Trung tâm TDTT cấp huyện vẫn còn nhiều khó khăn
Những năm gần đây, phong trào thể dục - thể thao (TDTT) của tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, thi đấu TDTT ở các Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhà thi đấu đa năng huyện Cái Bè có tổng diện tích 7.825 m2 được UBND tỉnh đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng giai đoạn I vào đầu tháng 3-2016. |
CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU
Thời gian qua, thông qua Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào tập luyện TDTT, rèn luyện thân thể trong nhân dân phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Cụ thể, năm 2016 toàn tỉnh đã có 542.024 người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên (chiếm 31%) và có 86.255 hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình thể thao”.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ TDTT ở các trung tâm VH-TT huyện, thị, thành trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Theo ghi nhận của chúng tôi, Trung tâm VH-TT huyện Tân Phước chỉ có cơ sở vật chất phục vụ công tác văn hóa và gần như không có cơ sở vật chất chuyên dụng nào phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu TDTT. Ông Lê Quốc Trạng, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Tân Phước, cho biết: “Trung tâm VH-TT huyện chỉ có các cơ sở vật chất phục vụ công tác văn hóa và không có hạng mục chuyên dụng nào phục vụ TDTT. Dù được UBND huyện quy hoạch đất làm sân vận động (SVĐ) ở xã Phước Lập, nhưng mặt sân chưa đảm bảo nhu cầu chuyên môn nên vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Mỗi khi tổ chức các giải đấu cấp huyện đều phải thuê sân bãi của tư nhân”.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Cái Bè, chia sẻ: “Năm 2014, huyện được UBND tỉnh đầu tư xây dựng Nhà thi đấu đa năng hoàn thành giai đoạn I, đưa vào sử dụng vào đầu tháng 3-2016, phục vụ tập luyện và thi đấu các môn thể thao như: Cầu lông, đá cầu, bóng chuyền hơi, võ thuật... Tuy nhiên, các môn thể thao khác vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có môn bơi lội. Vì huyện chưa có hồ bơi, nên việc tập luyện, thi đấu của các vận động viên (VĐV) được thực hiện trên sông, rất nguy hiểm và không đảm bảo chuyên môn. Khi tham gia các giải cấp tỉnh, trung tâm phải tổ chức cho các VĐV tập luyện ở tỉnh Vĩnh Long để làm quen với hồ bơi tiêu chuẩn”.
Theo quy định tại mục b, khoản 3, Điều 4, Nghị định 112/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, Thể thao, mỗi huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh phải có ít nhất 2 trong các công trình TDTT cấp huyện: SVĐ, bể bơi, nhà tập luyện thể thao. Theo ghi nhận, tại 11 huyện, thị, thành trong tỉnh chỉ có TP. Mỹ Tho đáp ứng được những tiêu chí trên với nhà thi đấu đa năng, 2 hồ bơi và SVĐ. Có 2 đơn vị đáp ứng được 2 tiêu chí Nhà thi đấu đa năng và SVĐ là TX. Gò Công và huyện Cái Bè. Các huyện, thị còn lại chỉ đáp ứng được tiêu chí SVĐ. Trong đó, 2 huyện: Cai Lậy, Tân Phú Đông vẫn chưa có trụ sở Trung tâm VH-TT do huyện mới thành lập.
NGUYÊN NHÂN VÌ SAO?
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các khó khăn về cơ sở vật chất tại các địa phương là do kinh phí xây dựng các hạng mục TDTT (hồ bơi, nhà thi đấu) rất lớn, lên tới hàng chục tỷ đồng nên các địa phương không thể chủ động nguồn kinh phí. Để khắc phục những khó khăn về kinh phí xây dựng, các địa phương như huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho đã đẩy mạnh vận động xã hội hóa (XHH) được hàng tỷ đồng góp phần xây dựng cơ sở vật chất như: Sân tennis, sân cỏ nhân tạo, hồ bơi… Tuy nhiên, công tác XHH trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn còn rất nhiều khó khăn như chia sẻ của ông Lê Quang Trạng: “Vì đời sống của nhân dân của huyện Tân Phước còn nhiều khó khăn và ít doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nên công tác XHH gần như không có nguồn. Ngoài ra, do kinh phí xây dựng cao và khó thu hồi vốn nên các nhà đầu tư tư nhân không mặn mà với việc xây dựng và khai thác các công trình TDTT tại huyện”.
Một khó khăn nữa ảnh hưởng đến việc xây dựng các công trình TDTT ở các huyện là quỹ đất xây dựng ở các địa phương còn hạn chế. Ông Nguyễn Văn Khoa cho biết: “Trong thực hiện công tác XHH, Trung tâm VH-TT huyện Cái Bè vận động được tư nhân hỗ trợ đầu tư xây dựng 2 sân tennis, nhưng do không có quỹ đất nên không thể tiến hành xây dựng công trình”.
Ngoài ra, lực lượng cán bộ TDTT ở các Trung tâm VH-TT huyện còn rất mỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác TDTT ở địa phương. Đơn cử như ở Trung tâm VH-TT huyện Cái Bè với 3 cán bộ phụ trách TDTT, trong đó có 2 cán bộ thuộc Ban Giám đốc, do phải cáng đáng nhiều công việc nên việc thực hiện các công tác thúc đẩy TDTT, tổ chức các giải đấu gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục những khó khăn về nhân sự, các địa phương đã vận động các cộng tác viên TDTT ở các xã, trường học, câu lạc bộ TDTT trên địa bàn hỗ trợ Trung tâm VH-TT các công tác như: Huấn luyện, tổ chức thi đấu, trọng tài…
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, sân bãi, cơ sở vật chất phục vụ cho TDTT ở các huyện, thị, thành và cơ sở mặc dù đã được đầu tư cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn còn rất nhiều thiếu thốn do nguồn kinh phí còn hạn chế. Công tác XHH tuy có bước chuyển biến nhưng vẫn chưa được huy động tốt nguồn lực của xã hội vào lĩnh vực này.
Để cơ sở vật chất TDTT ở các Trung tâm VH-TT huyện, thị, thành ngày càng hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện, thi đấu TDTT toàn tỉnh phát triển, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể và sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng cơ sở vật chất phục vụ TDTT ở các huyện.
PHAN THẮNG