Chủ Nhật, 07/07/2019, 21:51 (GMT+7)
.

"Ném đá" bầu Đức, có phải họ muốn ngăn một lối ra "biển lớn"?

Trong sự kiện chính thức công bố hợp đồng Công Phượng sang thi đấu cho đội bóng Sint-Truiden của Bỉ, bầu Đức – người đầy nhiệt huyết với việc phát triển bóng đá Việt Nam – đã “bật mí” việc ông bị chỉ trích nhiều khi chủ động đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu.
 
Người ta “ném đá” ông bầu này vì cho rằng việc đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu không thành công cho dù hết Tuấn Anh đến Xuân Trường rồi Công Phượng.
 
a
Công Phượng và bầu Đức tại sự kiện công bố hợp đồng sang Bỉ thi đấu (ảnh: Đức Đồng/Vnexpress.net).
Nhưng bầu Đức cũng “hỏi bật” lại: Đã có đội bóng nào của Việt Nam đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu thành công hay chưa?
 
Đúng thế, sự không thành công là bức tranh chung của một số CLB bóng đá tại Việt Nam trong việc đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu trong những năm qua.
 
Nếu nói một cách hình ảnh, bóng đá Việt Nam mới có một lối đi trong việc này, chứ chưa thành đường lớn. Bởi việc cầu thủ Việt ra nước ngoài thi đấu còn rất khiêm tốn về số lượng, và mục tiêu trước mắt cũng nhằm có cơ hội học hỏi, cọ sát, tích lũy thêm kinh nghiệm tập luyện và thi đấu khu vực, quốc tế.
 
Ngoài những cái được trên cho cầu thủ và bóng đá Việt Nam nói chung, về mặt tài chính thì CLB phía Việt Nam cũng có được khoản phí chuyển nhượng dù chưa nhiều, cầu thủ cũng được hưởng mức lương cao hơn.
 
Nhìn chung, con đường đưa cầu thủ xuất ngoại thi đấu là cần thiết. Các CLB bóng đá hàng đầu Đông Nam Á đều mong muốn có cầu thủ đi thi đấu quốc tế ngoài những gặt hái về chuyên môn, tài chính còn có thể mang lại uy tín, tạo nên hình ảnh mới cho CLB cũng như nền bóng đá quốc gia.
 
Chuyện “gạch đá” như bầu Đức tâm sự, thực ra xuất phát từ những cái nhìn hẹp hòi, thiển cận và chỉ nhìn vào những yêu cầu trước mắt và nhất thời. Nhưng sự nhất thời và ngắn hạn ấy sẽ không vun đắp được cho những mục tiêu lâu dài và bền vững, là cùng với việc đẩy mạnh đào tạo bóng đá trẻ trong nước còn cần đào tạo bằng thực chiến quốc tế trên các sân cỏ khu vực và thế giới.
 
Đó chính là con đường ngắn nhất, nhanh nhất và cũng là hiệu quả nhất để thúc đẩy bóng đá Việt Nam hội nhập mạnh vào quốc tế. Con đường ra “biển lớn” này không thể chỉ trong vài ba tháng hay một, hai năm mà phải mất năm, mười năm hoặc thậm chí dài hơi hơn. Với một con đường hay chiến lược dài hạn mà áp vào cái nhìn ngắn hạn để đòi hỏi phải “đơm hoa, kết trái” ngay là điều khó khả thi.
 
Hay nói cách khác, chín non cũng là chín nhưng sẽ không chất lượng.
 
Nếu nhìn việc cho cầu thủ ra nước ngoài thi đấu hiện nay là sự đặt nền móng, thì càng không nên “ném đá” hay chỉ trích.
 
HAGL của bầu Đức đã tạo ra được những cầu thủ giỏi từ trường lớp đào tạo, nhưng nhìn chung bóng đá Việt Nam còn thiếu những tài năng được hình thành và trui rèn từ thi đấu khu vực và quốc tế chuyên nghiệp. Khoảng trống này cần người làm còn không được, sao lại phải “ném đá”?
 
(Theo laodong.vn)
 
.
.
.