Thứ Sáu, 10/08/2018, 09:26 (GMT+7)
.

Olympic Việt Nam không được phép chủ quan

Tuy chỉ là giải đấu giao hữu để chuẩn bị cho ASIAD 2018 sẽ khởi tranh vào ngày 14-8 sắp tới, nhưng Giải Bóng đá quốc tế U23 - Cúp Vinaphone 2018 vừa qua đã giúp cho Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để có thể giúp cho Đội tuyển Bóng đá Olympic Việt Nam (gọi tắt là Olympic Việt Nam) trở nên mạnh hơn.

Dù có bước chạy đà hoàn hảo, nhưng các cầu thủ Olympic Việt Nam không được phép chủ quan. 	                                                                                          	                                                                                                                                                                                    Ảnh: GOAL.com
Dù có bước chạy đà hoàn hảo, nhưng các cầu thủ Olympic Việt Nam không được phép chủ quan. Ảnh: GOAL.com

CÒN NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN CẢI THIỆN

Dù Vô địch Giải Bóng đá quốc tế U23 - Cúp Vinaphone 2018 trước 1 vòng đấu và không để thua trận nào, nhưng lối chơi của Olympic Việt Nam vẫn cho thấy nhiều điểm cần phải cải thiện.

Về hàng công, với sự xuất hiện của Anh Đức, hàng công của Olympic Việt Nam đã được tăng cường thêm sức mạnh. Anh Đức phối hợp với Quang Hải, Công Phượng, 2 cầu thủ đang có phong độ tốt ở 2 cánh, đã khiến cho hàng phòng ngự của các đối thủ gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì các phương án tấn công của Olympic Việt Nam chưa thực sự đa dạng. Các miếng tấn công đa phần được phát triển ở cánh rồi được các tiền đạo cánh đột phá chuyền thấp vào trong cho tiền đạo cắm hoặc các cầu thủ tuyến hai lao lên dứt điểm.

Cách tấn công này đã tạo nên ít nhiều khó khăn cho hàng phòng ngự của Palestine. Thế nhưng, khi gặp phải hàng phòng ngự chắc chắn và có tốc độ tốt như Oman và Uzbekistan, lối chơi này đã cho thấy sự bế tắc.

Không biết HLV Park Hang-seo có giấu bài hay không, nhưng ở một giải đấu giao hữu, các đối thủ thi đấu không quá “rát”, mà hàng công của Olympic Việt Nam không triển khai được nhiều mảng miếng tấn công là điều rất đáng lưu tâm.

Việc bố trí hàng tiền vệ chưa thực sự tối ưu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “đơn điệu” trên hàng công của Olympic Việt Nam.

HLV người Hàn Quốc đã thử nghiệm 3 phương án ở khu vực trung tuyến, nhưng chỉ có hàng tiền vệ 3 người với Văn Quyết, Xuân Trường và Hùng Dũng trong trận gặp Uzbekistan là mang lại sự an tâm nhất.

Bộ ba này hội tụ đủ các phẩm chất để vừa có thể tổ chức, phát động tấn công và tham gia phòng ngự. Tuy nhiên, ở trận đầu ra quân, sự phối hợp giữa Xuân Trường và Văn Quyết trong hàng tiền vệ 4 người của sơ đồ 3-4-3 ở trận gặp Palestine đã cho thấy hạn chế.

Xuân Trường và Văn Quyết đã giẫm chân lên nhau trong vai trò tổ chức và phát động tấn công, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai các phương án tấn công.

Mặt khác, Văn Quyết giúp tăng thêm sức mạnh cho hàng công, nhưng ở khâu hỗ trợ phòng ngự lại tỏ ra yếu thế, bởi Xuân Trường không thuộc típ cầu thủ có lối chơi càn quét. Chắc chắn HLV Park Hang-seo đã nhận ra điểm hạn chế này.

Ở hàng phòng ngự, các hậu vệ trụ cột như: Đình Trọng, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Văn Hậu… vẫn thi đấu rất tốt với thế trận kín kẽ đã thể hiện ở Giải Vô địch bóng đá U23 châu Á.

Tuy nhiên, Olympic Việt Nam cần phải tìm ra cách hạn chế các đường tấn công bóng bổng của đối thủ, điều này cho thấy ở cả hai bàn thua tại giải giao hữu vừa qua đều đến từ những pha bóng bổng.

Nên nhớ rằng, ở vòng bảng ASIAD sắp tới, các đối thủ của Olympic Việt Nam là Pakistan, Nepal và Nhật Bản đều là những đội bóng có thể hình nhỉnh hơn các cầu thủ của chúng ta rất nhiều.

KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN

Trong 3 đối thủ của Olympic Việt Nam ở vòng bảng, Nhật Bản là đối thủ nặng ký nhất và cũng là ứng cử viên hàng đầu cho 1 trong 2 tấm vé đi tiếp của bảng D.

Theo danh sách được Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản công bố, Olympic Nhật Bản tham gia ASIAD với các cầu thủ ở lứa tuổi U21 (trong đó có tới 6 cầu thủ sinh viên) và không có cầu thủ nào trên 23 tuổi.

Tuy nhiên, không nên vì vậy mà xem nhẹ đội bóng Đông Á; bởi đây là lứa cầu thủ đã giành chức Vô địch U19 châu Á năm 2016. Bên cạnh đó, đội hình của Nhật Bản vẫn có chất lượng chuyên môn rất cao, với phần lớn các cầu thủ đang thi đấu ở J-League 1 và J-League 2.

Chiếc vé đi tiếp chính thức còn lại sẽ  là cuộc cạnh tranh của Olympic Việt Nam với các đối thủ Olympic Nepal và Olympic Pakistan. ASIAD 2018 là giải đấu chính thức đầu tiên của bóng đá Pakistan sau 3 năm nhận án phạt cấm thi đấu quốc tế của FIFA, nên quyết tâm của họ ở giải đấu này là rất lớn.

Để chuẩn bị cho giải đấu, Olympic Pakistan đã có chuyến tập huấn khá tốt với 2 trận thắng, 2 trận hòa và 1 trận thua. Về đội hình, bên cạnh các cầu thủ trẻ đang thi đấu trong nước, Olympic Pakistan còn có sự góp mặt của các cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài như: Đan Mạch, Australia…, nhưng đây đều là những cầu thủ không mấy tên tuổi.

Olympic Nepal chính là ẩn số của bảng D ở ASIAD 2018, do đội bóng này không mấy nổi bật trên đấu trường châu lục và quốc tế trong nhiều năm qua. Đội hình của Olympic Nepal có chất lượng chuyên môn không quá cao, với đa phần các cầu thủ đang thi đấu trong nước.

Dù trong đội hình có 3 cầu thủ đang thi đấu ở Câu lạc bộ Marbella United (Tây Ban Nha) nhưng trình độ chuyên môn của các cầu thủ này cũng không cao, do đây chỉ là câu lạc bộ nghiệp dư. Đặc biệt, cả Olympic Nepal và Olympic Pakistan vẫn chưa có lần nào vượt qua được vòng bảng ở các kỳ ASIAD.

Với những gì đã thể hiện ở đấu trường châu lục và quốc tế trong những năm gần đây, Olympic Việt Nam được đánh giá cao hơn Pakistan và Nepal rất nhiều.

Bên cạnh đó, theo quy định của ASIAD 2018, ngoài 2 tấm vé đi tiếp dành cho 2 đội dẫn đầu của mỗi bảng đấu, còn có 4 tấm vé dành cho các đội đứng thứ ba bảng đấu có thành tích tốt nhất.

Vì thế, cánh cửa đi tiếp dành cho Olympic Việt Nam là rất rộng. Tuy nhiên, các cầu thủ của Olympic Việt Nam không nên chủ quan, vì việc phải đối đầu với các cầu thủ đến từ khu vực Tây, Nam Á chưa bao giờ là việc dễ dàng đối với bóng đá Việt Nam.

HLV Park Hang-seo và các học trò sẽ khó triển khai lối chơi của mình, do đây là các đối thủ có thể hình và thể lực tốt hơn Việt Nam rất nhiều. Bên cạnh đó, Olympic Nepal và Olympic Pakistan đều có sự chuẩn bị rất kỹ cho giải đấu sắp tới, với các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài trước thềm giải đấu.

Trong đó, Olympic Nepal còn mời chuyên gia thể lực của quân đội Mỹ để nâng cao thể lực cho các cầu thủ. Với lịch thi đấu có độ khó tăng dần (lần lượt Pakistan, Nepal, Nhật Bản), “thầy Park” và các học trò cần phải thi đấu tập trung, không được chủ quan và phải luôn “giữ đôi chân mình trên mặt đất” nếu không muốn rơi vào thế khó.

PHAN THẮNG (tổng hợp)

.
.
.