Nhiều cái khó với môn Karatedo
Dù là môn thể thao Olympic và được tổ chức thi đấu ở nhiều sự kiện thể thao lớn trong nước và quốc tế, nhưng phong trào tập luyện Karatedo ở Tiền Giang vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế.
Karatedo thu hút người tập với các đòn thế tay dứt khoát, mạnh mẽ. |
Karatedo là môn võ truyền thống Nhật Bản. Môn võ này bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và xuất hiện ở Tiền Giang hơn 20 năm qua. Karatedo thu hút nhiều người tham gia tập luyện với nghệ thuật chiến đấu tay không với các đòn đặc trưng như đấm, đá, cú đánh cùi chỏ, đầu gối với các kỹ thuật đấm móc, đấm đá liên hoàn…
Võ sinh Minh Đức (xã Long Hưng, huyện Châu Thành) cho biết: “Tôi đã tham gia tập luyện Karatedo hơn 2 năm. Tôi chọn tập môn võ này vì yêu thích các đòn đánh dứt khoát, mạnh mẽ. Ngoài ra, tập luyện Karate còn giúp tôi rèn luyện sự nhanh nhẹn và tập trung thông qua các động tác của môn võ”.
Mặc dù vậy, việc phát triển phong trào tập luyện Karatedo ở Tiền Giang vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê của Hội Karatedo tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 12 Câu lạc bộ (CLB) Karatedo phân bố ở các địa phương gồm: TX. Cai Lậy (4 CLB), huyện Cai Lậy (2 CLB), Châu Thành (2 CLB), Tân Phước (2 CLB), TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công mỗi nơi 1 CLB, với khoảng 600 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Phong trào phát triển chủ yếu ở khu vực Cai Lậy với 320 học viên.
Thống kê trên cho thấy, số lượng CLB và người tham gia tập luyện Karatedo vẫn còn khá khiêm tốn so với các môn võ khác trên địa bàn tỉnh như Teakwondo (khoảng hơn 4.000 võ sinh), Vovinam (3.000 võ sinh)…
Đây là dấu hiệu đáng lo vì Karatedo là môn thể thao Olympic được chọn thi đấu chính thức ở các kỳ Đại hội Thể dục - Thể thao (TDTT) trong nước và quốc tế. Vì sao một môn thể thao quan trọng như thế lại có ít người tham gia tập luyện?
Theo huấn luyện viên (HLV) Đặng Dương Vũ, người đang phụ trách các CLB Karatedo huyện Châu Thành, cho biết: “Hiện tại, 2 CLB Karatedo (xã Long Hưng, xã Đông Hòa) do tôi phụ trách huấn luyện có hơn 150 võ sinh tham gia tập luyện. So với những môn võ khác, việc tuyển sinh cho môn Karatedo khó khăn hơn nhiều.
Tính trung bình mỗi CLB mỗi tháng chỉ phát triển thêm được 2 võ sinh. Theo tôi, việc Karatedo có ít võ sinh tham gia tập luyện là do việc tổ chức và phát triển thêm các CLB mới gặp rất nhiều khó khăn, do vẫn chưa có nhiều HLV hướng dẫn môn võ này. Dù theo quy định, các võ sinh đạt trình độ nhị đẳng và 20 tuổi trở lên có thể phụ trách một lớp võ mới, nhưng ở độ tuổi này các em vẫn chưa có đủ kinh nghiệm để đảm nhận công tác huấn luyện”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Karatedo tỉnh Lê Quốc Tuấn, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển phong trào Karatedo trên địa bàn tỉnh hiện nay là con người. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ có 6 HLV đáp ứng đủ yêu cầu huấn luyện môn Karatedo chuyên nghiệp. Do đó, việc phát triển thêm các CLB mới là điều rất khó khăn, vì hiện tại có nhiều HLV đang phụ trách cùng lúc nhiều CLB.
Nhằm duy trì phát triển môn võ này, hằng năm Hội Karatedo tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu (HL-TĐ) TDTT tỉnh, Liên đoàn Võ thuật tỉnh tổ chức đều đặn các kỳ thi thăng đai, thăng đẳng, cùng nhiều giải đấu cấp tỉnh.
Đặc biệt, đầu năm 2018, Hội đã tổ chức thành công Giải Karatedo Tiền Giang mở rộng với hơn 150 vận động viên đến từ các tỉnh Long An, Bến Tre, Vĩnh Long tham gia thi đấu thu hút rất đông khán giả đến theo dõi và cổ vũ. Qua đó góp phần quảng bá môn võ này đến với mọi người.
Do Đội tuyển Karatedo cấp tỉnh vẫn chưa được thành lập, nên ở các giải đấu khu vực hoặc các giải mở rộng đều do Đội Karatedo TX. Cai Lậy đại diện tỉnh tham gia thi đấu.
Tính từ năm 2013 đến nay, các vận động viên TX. Cai Lậy đã mang về cho võ thuật nói riêng và thể thao tỉnh nhà nói chung rất nhiều huy chương, cụ thể: Đội đã đoạt 3 Huy chương Vàng (HCV), 3 Huy chương Bạc (HCB), 15 Huy chương Đồng (HCĐ) tại Đại hội TDTT Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V, VI, VII; 12 HCV cùng nhiều HCB và HCĐ tại Giải Karatedo Bến Tre mở rộng từ năm 2013 - 2017.
Đây là kết quả rất đáng khích lệ cho tinh thần vượt khó của các HLV, vận động viên vì điều kiện tập luyện vẫn còn rất khó khăn. Phó Chủ tịch Hội Karatedo tỉnh Lê Quốc Tuấn cho biết: “Đặc thù của Karatedo khi tập luyện chuyên nghiệp cần phải có thảm mút.
Mặc dù chi phí đầu tư thảm rất cao (hàng chục triệu đồng) nhưng có nhiều HLV tâm huyết đã đầu tư từ chính tiền của mình để phát triển phong trào và phát triển lực lượng vận động viên”.
Về nguyên nhân chưa thể thành lập Đội tuyển Karatedo tuyến tỉnh, Tổng Thư ký Liên đoàn Võ thuật tỉnh Lê Huy Hoàng cho biết, năm 2013, Liên đoàn và Trung tâm HL-TĐ TDTT tỉnh đã có ý định thành lập và phát triển Đội tuyển Karatedo tỉnh và các tuyến đào tạo môn võ này.
Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ thì môn võ này vẫn chưa đủ điều kiện để thành lập đội tuyển, do số người tập luyện còn ít, chưa thể đáp ứng được nguồn vận động viên năng khiếu, vận động viên thành tích cao để bảo đảm công tác huấn luyện, thi đấu. Mặt khác, lực lượng HLV cũng còn ít, chưa thể đáp ứng nhu cầu đào tạo huấn luyện.
Nếu sử dụng các HLV hiện tại cho công tác đào tạo của đội tuyển thì sẽ không còn HLV bảo đảm công tác phát triển phong trào ở các địa phương. Hiện tại, Karatedo và các môn võ khác vẫn còn một khó khăn chung nữa là theo quy định mới phần lớn các CLB võ thuật đều không thể sử dụng sân bãi ở các trường học để làm nơi tập luyện thi đấu.
PHAN THẮNG