Bóng đá Đông Nam Á: Tìm sức bật từ cầu thủ 'lạ'
Không phải đến thời điểm này, các ĐTQG Đông Nam Á mới sử dụng cầu thủ nhập tịch hoặc có “hai dòng máu” để nâng chất cho đội tuyển.
Singapore là quốc gia tiên phong khi thành công với nhiều chức vô địch AFF Cup với lực lượng là một nửa đội hình gồm các cầu thủ đến từ châu Âu, châu Phi… Nhưng AFF Suzuki Cup 2018 mới là sân chơi được coi là có phong trào ấy nở rộ nhất.
Mới nhất là Malaysia khi sử dụng cầu thủ gốc Gambia - Mohamadou Sumareh. Tiền vệ này được đánh giá là gương mặt sẽ tỏa sáng trong màu áo của nhà vô địch AFF Suzuki Cup 2010. ĐT Indonesia cũng vừa “tậu” thêm một cầu thủ gốc Brazil là Alberto Goncalves.
Trong lúc đó, Stefano Lilipaly có gốc Hà Lan, đã khoác áo đội tuyển xứ Vạn đảo trong thời gian qua và tiếp tục góp mặt ở giải đấu lần này.
Ầm ĩ nhất phải kể đến Philippines. Từ một đội bóng lót đường ở khu vực, nhờ chính sách sử dụng cầu thủ có “hai dòng máu”, đội bóng này trở thành một đối thủ rất đáng gờm, làm nên lịch sử là 3 lần liên tiếp vào bán kết AFF Cup (2010, 2012 và 2014).
Nếu không có thay đổi phút chót, ĐT Philippines sẽ có ít nhất 4 cầu thủ có gốc nước ngoài, gồm thủ môn Neil Etheridge (gốc Anh), tiền vệ John-patrick Straub (Đức), Stephan Schrock (Đức), tiền đạo Phil Younghusband (Anh) sẽ nằm dưới trướng HLV Sven Goran Eriksson để tham dự AFF Suzuki Cup 2018.
Mất đến gần 10 cầu thủ chủ lực bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng ĐT Thái Lan vẫn tự tin hướng đến việc bảo vệ ngôi vô địch. Bởi đội bóng xứ Chùa vàng đã có 4 gương mặt nhập tịch cứng cựa khác thay thế. Họ là bộ tứ hậu vệ Mika Chunuosee (Xứ Wales), Manuel Bihr (Đức), Kevin Deeromram (Thụy Điển) và Philip Roller (Đức).
Việc sử dụng cầu thủ có gốc nước ngoài đang là vấn đề gây tranh cãi trong dư luận ở nước này. Nhưng có một thực tế là nhờ lực lượng ấy, sức mạnh của các đội tuyển Thái Lan đã được cải thiện rất rõ rệt. Sự thành công của Singapore và Philippines là minh chứng rõ nét nhất.
(Theo bongdaplus.vn)