.

Lo tính kế thừa

Cập nhật: 20:24, 20/08/2019 (GMT+7)

Thất bại toàn diện của đội tuyển U18 quốc gia trước các đối thủ ở sân chơi Đông Nam Á mới đây khiến giới chuyên môn giật mình lo ngại về chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ đang có chiều hướng giảm sút ở những địa  chỉ vốn được xem như “chủ lực” của cả nền bóng đá. Điều đáng báo động này nếu không kịp thời “chỉnh sửa” sẽ dẫn đến hệ lụy rất xấu trong nay mai…

U18 Việt Nam với nỗi buồn trên sân nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
U18 Việt Nam với nỗi buồn trên sân nhà. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đã rất nhiều đánh giá, bình luận đa chiều sau sự kiện đội tuyển U18 Việt Nam bị loại sớm trên sân nhà ở giải khu vực. Cũng có chia sẽ và đồng cảm, nhưng phần đông là chỉ trích, không hài lòng về hành trình của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.

BÀI HỌC TỪ SỰ CHỦ QUAN

Rõ ràng, việc VFF nỗ lực đưa giải đấu này về Việt Nam để đăng cai, vừa tạo điều kiện cho khán giả phía Nam vốn đang “khát” các giải bóng đá quốc tế, dù là bóng đá trẻ cũng là dịp để thầy trò đội U18 phấn đấu. Nhưng thực tế thì như chúng ta đã biết, lực bất tòng tâm, đội chủ nhà bị loại ngay ở vòng đấu bảng và những chỉ trích.

Rõ ràng sau cú trượt ngã đau đớn của các cầu thủ trẻ ở giải U18 Đông Nam Á 2019 thật khó nuốt trôi với những người làm bóng đá Việt Nam. Nhưng thất bại đó cũng là điều đã được tiên liệu từ cách đây 2 năm, từ sau thành công của HLV Hoàng Anh Tuấn cùng các học trò tham dự VCK World Cup U20.

Khi ấy, chúng ta đã lên kế hoạch đầu tư lứa trẻ này để tiếp tục gặt hái những thành công sau đó ở VCK U23 châu Á, làm nòng cốt cho đội tuyển vô địch AFF Cup, và thậm chí là gây tiếng vang ở Asian Cup.

Nhưng, tất cả đã không để ý đến tính kế thừa, hoặc có thể nhận ra nhưng chưa có phương án để củng cố.

Cứ thế, chúng ta ngủ quên trên chiến thắng sau cú hích từ thầy trò HLV Park Hang-seo. Nhưng những thất bại liên tiếp từ các tuyến U15, U16, U18, U19, U22 trong thời gian qua lại khiến dự cảm khó khăn càng lớn dần đối với cả nền bóng đá.

Trận thua Campuchia như giọt nước tràn ly... Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Trận thua Campuchia như giọt nước tràn ly... Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Thất bại của bóng đá trẻ trong thời gian qua xuất phát từ lỗi của các HLV, từ Vũ Hồng Việt, Đinh Thế Nam hay Hoàng Anh Tuấn là điều rõ ràng. Tuy nhiên, còn có nguyên nhân khác nữa, tức là những sản phẩm cầu thủ trẻ đã và đang cung cấp cho các đội tuyển trẻ liệu đã đạt yêu cầu chưa? U23 Việt Nam thành công trong 2 năm gần đây nhờ vào một thế hệ tài năng từ HA.GL, CLB Hà Nội cùng một số CLB, địa phương khác. Nhưng sau “thế hệ vàng” ấy là một khoảng trống với nhiều vấn đề về chất lượng, mà những thất bại từ các tuyến “U” trong thời gian qua đã là câu trả lời.

KHÔNG CÓ HỆ THỐNG ĐỒNG BỘ

Vấn đề của chúng ta chính là sự đồng bộ từ các lò đào tạo, cần có 1 cái khung chung, để từ đó các lò vận hành theo hướng ấy. Còn hiện nay cứ mỗi lò đào tạo mỗi kiểu. Như ở HA.GL chú trọng về kỹ thuật, tấn công chứ không chú trọng đến thủ môn và làm theo mô hình của học viện JMG. Ở Hà Nội thì đào tạo theo mô hình khác, và tương tự như vậy là ở PVF hay Viettel… Từ những thất bại trong thời gian qua, chúng ta cần ngồi lại để có những đánh giá cụ thể để tìm hướng ra phù hợp, dù muộn nhưng thiết nghĩ vẫn còn kịp.

Tôi lấy ví dụ là trên thế giới, khi nhận cầu thủ trẻ để đào tạo, họ đã giảm xuống khi bắt đầu từ lứa U6 rồi. Ở Việt Nam, việc chọn từ lứa U6 hẳn là rất khó, khó nhất là thuyết phục các phụ huynh. Thế thì sao không vận hành mô hình bóng đá học đường? Mô hình này đang vận hành rất tốt ở TPHCM và rất cần được nhân rộng đến các địa phương khác. Bên cạnh đó là quy định mang tính bắt buộc, các CLB phải có các tuyến đào tạo trẻ.

Tôi nhớ là có giai đoạn VFF, VPF rất quyết liệt vấn đề này khi quy định mỗi CLB chuyên nghiệp phải có bao nhiêu tuyến đào tạo, tham dự bao nhiêu giải đấu trong năm. Nhưng sau thời gian đầu vận hành khá sung, nay mọi thứ cũng giảm nhiệt dần. Hãy nhìn vào 14 đội V-League hiện nay có bao nhiêu đội có đủ các tuyến đào tạo trẻ? Con số càng thấp hơn ở các đội hạng Nhất. Nguyên nhân chính vẫn là chuyện tài chính, không mạnh về tiền đã cản bước nhiều tâm huyết, quyết tâm từ các CLB bởi một thực tế ở nhiều nơi là nuôi đội lớn cũng đã là nỗ lực rất lớn rồi.

Để có sự phát triển ổn định, mạnh mẽ và bền vững từ tuyến trẻ cần hội đủ nhiều yếu tố. Thái Lan hay Malaysia, Indonesia cũng đã ổn định các tuyến, những khó khăn của họ trong thời gian qua tôi nghĩ là mang tính nhất thời, họ sẽ sớm trở lại. Khi ấy, khó khăn với chúng ta là rất lớn nếu không có những củng cố ngay từ lúc này.

U18 không thành công, hay trước đó nữa là U16, U15… sẽ đủ để đánh thức chúng ta. Cần trở lại, đối diện với những khó khăn rất thực nhằm có chiến lược, hướng đi kịp thời để củng cố lại nền tảng trẻ nhằm tạo sự ổn định từ tính kế thừa.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.