.

Đôi điều về việc định giá cầu thủ Việt Nam

Cập nhật: 14:12, 05/04/2019 (GMT+7)

Vào cuối tháng 3 vừa qua, trang transfermarkt.com (trang web chuyên định giá chuyển nhượng các cầu thủ chuyên nghiệp) đã định giá toàn bộ cầu thủ của Đội tuyển Việt Nam với tổng giá trị lên đến 1,73 triệu euro (tương đương 45 tỷ đồng).

Việc tất cả các cầu thủ Đội tuyển Việt Nam được định giá đã làm cho bóng đá thế giới  phải chú ý đến bóng đá Việt Nam. 	                                                                                             Ảnh: vietnamnet.vn
Việc tất cả các cầu thủ Đội tuyển Việt Nam được định giá đã làm cho bóng đá thế giới phải chú ý đến bóng đá Việt Nam. Ảnh: vietnamnet.vn

1. Số tiền trên sẽ không có gì quá đặc biệt nếu không kém tổng giá trị của Đội tuyển Thái Lan tới 4,7 lần, dù “voi chiến” kém các “chiến binh sao vàng” đến 16 bậc trên bảng xếp hạng của FIFA.

Điều này cũng dễ hiểu khi transfer markt có nghĩa là thị trường chuyển nhượng nên cách đánh giá giá trị cầu thủ của trang web này thiên về giá trị kinh tế.

Với góc nhìn kinh tế, người ta thường quan tâm đến giá trị của sản phẩm mà ở đây chính là đẳng cấp của các cầu thủ.

Nhiều người hâm mộ cảm thấy khó chịu khi trên mạng xã hội cho rằng, trong năm 2018, Đội tuyển Việt Nam đạt nhiều thành tích hơn Đội tuyển Thái Lan nhưng giá trị lại thấp hơn rất nhiều lần là không hợp lý.

Cũng dễ hiểu vì sự khó chịu của người hâm mộ cũng đến từ tình cảm rất lớn dành cho những cầu thủ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại, vẫn còn quá sớm để có thể so sánh đẳng cấp của các cầu thủ Việt Nam và Thái Lan.

Bởi không thể chỉ dựa vào những thành tích có được khi thi đấu ở đội tuyển quốc gia để so sánh giữa cầu thủ này với cầu thủ khác.

Dẫn chứng thực tế là trường hợp của cầu thủ Lionel Messi, dù chưa đoạt được danh hiệu nào khi thi đấu ở Đội tuyển Argentina nhưng được đánh giá là có đẳng cấp và tầm ảnh hưởng cao hơn nhiều lần so với Kylian Mbappe đã đoạt Cúp vàng World Cup 2018 cùng Đội tuyển Pháp khi mới 20 tuổi.

Điều này cho thấy, đẳng cấp của một cầu thủ được đánh giá qua cả quá trình phấn đấu lâu dài, khẳng định khả năng của bản thân khi tham gia thi đấu ở tất cả các cấp độ từ quốc nội cho đến quốc tế.

Việc đánh giá giá trị cầu thủ của trang transfermarkt.com dựa trên nhiều yếu tố như: Thương hiệu của câu lạc bộ đang khoác áo, thành tích cá nhân, tập thể đã đạt được, giá trị chuyển nhượng trước đây...

Cụ thể, trang transfermarkt.com định giá 2 cầu thủ đắt giá nhất Thái Lan là Chanathip (1,5 triệu euro, Câu lạc bộ Hokkaido Consadole Sapporo) và Teerathon (720.000 euro, Câu lạc bộ Yokohama F. Marinos) đều đang thi đấu ở J-League 1, một trong những giải đấu chất lượng hàng đầu châu Á.

Nếu như Chanathip là trụ cột của Câu lạc bộ Hokkaido Consadole Sapporo, thì Teerathon từng là đồng đội của những danh thủ Andres Iniesta, Lukas Podolski trong màu áo của Vissel Kobe trước khi chuyển sang Yokohama F. Marinos mùa này.
2. Những điều trên đã cho chúng ta thấy tại sao các “chiến binh sao vàng” lại thua thiệt những chú “voi chiến” về giá trị chuyển nhượng dù có thành tích tốt hơn ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Các cầu thủ trong Đội tuyển Việt Nam hiện tại đều đa phần đang thi đấu ở trong nước, chỉ có một số cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Lâm đang thi đấu ở nước ngoài nhưng vẫn chưa tạo được dấu ấn.

Ngoài Văn Lâm đang thể hiện phong độ rất tốt và dần trở thành “chốt chặn” số 1 của Muangthong United ở Thai League (Giải Vô địch Quốc gia Thái Lan), thì Xuân Trường vẫn đang phải “làm bạn” với ghế dự bị ở  Buriram United.

Còn đối với trường hợp cầu thủ Công Phượng cũng không khá hơn khi chưa nhận được sự tin tưởng của Ban Huấn luyện Incheon United (K-League).

Mặt khác, Xuân Trường, Công Phượng trước đây cũng đã từng thử sức không thành công ở các đội bóng thuộc K-League và J-League 3 nên việc bị “thua thiệt” về mặt giá trị cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nếu nhìn về hướng mở hơn với góc nhìn của người hâm mộ đang đón nhận những thành công của Đội tuyển Việt Nam, thì giá trị của các cầu thủ Việt Nam đã tăng lên rất nhiều sau những thành công ở các đấu trường quốc tế.

Việc tất cả các cầu thủ Đội tuyển Việt Nam đều được định giá trên trang transfermarkt.com vào đầu năm 2019 (trong khi năm 2018 chỉ có cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường được định giá) cho thấy, những thành công vừa qua của đội tuyển đã tạo được “tiếng vang” nhất định và làm cho bóng đá thế giới phải bắt đầu nhìn vào những bước tiến của bóng đá Việt Nam.

Công bằng mà nói, tiền cũng chỉ là “vật ngang giá” và thông tin trên trang transfermarkt.com cũng chỉ mang tính chất tham khảo.

Bóng đá mang lại cho chúng ta những giá trị quý giá mà không có “vật ngang giá” nào có thể trao đổi được với cảm xúc và niềm tự hào.

Việc các cầu thủ Việt Nam có giá trị chuyển nhượng thấp không phải do đẳng cấp thấp hơn mà do chính cách làm của các nhà chuyên môn.

Dù cách “mở cửa” của bóng đá Việt Nam đang có những tiến triển, nhưng kết quả đạt được chưa thực sự tối ưu. Điều đó đặt ra cho những người làm bóng đá Việt Nam nhiều câu hỏi cần giải quyết.

Là một người hâm mộ bóng đá, chúng ta hãy mở lòng hơn và đón nhận những điều giá trị nhất mà “môn thể thao vua” mang lại.

Những giá trị được định, đặt hiện tại chỉ mang tính nhất thời, nếu các cầu thủ Việt Nam tiếp tục duy trì phong độ và thành tích như thời điểm hiện tại, thì sự “thua thiệt” nói trên sẽ dần biến mất.

Vì thế, hãy thật lạc quan và cởi mở để đón nhận những cảm xúc thăng hoa mà những “chiến binh sao vàng” mang đến trong thời gian tới.

CAO THẮNG

.
.
.