở vật chất, để phong trào TDTT phát triển, trường đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) thể thao như: CLB Võ thuật, CLB Bóng bàn, CLB Cầu lông… nhằm thu hút HS tham gia rèn luyện thân thể và tạo thêm sân chơi cho HS đam mê thể thao, có hơn 300 HS tham gia sinh hoạt thường xuyên”.

Với sự đầu tư hợp lý, tại Hội khỏe Phù Đổng năm học 2015 - 2016, Trường THPT Vĩnh Bình giành được 33 huy chương (7 Huy chương Vàng). Ngoài ra, các CLB thể thao của trường còn góp phần phát triển thể thao quần chúng tại địa phương với hơn 100 người đến sinh hoạt, tham gia tập luyện các môn thể thao như: Tennis, bóng bàn, cầu lông,…

Việc phát triển phong trào TDTT tại các trường chưa đạt chuẩn Quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất. Vì nguồn kinh phí xây dựng lớn nên các trường không thể tự chủ trong việc đầu tư xây dựng các công trình. Theo ghi nhận của chúng tôi tại Trường THPT Thủ Khoa Huân (huyện Chợ Gạo), trường chỉ có 1 sân cát “nắng bụi mưa lầy” phục vụ tập luyện bóng đá và điền kinh nên các em HS phải học tập và tập luyện TDTT ngay trên sân bê tông của trường. Tại sân chơi, trường có trang bị thêm các rổ, lưới bóng chuyền để các em có thể tập luyện, vui chơi với môn thể thao yêu thích, nhưng hầu hết các thiết bị trên đều đã cũ kỹ.

Cô Nguyễn Thị Kim Đào, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Khoa Huân (huyện Chợ Gạo), cho biết: “Vì nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tập luyện TDTT rất lớn nên trường không thể tự chủ trong xây dựng. Do thiếu sân bãi nên mỗi khi tổ chức các giải đấu TDTT cấp trường, trường phải thuê sân của tư nhân để các em có thể tham gia thi đấu. Mỗi năm trường chi 100 triệu đồng cho các phong trào TDTT và giáo dục thể chất tại trường như: Sửa chữa trang thiết bị, mua sắm để thay mới thiết bị hư hỏng, tổ chức các giải đấu và đưa HS đi thi đấu ở các giải cấp huyện, tỉnh ”.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Đào, những năm gần đây, trường đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa vận động Hội Phụ huynh HS, cựu HS đóng góp mỗi năm gần 10 triệu đồng, tạo thêm nguồn kinh phí thuê sân bãi để tổ chức các giải thi đấu TDTT cấp trường. Đặc biệt, trường đã được cựu HS ký cam kết hỗ trợ kinh phí xây dựng một sân bóng đá trị giá 370 triệu đồng, hiện trường đang xin chủ trương của Sở GD-ĐT để xây dựng trong thời gian tới. Trường sẽ kiến nghị với UBND huyện Chợ Gạo cho mở rộng diện tích để trường có thêm không gian xây dựng cơ sở vật chất tập luyện TDTT sau này.

Đối với các trường THPT có quỹ đất eo hẹp như Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP. Mỹ Tho) thì còn khó khăn hơn. Trường có diện tích chỉ hơn 3.962 m2. Cô Huỳnh Hữu Thương, Hiệu phó Trường THPT Trần Hưng Đạo, cho biết: “Do diện tích sân chơi ít và phải trưng dụng để xe HS nên không còn khoảng trống để tập luyện TDTT và giáo dục thể chất cho HS. Do không còn quỹ đất để xây dựng thêm nên trường phải mượn Sân vận động tỉnh để có sân cho HS học thể dục. Các phong trào TDTT được trường tổ chức đều đặn nhưng đều phải thuê sân bãi, dẫn đến thành tích TDTT của trường những năm gần đây giảm”.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục Trung học thuộc Sở GD-ĐT, trong tổng số 39 trường THPT trên toàn tỉnh chỉ có 5 trường (chủ yếu là các trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 12,98%) THPT được Sở đầu tư xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ TDTT. Thầy Nguyễn Quang Hải, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT, cho biết: Phong trào TDTT học đường của tỉnh được Bộ GD-ĐT đánh giá cao với các môn thế mạnh như: Bóng đá, Taekwondo, Cầu lông, Đẩy gậy, Điền kinh… Cụ thể, tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX năm 2016 vừa qua, đoàn thể thao HS Tiền Giang xếp hạng 13/63 về tổng số huy chương, hạng 18/63 về điểm hạng phong trào. Để thúc đẩy phong trào TDTT ở các trường học trên toàn tỉnh phát triển, mỗi năm học, Sở GD-ĐT đều tổ chức từ 5 - 7 giải thể thao HS; mỗi 4 năm 1 lần tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh với 15 môn thi đấu.

Cũng theo thầy Nguyễn Quang Hải, các trường THPT trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các nhà đầu tư xây dựng, khai thác các sân tập, nhà tập như nhà thi đấu cầu lông, bóng chuyền hơi, sân bóng đá mini, hồ bơi, bóng bàn… để có thể chủ động trong việc thực hiện xây dựng cơ sở vật chất TDTT. Ban giám hiệu các trường tạo điều kiện về thời gian, phát động nhiều giải đấu, duy trì tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và bài Võ cổ truyền theo quy định; thành lập các CLB các môn thể thao trong nhà trường; khuyến khích, động viên giáo viên cùng tham gia tập để thu hút HS đến với các phong trào TDTT.

PHAN THẮNG

.
.
.