Cần công bằng trong cổ vũ thể thao
Tại ASIAD 2018, Đoàn Thể thao Việt Nam thành công vượt mục tiêu ban đầu đặt ra. Các vận động viên (VĐV) cũng đã nhận được sự cổ vũ tinh thần rất lớn từ người hâm mộ.
Đoàn Thể thao Việt Nam đã đoạt 4 Huy chương Vàng (HCV), 16 Huy chương Bạc (HCB), 18 |Huy chương Đồng (HCĐ) và đứng hạng thứ 17/45 tại ASIAD 2018. Thành công của Đoàn Thể thao Việt Nam đến từ những bất ngờ lớn ở các môn thi đấu: Rowing (chèo thuyền), Nhảy xa và Pencak silat. Trong đó, Rowing và Nhảy xa là 2 môn thể thao Olympic mà Việt Nam chưa giành được HCV nào ở các sân chơi châu lục trước đây.
Cần cổ vũ thể thao với sự công bằng và tinh thần cởi mở. ảnh: Vietnamnet |
Đặc biệt, Rowing là môn thể thao giải “cơn khát vàng” cho thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018, với “kỳ tích” tuyệt vời của 4 VĐV Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo. Dù là môn thể thao Olympic nhưng Rowing vẫn là môn thể thao còn khá xa lạ với đa số người hâm mộ thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, các VĐV đội tuyển Rowing của Việt Nam đã làm nên “kỳ tích” và trở thành những người hùng, khi thi đấu thành công và đoạt được HCV.
HCV Rowing đã truyền cảm hứng cho các VĐV ở những môn thể thao còn lại quyết tâm thi đấu và gặt hái được thêm 3 HCV nữa ở môn Nhảy xa và Pencak silat. Trong đó, HCV ở môn Nhảy xa của VĐV Bùi Thị Thu Thảo là tấm HCV đầu tiên ở bộ môn Điền kinh mà thể thao Việt Nam có được ở đấu trường ASIAD. Qua những thành tích trên cho thấy, các VĐV ở những môn thể thao trên đã nỗ lực rất lớn. Trong khi những môn thể thao khác như: Bắn súng, Cử tạ, Bơi lội... được nhiều cổ động viên quan tâm và cổ vũ nhưng đã không có được thành tích như mong muốn, nên sự nỗ lực ấy càng đáng trân quý biết chừng nào.
Tuy nhiên, có một thực tế “không vui” là dù đạt được thành tích cao nhưng các VĐV đoạt HCV tại ASIAD lại không nhận được sự chào đón và chúc mừng tương xứng với thành tích mà họ đã đạt được từ người hâm mộ. Tất nhiên không thể so sánh Rowing, Pencak silat, Điền kinh với Bóng đá - môn thể thao có hàng chục triệu người hâm mộ trên cả nước. Nhưng khi chứng kiến các đồng đội ở Đội tuyển Bóng đá nam Olympic của Việt Nam về nước bằng chuyên cơ và được tổ chức lễ đón ở sân khấu lớn với hàng ngàn người hâm mộ chờ đón, chắc hẳn đã gợi cho những VĐV đạt thành tích ở ASIAD 2018 ít nhiều suy nghĩ như những dòng chia sẻ “chua xót” của VĐV Điền kinh Quách Công Lịch trên mạng xã hội: “Vua” (bóng đá) vẫn là “Vua”, còn “Nữ hoàng” (điền kinh) dù có “vàng” thì vẫn thua “Vua” thôi”.
Tất nhiên không thể trách người hâm mộ khi thờ ơ với môn thể thao này mà lại quan tâm đặc biệt tới môn thể thao khác, vì mỗi người đều có sở thích riêng. Nhưng bài toán đặt ra ở đây thuộc về những nhà quản lý thể thao. Nên chăng các nhà quản lý thể thao cần phải thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu tốt hơn để người hâm mộ có thể biết rõ về những môn thể thao và các VĐV đã đạt được thành tích. Qua đó, sẽ thu hút được sự quan tâm, cổ vũ từ người hâm mộ đến môn thể thao hoặc VĐV đó hơn trong những giải đấu tiếp theo.
Ngoài ra, hiện nay vẫn còn một số ít người hâm mộ còn quá ích kỷ. Cụ thể như ở hành trình của Đội tuyển Bóng đá nam Olympic Việt Nam ở ASIAD 2018 đã nhận được rất nhiều lời cổ vũ, biểu dương từ người hâm mộ mỗi khi đội giành chiến thắng. Tuy nhiên, khi đội tuyển thất bại ở 2 trận đấu cuối thì đã có không ít cổ động viên chỉ trích các cầu thủ và ban huấn luyện đội bóng trên mạng xã hội. Dẫu biết rằng những điều trên xuất phát từ cảm xúc không vui của người hâm mộ khi đội bóng mình yêu quý phải nhận thất bại, tuy nhiên việc bộc lộ cảm xúc của mình một cách tiêu cực như thế là ích kỷ. Thể thao đi liền với thành tích. Ranh giới giữa chiến thắng và thất bại trong thể thao rất mong manh. Vì thế, người hâm mộ cần phải cổ vũ cho đội tuyển mình yêu quý cũng như các bộ môn thể thao thi đấu với sự công bằng và tinh thần cởi mở nhất, kể cả khi thành công hay thất bại. Vì khi thất bại cũng chính là lúc các VĐV cần sự cổ vũ, động viên từ người hâm mộ để họ có thể tiếp tục tự tin tập luyện vươn tới những tầm cao mới, thay vì phải nhận những lời chỉ trích.
PHAN THẮNG