Thứ Năm, 30/08/2018, 22:32 (GMT+7)
.

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam: Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ

Mặc dù còn có những cuộc thi đấu chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ, song đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu thành tích được giao trước giờ lên đường.

Đó là đánh giá của Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 2018 Trần Đức Phấn trong sáng 30-8, sau khi toàn đoàn đã cơ bản hoàn thành chương trình thi đấu tại đại hội.

Trần Đình Nam giành huy chương vàng thứ tư cho đoàn thể thao Việt Nam. (Ảnh: Trọng Tuệ-Phúc Hưng/TTXVN)
Trần Đình Nam giành huy chương vàng thứ tư cho đoàn thể thao Việt Nam. (Ảnh: Trọng Tuệ-Phúc Hưng/TTXVN)

Với việc giành được 4 huy chương vàng, đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu thành tích được giao trong hành trình chinh phục sân chơi lớn nhất của thể thao châu lục.

“Thành tích nào cũng đáng khâm phục, tấm huy chương nào ở đấu trường ASIAD cũng đều quý giá với Thể thao Việt Nam, song điểm sáng nhất chính là tấm huy chương vàng nội dung nhảy xa mà vận động viên Bùi Thị Thu Thảo giành được ở môn điền kinh. Đây là cột mốc lịch sử".

"Lần đầu tiên Thể thao Việt Nam giành được huy chương vàng ở môn điền kinh - một trong hai môn thể thao Olympic cơ bản và đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của Thể thao Việt Nam trong các cuộc thi đấu ở sân chơi này” - Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn mở đầu bằng những đánh giá như vậy trong cuộc gặp gỡ báo giới vào sáng 30-8.

“Đoàn Thể thao Việt Nam cũng đã giành được huy chương vàng môn rowing, 2 huy chương vàng môn Pencak Silat và nhiều thành tích đáng chú ý ở các môn thể thao khác".

"Những người làm công tác chuyên môn rất vui mừng với thành tích nói trên và đánh giá cao nỗ lực của toàn bộ các thành viên trong suốt quá trình thi đấu" - Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết.

Pencak Silat giành 2 HCV tại ASIAD 2018. (Ảnh: Trọng Tuệ-Phúc Hưng/TTXVN)
Pencak Silat giành 2 HCV tại ASIAD 2018. (Ảnh: Trọng Tuệ-Phúc Hưng/TTXVN)

"Đánh giá dưới góc độ chỉ tiêu, đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ giành ít nhất 3 huy chương vàng đã đề ra trước ngày lên đường và sau kỳ đại hội này cũng đem đến cho những người làm công tác chuyên môn những đánh giá chính xác nhất về năng lực của Thể thao Việt Nam để có những điều chỉnh phù hợp nhằm chuẩn bị tốt hơn cho tương lai."

Đoàn Thể thao Việt Nam đã tạo nên dấu ấn đặc biệt và cho thấy sự tiến bộ nhất định về thành tích ở đấu trường châu lục, song điều đó không đồng nghĩa với việc tất cả đều đã hoàn hảo.

Vẫn còn những cuộc thi đấu không thành công, những niềm hy vọng chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và cả những điều còn tiếc nuối.

Trải qua phần thi đấu tại đại hội, quá nửa số tuyển thủ nằm trong nhóm 12 gương mặt nhận được kỳ vọng lớn nhất tranh chấp huy chương không đạt thành tích như mong muốn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của vị Trưởng đoàn, hãy dành cho họ sự cảm thông, chia sẻ và điều quan trọng là Thể thao Việt Nam cần rút ra được bài học gì để tiếp tục đứng lên sau thất bại.

"Những gương mặt đáng chú ý như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, cuarơ Nguyễn Thị Thật và một số gương mặt nằm trong nhóm trọng điểm đặc biệt đã thi đấu không thành công và đây chính là những điều khiến người hâm mộ không hài lòng".

"Cá nhân tôi theo dõi qua các cuộc thi đấu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại chính là yếu tố tâm lý và năng lực vận động viên chưa đáp ứng được yêu cầu tranh chấp huy chương, đặc biệt là huy chương vàng."

"Trong cuộc thi đấu ở ASIAD, có rất nhiều vận động viên giỏi của nhiều quốc gia khác nhau, trong khi trình độ của đa số vận động viên Việt Nam chỉ ngang bằng hoặc kém hơn một chút, vì thế, trạng thái tâm lý xuất hiện và làm ảnh hưởng đến thành tích thi đấu chung cuộc".

"Dù vậy, với các tuyển thủ, tất cả họ đã đều nỗ lực hết mình, bởi chính họ là người muốn giành chiến thắng hơn tất cả" - theo chia sẻ của ông Trần Đức Phấn.

Rất nhiều bài học đã được những người làm công tác chuyên môn của Thể thao Việt Nam rút ra sau các cuộc thi đấu kể cả khi ASIAD chưa chính thức khép lại.

Trong đó, công tác chuẩn bị chuyên môn, đánh giá và phân loại trình độ, năng lực của vận động viên sau cuộc thi đấu cụ thể trên đất Indonesia sẽ tiếp tục được mổ xẻ để giúp ngành thể thao có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế để tiếp tục chinh phục các sân chơi lớn.

Thể thao Việt Nam hiện có khoảng 70 vận động viên được đầu tư theo hướng trọng điểm nhằm làm nhiệm vụ ở ba đấu trường là SEA Games, ASIAD và Olympic song qua thi đấu thực tế, số vận động viên có đủ khả năng tranh chấp huy chương vàng từ cấp độ ASIAD trở đi là rất hạn chế.

Sau chu kỳ 4 năm tới đây đến ASIAD 2022 hay gần hơn là đến Olympic 2020, Thể thao Việt Nam cần phải làm gì để giành được thành tích cao hơn, đây là bài toán cực kỳ hóc búa và cần có lời giải ngay từ thời điểm này.

"Thể thao Việt Nam cần được tiếp tục sàng lọc và phân loại về vận động viên trọng điểm, môn thể thao trọng điểm để đầu tư. Chúng ta sẽ phân loại rõ, môn nào, vận động viên nào có thể tranh chấp huy chương ASIAD, Olympic thì sẽ tập trung tối đa nguồn lực".

"Còn lại nếu trình độ chỉ ở tầm khu vực thì sẽ được tính toán lại, bởi hiện nay, nguồn lực của Thể thao Việt Nam không có nhiều và nếu tiếp tục dàn trải sẽ không tạo được đột phá" - theo nhận định của ông Trần Đức Phấn.

(Theo TTXVN)

.
.
.