Ngoại hạng Anh: Đại gia phải có thủ môn biết 'chơi bóng'
Thủ môn không chỉ bắt hoặc phá bóng, mà còn phải biết “chơi bóng”, theo nghĩa chuyền ngắn, phối hợp với đồng đội. Quan điểm này đã có từ thời xa xưa. Điều đáng nói là, nó đã trở thành mốt “thượng lưu” ở Premier League trong mùa bóng này.
Cả một lịch sử về thủ môn... chơi bóng
Ngày xưa, thủ môn Gyula Grosics của “đội bóng vàng” Hungary đã gây ấn tượng sâu đậm bằng đặc điểm “không chỉ bắt bóng”. Nhưng người ta chỉ đơn giản xem đấy là một đặc điểm thú vị. Đến khi Johan Cruyff cổ súy Jan Jongbloed - một thủ môn không phải là hàng đầu ở Hà Lan nhưng lại giỏi phối hợp với hậu vệ, thì đấy cũng chỉ là một trong các quan điểm riêng mà thôi. Chẳng ai xem đấy là một cách chơi đáng được nhân rộng.
Không phải Hà Lan, Tây Ban Nha hay Cruyff, Pep Guardiola. Ngày xưa, Italia mới là nền bóng đá nổi tiếng nhất về đặc điểm thủ môn thường xuyên chuyền ngắn. Hầu hết thủ môn trong làng bóng Italia ngày xưa thường chỉ chuyền bóng cho hậu vệ gần nhất vì như thế thì chắc chắn là không mất bóng - khác hẳn những quả phát dài không biết rút cuộc quả bóng sẽ thuộc về ai. Ngược lại, thủ môn Anh ngày xưa thường chỉ chuyền dài. Đấy là vấn đề trường phái.
Có hai cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển bóng đá, liên quan đến cách chơi bóng của thủ môn. Ban đầu, thủ môn hầu như “muốn làm gì thì làm” khi giữ bóng. Kể từ thập niên 1960, giới làm luật thường xuyên thay đổi quy định, hòng buộc thủ môn nhanh chóng đưa bóng vào cuộc (luật “4 bước”, luật “6 giây” chẳng hạn). Thủ môn từ đó buộc phải chọn giải pháp nhanh hơn, đồng đội của anh ta nhanh chóng sẵn sàng cho tình huống tiếp theo. Cột mốc thứ hai mới thật sự quan trọng: từ năm 1992, người ta cấm thủ môn dùng tay bắt bóng khi đồng đội dùng chân chuyền về. Tình huống chuyền về rất phổ biến trong môn bóng đá. Vậy nên, yêu cầu thủ môn “chơi bóng bằng chân” chỉ thật sự trở nên quan trọng, trong mọi trường phái, từ sau năm 1992.
Gần đây nhất, tầm quan trọng của việc chơi bóng bằng chân bùng nổ qua hai sự kiện lớn. Một là thành công vang dội của lối chơi tiqui-taca nơi đội tuyển Tây Ban Nha và CLB Barcelona. Tiqui-taca là cách chơi dựa trên nền tảng chuyền ngắn để giữ bóng nhiều. Quả bóng cứ phải lăn trong chân mình, đối phương sẽ không thể ghi bàn. Thứ hai là chức vô địch World Cup 2014 của đội tuyển Đức. Tại giải đấu ấy, thủ môn Manuel Neuer chơi như một trung vệ thòng. Có khi Neuer chạm bóng bên ngoài vùng cấm còn nhiều hơn số lần chạm bóng của cầu thủ khác. Cứ như đội Đức của Joachim Loew tại World Cup 2014 có... nhiều hơn đối phương 1 cầu thủ vậy.
Bây giờ, mốt “thủ môn chơi bóng” đã tràn ngập ở Premier League. Nói chung, chẳng còn ai bỡ ngỡ với cách chơi này nữa. Nhưng vì sao phải đề cập “mốt” triển khai bóng ngay từ vị trí thủ môn ở Premier League? Tương tự với chuyện thế giới bóng đá coi như đã thật sự mở rộng khắp hành tinh khi nước Mỹ đăng cai World Cup 1994, nước Anh chính là thủ phủ của những đường chuyền dài và bổng trong bóng đá đỉnh cao. Một khi việc thủ môn chuyền ngắn, phối hợp, trở thành cách chơi phổ biến trong các đội mạnh ở Anh, thì đây chính là một điểm nhấn trong lịch sử phát triển bóng đá vậy.
Thủ môn Premier League giờ như thế nào?
Điểm chung giữa Tottenham, Arsenal, Chelsea, Man City và Liverpool? Đấy đều là những đội mạnh nhất Premier League hiện nay, và họ đều cụ thể hóa tầm vóc của mình bằng việc chia nhau 5 vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng hiện thời. Tiếp theo, đấy đều là các đội có lối chơi thiên về tấn công. Nhưng điểm chung đáng nói nhất dĩ nhiên là đề tài mà chúng ta đang bàn: đấy chính là những đội có tần suất chuyền ngắn từ vị trí thủ môn cao nhất giải. Tất nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở sự thể hiện của số liệu thống kê.
Khung thành của Liverpool và Chelsea đều được trấn giữ bởi các thủ môn đắt giá vừa được tuyển mộ ngay trong mùa này, với Kepa Arrizabalaga của Chelsea thật sự là thủ môn đắt giá nhất thế giới. Tất nhiên, chẳng ai bảo Kepa là thủ môn hay nhất thế giới. Nhưng cũng chính vì điều này, càng thấy rõ quyết tâm của Chelsea trong việc chiêu mộ Kepa. Giá chuyển nhượng cao ngất mà Liverpool trả cho AS Roma để có thủ môn Alisson cũng vậy. Chuyện về thủ môn Ederson của Man City còn đáng nói hơn. Khi vừa đến Man City, HLV Pep Guardiola lập tức gạt bỏ thủ môn nổi tiếng Joe Hart. Ông chiêu mộ Claudio Bravo. Nhưng Bravo thất bại bước đầu. Ngay lập tức, Pep lại mua Ederson.
Không phải các đội mạnh cậy có tiền. Họ phải có những thủ môn ấy vì đấy là những thủ môn phù hợp với quan điểm của HLV về cách chơi bóng. Đến đây, lại phải bàn về Petr Cech, một thủ môn sẵn có tại Arsenal chứ không phải do HLV Unai Emery tuyển chọn. Ngay trận ra quân ở Premier League mùa này, Cech đã vụng về đến nỗi suýt chuyền bóng... thẳng vào lưới nhà. Nhưng Emery vẫn không nản chí trong việc buộc Cech phải thích nghi với quan điểm mới: chuyền ngắn và phối hợp với đồng đội. Rút cuộc, mọi chuyện diễn ra ổn thỏa. Khi Cech chấn thương thì thủ môn số 2 Bernd Leno cũng nhanh chóng đáp ứng yêu cầu chuyền ngắn của HLV Emery.
Tỷ lệ chuyền ngắn của các thủ môn ở Premier League đã tăng dần, từ 21% trong mùa bóng 2014/15 đến 31% trong mùa bóng này. Tỷ lệ chuyền chính xác cũng tăng theo, từ 50% đến 57%. Con số vẫn còn hơi thấp? Dĩ nhiên, vì đây là thống kê cho cả giải đấu.
Chuyền ngắn trước tiên là để giữ bóng và phối hợp chủ động. Trên thực tế, chỉ có 5% tổng số bàn thắng ở Premier League mùa này có sự tham gia của thủ môn (11/225 bàn). Và đây là chỗ thật đáng lưu ý: 8 trong 11 bàn thắng “có thủ môn tham gia” đến từ 64 cú sút mà pha tấn công có đường chuyền ngắn của thủ môn. Còn lại là 3 bàn đến từ 38 cú sút mà pha tấn công có đường chuyền dài của thủ môn. Bây giờ, xem ra đội nào có thủ môn “chơi bóng bằng chân” ở Premier League thì đấy mới thật sự là đội mạnh ở đẳng cấp “thượng lưu”!
Quan điểm đã có từ xa xưa
Trước thềm World Cup 1974, Johan Cruyff quyết liệt ủng hộ Jan Jongbloed trong khi giới bóng đá và người hâm mộ Hà Lan nói chung nghiêng về Jan Van Beveren - thủ môn rõ ràng là xuất sắc hơn. Quan điểm của Cruyff: nếu chỉ có thủ môn giỏi bắt bóng chứ không “tham gia chơi bóng” thì coi như phí 1 cầu thủ. Cuối cùng, HLV Rinus Michels chọn Jongbloed và lối chơi của Hà Lan tại World Cup 1974 là một trong những dấu ấn sâu đậm nhất trong lịch sử.
Chuyền dài... lại là bất ngờ
Với các đội bóng nói chung hoặc thủ môn nói riêng có thói quen chuyền ngắn, phối hợp để triển khai bóng ngay từ hàng thủ, đôi khi một quả phát dài từ thủ môn lại trở thành yếu tố bất ngờ. Ở trận gặp Huddersfield mùa này, Ederson đã trở thành thủ môn đầu tiên của Man City có pha kiến tạo thành bàn ở Premier League. Anh phát bóng dài cho Sergio Aguero, và tiền đạo Argentina lập tức tận dụng thành công cơ hội ghi bàn.
|
(Theo bongdaplus.vn)