Chủ Nhật, 11/08/2019, 14:09 (GMT+7)
.

Bóng đá Thái Lan đau đầu với căn bệnh tâm lý kém lan rộng

"Theerathon Bunmathan rất nóng tính. Tuy nhiên, anh ấy kiềm chế rất nhiều dưới thời Kiatisak. Ba năm trước, không hề dễ để chọc tức cầu thủ này, hay làm anh ta nổi cáu", phóng viên Gof Natthakorn của Siam Sports nói.

Kiatisak từng giúp tuyển Thái Lan cải thiện điểm yếu tinh thần rất nhiều. Ảnh: Getty Images.
Kiatisak từng giúp tuyển Thái Lan cải thiện điểm yếu tinh thần rất nhiều. Ảnh: Getty Images.

Tuyển Thái Lan của Kiatisak từng chinh phục người xem bằng thứ bóng đá tấn công sôi động và đẹp mắt. Nhà báo John Duerden từng viết trên FourFourTwo cách đây 3 năm: "Không có nhiều đội bóng đá ban bật đầy tự tin hệt trường phái tiki-taka khi làm khách trên sân Việt Nam, ngoại trừ Thái Lan".

Từng có một "Voi chiến" mang phong cách hiện đại và quyến rũ người xem như vậy. Tâm lý các cầu thủ dĩ nhiên cũng rất tốt. Họ đá điềm tĩnh, không dễ bị cuốn vào lối chơi hay tiểu xảo của đối phương. Kiatisak bằng sự khéo léo trong cách huấn luyện giúp "Voi chiến" cải thiện tinh thần rất nhiều.

Còn bây giờ, mọi thứ khác xưa. Khi chứng kiến màn ẩu đả giữa cầu thủ Thái Lan và Malaysia trong trận chung kết U15 Đông Nam Á 2019 hôm 9-8, nhà báo Paul Murphy chia sẻ trên Twitter: "Thật xấu hổ. Trên sân là hình ảnh các cầu thủ còn rất nhỏ tuổi, nhưng lại quen với thói vô kỷ luật và tâm lý yếu kém".

"Những gì bọn trẻ thể hiện phỏng y theo bộ dạng của bóng đá Thái Lan ở những cấp độ cao hơn", cây viết người Anh viết tiếp.

Supachai nhận thẻ đỏ hồi tháng 3 tại Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.
Supachai nhận thẻ đỏ hồi tháng 3 tại Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến.

Căn bệnh tâm lý kém đang làm hại không chỉ các cầu thủ trưởng thành của Thái Lan, mà còn lan đến lứa măng non. Hồi tháng 3 năm nay, tiền đạo Supachai Jaided của U23 Thái Lan từng nhận thẻ đỏ vì chơi xấu Đình Trọng ở trận gặp U23 Việt Nam trên sân Mỹ Đình tại vòng loại U23 châu Á 2020.

Vì không giữ được thần kinh thép, Supachai mất bình tĩnh và hành xử phi thể thao. Tấm thẻ đỏ anh phải nhận góp phần đẩy đội nhà vào tình thế hiểm nghèo. Hôm đó, người Thái thua đậm 0-4. Truyền thông Thái Lan đã gọi Supachai thật sự rất "hồ đồ" với pha đánh nguội Đình Trọng.

Khi tuyển Việt Nam chạm trán Thái Lan ở King's Cup 2019, diễn biến trên sân không có quá nhiều tình huống hấp dẫn, ngược lại, cầu thủ hai bên nhiều lần chơi xấu và sử dụng tiểu xảo. Đáng chú ý, Theerathon tát vào mặt Đoàn Văn Hậu, hay Pansa "đá láo" với pha sút vào hạ bộ Công Phượng.

Tuyển Thái Lan đều bị trừng phạt sau những pha chơi xấu đó. Khi những người lớn không thể làm gương cho cầu thủ trẻ, điều này dẫn đến vụ việc xấu xí tại giải U15 Đông Nam Á 2019. Phóng viên Natthakorn nhận định phải có người đứng ra chịu trách nhiệm cho mọi chuyện.

Trong khi đó, cựu HLV tuyển U23 Thái Lan Steve Darby đặt nghi vấn, phải chăng các cầu thủ trẻ vấp phải quá nhiều sức ép phải giành chiến thắng? Điều đó dẫn tới việc họ không còn giữ được sự bình tĩnh. Nếu thật sự vậy, đó chắc chắn là cách huấn luyện rất tồi tệ của người Thái.

"Các cầu thủ đã quá khát thắng ở một giải đấu cấp độ U15? Ai sẽ quan tâm, hoặc nhớ đến những người hùng của đội U15 tại giải Đông Nam Á? Các cầu thủ chuyên nghiệp thường quan tâm nhiều đến phát triển toàn diện hơn chăm chú tìm kiếm danh hiệu lúc còn trẻ", ông Darby nói với Zing.vn.

Còn theo HLV Robert Alberts của Persib Bandung (Indonesia), chiến thắng không phải yếu tố quan trọng nhất ở cấp độ trẻ. Với những cầu thủ U22 trở xuống, họ cần tập trung để phát triển và nâng cao trình độ.

"Các cầu thủ Đông Nam Á cần được giáo dục nhiều. Các huấn luyện viên nên dạy cho lũ trẻ giá trị nhân văn trong bóng đá, làm sao để giúp chúng trở có tố chất lãnh đạo", HLV Robert Alberts, người từng là thầy của HLV Park Hang-seo tại một khóa học ở Hàn Quốc, nhấn mạnh.

(Theo zing.vn)

.
.
.