Xu hướng chiến thuật tại Ngoại hạng Anh: Kiểm soát bóng, cần hay không?
Giữ bóng dĩ nhiên là để chơi bóng. Nhưng ngược lại, bạn không nhất thiết phải chơi bóng bằng cách giữ bóng. Số liệu thống kê của Opta cho thấy một thay đổi lớn về việc giữ (hoặc không giữ) bóng ở Premier League mùa này. Nên kết luận như thế nào?
Chênh lệch nhất trong lịch sử
Nhìn lại mùa bóng vừa kết thúc ở Premier League, người ta đếm được 63 trận đấu mà một trong hai đội trên sân kiểm soát bóng ở tỷ lệ 70% trở lên. Hãy so sánh: chỉ có 36 trận như thế trong mùa bóng trước, và chỉ có... 3 trận như thế trong suốt 3 mùa đầu tiên kể từ khi hãng Opta thống kê chỉ số này (các mùa 2003/04, 2004/05, 2005/06).
Manchester City là đội giữ bóng nhiều nhất mùa này. Ở trận gặp Swansea tại sân nhà, Man xanh lập kỷ lục giữ bóng 82,95%. Trận đấu tiếp theo có chênh lệch lớn về tỷ lệ giữ bóng cũng thuộc về Man City (gặp Everton).
Tổng cộng, đội bóng của Pep Guardiola có 26 trận giữ bóng từ 70% trở lên. Không khó lý giải: đấy là cách chơi dựa vào triết lý của HLV Guardiola, chưa kể Man City đủ giàu để quy tụ một lực lượng ưng ý hòng triển khai cách chơi của Pep một cách dễ dàng. Nhưng đấy chưa phải là toàn bộ vấn đề.
Bỏ qua tất cả các trận của Man City, vẫn còn đến 37 trận có đội giữ bóng từ 70% trở lên - nghĩa là vẫn cao hơn toàn bộ số trận như thế ở mùa bóng trước. Làm sao có thể ngờ rằng đội Huddersfield, chỉ mới góp mặt lần đầu trong kỷ nguyên Premier League, vẫn kiểm soát bóng đến 81,2% trong trận gặp Swansea?
Chưa bao giờ Premier League có nhiều trận đấu chênh lệch hẳn về tỷ lệ giữ bóng như mùa này. Nhiều người xem đấy là một xu hướng chiến thuật. Mặt khác, bóng đá đỉnh cao xưa nay vẫn hay có tình trạng rập khuôn cách chơi của đội thành công.
Từ rất lâu trước khi chính thức đăng quang, Man City đã tỏ ra quá mạnh, quá hay với lối chơi ưu việt mà Pep Guardiola xây dựng. Nếu như không ai muốn chơi như thế thì đấy mới là chuyện lạ.
Thật ra, số liệu thống kê về tỷ lệ giữ bóng quá chênh lệch trong các trận đấu ở Premier League nói lên điều gì, cũng không dễ thống nhất kết luận.
Hãy thử nhìn vào khía cạnh ngược lại: chưa bao giờ Premier League có nhiều đội... ít giữ bóng như hiện nay. Có đến 63 trận mà một trong hai đội trên sân chỉ kiểm soát bóng ở tỷ lệ dưới 30%. Vâng, tỷ lệ không giữ bóng của bên này chính là tỷ lệ giữ bóng của bên kia. Chuyện... không giữ bóng nói lên điều gì?
Bóng đá trở thành... bóng ném?
Với Chelsea của HLV Antonio Conte, đấy là cách “chơi bài ngửa”. Chẳng có gì là bí mật, phải giấu giếm, khi Chelsea tỏ rõ trong suốt trận gặp Man City trên sân đối phương: họ... không muốn chơi bóng. Hoặc, cách chơi bóng tốt nhất của họ là làm mọi cách để... không phải chơi bóng. Không chơi thì sẽ... không thua - đấy cũng là một triết lý.
Chelsea thuộc trường phái không thích cầm nhiều bóng. |
Tổng quát hơn, có rất nhiều trường hợp người ta giữ bóng thật ít chẳng phải vì không có khả năng giữ bóng, mà là chủ động nhường hẳn quyền giữ bóng cho đối phương.
Đây thật ra đã là quan điểm nổi tiếng của HLV Jose Mourinho, từng được khen ngợi những lúc ông thành công (mà M.U của Mourinho trong mùa bóng này cũng đâu đến nỗi thất bại).
Quan điểm của Mourinho là giữ bóng càng ít thì sẽ mất bóng càng ít. Mà Mourinho chỉ sợ cầu thủ của ông mất bóng một cách bất ngờ, chứ chẳng bao giờ sợ tình trạng quả bóng thường xuyên nằm trong chân đối phương. Tình huống chính mình mất bóng mới nguy hiểm - Mourinho rất có lý.
Nhưng tất nhiên, không phải ai cũng nghĩ thế. HLV Juergen Klopp của Liverpool lý giải: khi một đội cố phòng thủ chặt, chấp nhận cho đối phương giữ bóng nhiều, cơ hội ghi bàn sẽ giảm hẳn so với các trận đấu mở.
Lúc ấy, sự xuất hiện của bàn thắng sẽ có tính ngẫu nhiên cao hơn, giống như kết quả xổ số vậy. Mặt khác, ai cũng hy vọng rằng hễ cơ hội không nhiều thì khả năng ghi bàn của đối phương không cao - bất kể họ giữ bóng bao nhiêu.
Riết rồi xuất hiện tình trạng nhiều đội chỉ lo dồn người trấn giữ khu cấm địa. Khi có cơ hội, họ sẽ đưa quả bóng về phía tiền đạo theo con đường nhanh nhất, bỏ qua việc thi đấu ở khu giữa sân. Và trận đấu trở thành... bóng ném, như cách bình luận của không ít cây bút quen thuộc?
Thật ra, chẳng bao giờ bóng đá đơn giản như vậy. Chênh lệch thế nào đi nữa, thì đấy vẫn chỉ là vấn đề đối kháng, trong môn chơi việc phòng thủ cũng quan trọng chẳng kém việc tấn công.
(Theo bongdaplus.vn)