Thể thao Việt Nam: Săn vé Olympic ở SEA Games 30
Không quá ồn ào như trước đây, thể thao Việt Nam chuẩn bị cho chiến dịch SEA Games 30 diễn ra vào cuối năm nay ở Philippines khá âm thầm, bởi vì ngoài mục tiêu lọt vào tốp 3 chung cuộc, nhóm môn trọng điểm còn nhiệm vụ quan trọng khác: giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020.
Thể thao Việt Nam có đến 2 cuộc đua quan trọng trong năm 2019. |
Một cuộc đua, 2 nhiệm vụ
Vì cuộc chạy đua giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020, các nền thể thao ở khu vực Đông Nam Á sẽ tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất mà mình có để tranh chấp thành tích ở SEA Games 30. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ nhóm môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, bắn súng, xe đạp, rowing, canoeing… hầu hết đều được các Liên đoàn thể thao quốc tế tính chuẩn đến Tokyo vào năm tới.
Cho nên, ngoài nhiệm vụ tranh đoạt huy chương để khẳng định vị thế của mình ở khu vực Đông Nam Á, những gương mặt tài năng nhất của Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore… đều theo đuổi mục tiêu đoạt tấm vé chính thức đến đấu trường Olympic. Nhờ thế, SEA Games 30 hứa hẹn sẽ xuất hiện nhiều cuộc tranh tài quyết liệt, không khoan nhượng.
Ở SEA Games 2015, VĐV Nguyễn Thị Huyền (điền kinh) là người duy nhất đạt chuẩn Olympic cho thể thao Việt Nam. Cho nên, trong cuộc hành trình đến Philippines lần này, giới chức hy vọng ngoài điền kinh (1-2 suất) thì sẽ có thêm VĐV môn khác đạt chuẩn (bơi lội, rowing, canoeing).
Tín hiệu khả quan từ các đội tuyển điền kinh và cử tạ thời gian gần đây cho thấy đấy là 2 trong số những đội tuyển chủ lực tranh vé đến Tokyo 2020. VĐV Quách Thị Lan vừa đoạt HCV cự ly 400m rào nữ, tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng và theo HLV Vũ Ngọc Lợi, khả năng Lan dự Olympic ở cả 2 cự ly 400m và 400m rào nữ là rất cao, tương tự như trường hợp của Nguyễn Thị Huyền 4 năm trước.
Trong khi đó, lực sĩ Vương Thị Huyền cũng vừa đoạt 3 HCV ở giải cử tạ vô địch châu Á 2019, dù đây mới chỉ là bước “chạy đà” cho đội tuyển thiên về sức mạnh này cho các chiến dịch SEA Games hay Olympic trong năm nay. Huyền từng đoạt vé dự Olympic 2016 sau khi vô địch châu Á năm 2015 và đoạt HCB thế giới cùng năm đó.
“Nhiệm vụ kép” SEA Games và Olympic cũng sẽ đặt các gương mặt tài năng khác của thể thao Việt Nam như Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước, Lê Nguyễn Paul (bơi lội), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lê Tú Chinh, Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)… vào thế phải gắng hết sức ngay tại đấu trường SEA Games hoặc ở những vòng loại khu vực, châu lục diễn ra từ nay cho đến khi Olympic kết sổ.
VĐV Quách Thị Lan tự tin hơn sau khi đoạt HCV 400m rào nữ ở giải vô địch châu Á 2019. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Philippines, nước chủ nhà của SEA Games 30 suýt chút nữa bị tước quyền đăng cai vì không đảm bảo nguồn kinh phí tổ chức, nhưng may là phút cuối ngành TDTT được chính phủ giải vây. Sự cố này khiến làng thể thao khu vực được một phen xao động, nhưng không vì thế mà cản bước quốc gia này thiết lập nên kỷ lục mới về số lượng môn thi đấu (56 môn).
Trong bước chuyển mình cùng thể thao khu vực hướng đến những sân chơi lớn hơn, thể thao Việt Nam xem SEA Games là sự kiện đáng quan tâm, bởi lẽ ngoài mục đích ngoại giao, tạo mối giao lưu thân tình trong giới làm nghề thể thao trong cộng đồng ASEAN, còn là cơ hội để khẳng định vị thế cũng như sự lớn mạnh của thể thao Việt Nam kể từ thời điểm hội nhập với khu vực cách đây vài thập kỷ. Cũng chính từ sân chơi này, nhiều thế hệ VĐV của Việt Nam đã thành danh, tạo dựng được sự nghiệp lẫy lừng về sau.
SEA Games luôn chứng kiến một cuộc chạy đua, so kè hấp dẫn giữa đoàn VĐV Việt Nam với các quốc gia mạnh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung về trình độ chuyên môn, để giờ đây, rất nhiều VĐV của Đông Nam Á đã vươn đến đẳng cấp châu lục và thế giới ở các môn cầu lông, bóng bàn, bắn súng, bơi lội, cử tạ, điền kinh, xe đạp… sau khi vượt ra khỏi giới hạn của thể thao “vùng trũng”.
(Theo sggp.org.vn)