Bóng đá trẻ đang thăng hoa?
Thất bại SEA Games 29 và sự ra đi của huấn luyện viên Hữu Thắng đã phủ một bóng đen lên những thành công đáng nhớ của bóng đá trẻ Việt Nam trong năm 2017.
Sáu đội tuyển Việt Nam giành vé dự các vòng chung kết châu Á trong năm 2017. (Ảnh: VFF) |
1. SEA Games 29 chứng kiến thất bại nặng nề của U22 Việt Nam và huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng. Đội bóng của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh nhận được kỳ vọng cực lớn từ người hâm mộ sẽ lần đầu giải cơn khát vàng SEA Games. Nhưng thất bại 0-3 trước U22 Thái Lan ở lượt trận cuối đã khép lại giấc mơ ấy.
Kết quả này là cú sốc rất lớn cho những người yêu bóng đá Việt Nam bởi lứa Công Phượng là sản phẩm chất lượng nhất từ lò đào tạo trẻ Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, được xây dựng và chuẩn bị chỉ với một mục tiêu duy nhất là vô địch SEA Games. Thất bại của đội bóng vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai là nỗi đau lớn với bầu Đức và bóng đá trẻ Việt Nam.
Nhưng nếu chỉ lấy kết quả ấy mà xét toàn cục bóng đá Việt Nam trong năm 2017 thì thật vô lý. U22 Việt Nam, dù rất quan trọng, cũng chỉ là một trong gần chục đội tuyển quốc gia đã xuất trận.
Thất bại của U22 Việt Nam không che mờ được một sự thật: bóng đá trẻ Việt Nam đã có một năm tuyệt vời. Bởi lần đầu tiên trong lịch sử, sáu đội tuyển Việt Nam khác nhau đã giành vé dự vòng chung kết các giải đấu châu lục. Đó là thành tích chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt.
2. Năm kỳ diệu của bóng đá Việt Nam bắt đầu vào tháng Tư khi đội tuyển nữ giành vé dự vòng chung kết Asian Cup 2018 sau một chiến dịch vòng loại mẫu mực. Đội tuyển đánh bại kình địch Myanmar ở trận cầu quyết định, khép lại bốn trận vòng loại với 27 bàn thắng, lọt lưới duy nhất một lần.
Tuyết Dung (giữa) và đồng đội ăn mừng tấm vé tham dự Asian Cup nữ 2018. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+) |
Đến tháng Bảy, đội bóng Việt Nam thứ hai lọt vào vòng chung kết châu Á chính là U22 Việt Nam. Thất bại 1-2 trước U22 Hàn Quốc ở lượt trận cuối không cản được thầy trò Nguyễn Hữu Thắng. Ít ngày nữa, ông Park Hang-seo sẽ dẫn dắt U23 Việt Nam tới vòng chung kết giải đấu này tại Trung Quốc.
Tới tháng Chín, đến lượt U16 Việt Nam tỏa sáng. Đội bóng của ông Vũ Hồng Việt cũng để thua U16 Australia ở lượt trận cuối nhưng vẫn dự vòng chung kết với tư cách một trong những đội hạng nhì có thành tích tốt nhất.
Tháng 11 vừa qua chứng kiến ba đội tuyển giành vé tới giải châu Á. Đó là Futsal Việt Nam với việc lọt vào bán kết Giải Futsal Đông Nam Á 2017, U19 Việt Nam khi được vào bảng dễ và tuyển Việt Nam sau trận hòa trước Afghanistan.
Như vậy, cả sáu đội tuyển bóng đá Việt Nam dự các giải châu lục trong năm 2017 đều đã vượt qua vòng loại. Đây là kỳ tích rất hiếm khi xuất hiện ở Đông Nam Á, là câu trả lời đanh thép mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) dành cho những kẻ đang chỉ trích họ.
Như tuyên bố mới đây của Tổng thư ký Lê Hoài Anh: “Nhiều người chất vấn chúng tôi rằng bóng đá Việt Nam chỉ có thành tích trẻ, không đáng để quan tâm. Nhưng nếu không có thành tích trẻ, làm sao có đội tuyển quốc gia. Tôi nghĩ 90 tới 95% anh em báo chí đều hiểu chúng tôi đã làm được gì. Những thứ khác, chúng tôi không hề quan tâm.”
Đoàn Văn Hậu là cái tên đặc biệt của bóng đá Việt Nam trong năm 2017 khi đã ra mắt bốn đội tuyển quốc gia trong một năm. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+) |
3. Những chiến công trên của bóng đá Việt Nam đến không hề tình cờ. Đó là sản phẩm của một quá trình thay đổi toàn diện trong chiến lược đào tạo trẻ đã diễn ra suốt những năm qua.
Kể từ năm 2007 tới nay, đã có ít nhất 5 trung tâm đào tạo trẻ mới được thành lập tại Việt Nam. Đó lần lượt là Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Hải Dương (2007), PVF, Hà Nội (2009). Khác với các cơ sở đào tạo theo cơ chế cũ như Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, các đơn vị này hầu hết do tư nhân thành lập. Chỉ trong một thời gian ngắn, những học viện này đã làm thay đổi hoàn toàn hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Bằng chứng tiêu biểu là sự xuất hiện của lứa cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai ở U23 Việt Nam và PVF ở U20 Việt Nam tại World Cup trẻ.
Đồng thời với đó, độ tuổi trung bình của đội tuyển Việt Nam cũng giảm xuống rõ rệt. AFF Cup 2012 chứng kiến tuyển Việt Nam “già” nhất trong lịch sử (26,09 tuổi). Đến năm 2014, con số ấy giảm xuống còn 25,09. Tới năm 2016, tuổi trung bình của đội bóng tiếp tục hạ xuống 24,95. Đỉnh điểm của cuộc cách mạng đến ở trận Việt Nam - Đài Bắc Trung Hoa tháng 3 vừa qua. Độ tuổi trung bình của đội tuyển khi ấy là 23,11 - thấp nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Tuyển Việt Nam ở trận gặp Đài Loan hồi tháng 3 là đội tuyển trẻ nhất trong lịch sử. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+) |
Ở các đội tuyển trẻ, tình hình cũng diễn ra tương tự, U19 Việt Nam dự Giải U19 Đông Nam Á 2013 có hàng loạt cái tên mới 17 tuổi. U23 Việt Nam dự SEA Games 2015 với nòng cốt là những tài năng trẻ 20 tuổi. Việc các cầu thủ trẻ sớm được đôn lên đội tuyển giúp họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn và trưởng thành nhanh hơn. Nó cũng là bằng chứng cho thấy đào tạo trẻ Việt Nam đang tiến bộ, đủ sức cung cấp các tài năng ít tuổi cho đội tuyển quốc gia.
Bức tranh ấy báo hiệu những tín hiệu vui với bóng đá Việt Nam trong tương lai không xa.
(Theo https://www.vietnamplus.vn/cac-doi-tuyen-that-bai-nhung-bong-da-tre-dang-thang-hoa/482324.vnp