.

HLV Park: 'Thật ngu ngốc nếu cứ ám ảnh về Thái Lan'

Cập nhật: 09:20, 23/11/2019 (GMT+7)
Trên tờ Chosun (Hàn Quốc), HLV Park Hang-seo khẳng định ông chưa bao giờ đặt mục tiêu phải thắng bằng mọi giá chỉ vì đối thủ là Thái Lan. 
 
a
HLV Park Hang-seo trả lời phỏng vấn tờ Chosun trước khi lên đường sang Philippines dự SEA Games.
- Ông có cảm nghĩ gì sau khi hoàn thành kế hoạch với đội tuyển Việt Nam trong năm 2019?
 
- Công việc ở đội tuyển đã xong. Nhưng tôi còn phải dẫn dắt đội U22 đá SEA Games. Vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong vòng một năm qua, tôi đã dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup và vòng loại World Cup. Sắp tới, đội sẽ tập trung trở lại nhưng không lâu, có lẽ một tuần hoặc hơn thôi, vì các cầu thủ phải chuẩn bị cho V-League. Tôi cũng không biết đánh giá thế nào về một năm qua. Có lẽ là nhiều may mắn. Tôi đã có một cuộc họp với ban huấn luyện và các cầu thủ trước khi chia tay.
 
- Ông đã ký hợp đồng hai năm với VFF. Quá trình đàm phán có gặp nhiều vấn đề không?
 
- Vợ tôi, tất nhiên, đã đưa ra nhiều lời khuyên. Tôi cũng tham khảo ý kiến của những người thân quen. 'Ông kiếm được bao nhiêu? Sao không nghỉ đi? Ông cũng đã đến tuổi này rồi', nhiều người nói với tôi như thế. Nhưng tôi suy nghĩ phức tạp hơn nhiều. Về cơ bản, tôi chỉ giỏi về bóng đá. Tôi cảm thấy biết ơn khi được làm công việc này. Việt Nam đã cho tôi cơ hội và ở đây, tôi được yêu mến. Một vài người lo lắng khi bị đặt kỳ vọng cao nhưng nếu sợ điều đó, bạn sẽ chẳng làm được gì. Tôi nỗ lực hết sức nhưng cũng không đánh mất mình. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng tôi tin hướng đi đúng trong cuộc đời là do bản thân quyết định.
 
- Thắng UAE và hòa Thái Lan có phải là kết quả vượt trên kỳ vọng sau khi ký hợp đồng mới?
 
- Tôi khá áp lực vì có hai trận đấu lớn ngay sau khi ký hợp đồng mới. Thực tế, tôi đã nói với VFF: 'Hợp đồng còn đến ngày 31/1, sao bây giờ chúng ta đã phải đàm phán rồi?' Tôi ước mình có thể thắng cả hai trận nhưng giành một chiến thắng và một trận hòa trên sân nhà cũng không quá tệ. Sau khi ký hợp đồng, tôi nghĩ mọi thứ sẽ ổn. Tôi trả lời một vài câu hỏi phỏng vấn rồi sẵn sàng cho các trận đấu. Cũng chẳng có sức ép lớn. Cũng có thể là vì chúng tôi thắng. Nếu thua, có thể mọi thứ sẽ khác.
 
- Kế hoạch của ông cho hai năm tới là gì? 
 
- Sẽ không có thay đổi về sơ đồ chiến thuật cho đến giải U23 châu Á năm 2020. Năm tới, tôi sẽ phải làm việc thêm với các trợ lý ở đội tuyển về vấn đề này. Sơ đồ hiện tại đã lộ rõ và chúng tôi phải quyết định có tiếp tục sử dụng nó hay không. Chiến thuật chắc chắn phải được bổ sung. Năm tới, những cầu thủ xuất sắc của đội U23 có thể được gọi lên đội tuyển. Vấn đề là trung phong của chúng tôi lúc này chưa có đủ kinh nghiệm. Tôi tự hỏi là điều đó có được cải thiện trong thời gian tới hay không. Nếu không, tôi có thể dùng sơ đồ hai tiền đạo.
 
Nhưng tôi cũng băn khoăn về các vấn đề nếu sử dụng sơ đồ hai tiền đạo khi gặp những đối thủ mạnh. Bạn có thể cho rằng sơ đồ 5-4-1 quá thiên về phòng ngự. Nhưng tôi nghĩ bóng đá cần phải thực dụng. Gặp các đội Đông Nam Á thì không sao nhưng tôi không chắc sơ đồ hai tiền đạo có hữu dụng khi gặp đối thủ mạnh. Tôi muốn đội bóng giàu sức chiến đấu nhưng lo lắng về việc thay đổi.
 
- Tâm trạng của ông có vẻ thoải mái hơn so với những ngày còn làm việc ở K-League. Tại sao như vậy?
 
- Khi đến đây, tâm trí của tôi hoàn toàn thoải mái. Tôi có thể tập trung cho công việc. Hồi còn ở Hàn Quốc, tôi đã trải qua nhiều nỗi đau. Có lúc cười, nhưng cũng có lúc khóc. Khi đến đây, tôi không còn nghĩ về nó nữa. Tôi có thể tập trung vào chuyên môn. Ở Hàn Quốc, tôi phải gặp nhiều người. Ở đây, tôi phải cẩn thận trong mọi hành động vì là người nước ngoài. Các cầu thủ không nói chuyện nhiều, họ không kể lể sâu xa về bản thân. Vì thế, tâm trí tôi thảnh thơi hơn. Về cơ bản, tôi là người hơi nóng tính. Các anh có thể thấy điều đó trên sân. Tôi từng thấy bị tổn thương nhưng ở đây, cảm giác đó không tồn tại.
 
- Sau trận gặp Thái Lan, ông dường như đã tranh cãi với ban huấn luyện đối thủ?
 
- Nishino từng chỉ dạy Hong Myung-bo và Hwang Sun-hong (hai cựu cầu thủ Hàn Quốc). Ông ấy rất hiểu bóng đá Hàn Quốc. Ông ấy lớn tuổi hơn tôi. Nhưng hôm đó, các trợ lý của ông ấy đã cười mỉa tôi. Sau đó, khi đến chào Nishino, các trợ lý của ông ta nhìn tôi và cười. Tôi không hiểu họ có ý gì nhưng việc đó không nên xảy ra. Chẳng đến mức hai bên phải đánh nhau nhưng tôi cho rằng đó là một cuộc chiến về tâm lý.
 
- Việt Nam đã có một cái dớp xui xẻo mỗi lần gặp Thái Lan trước khi ông xuất hiện?
 
- Tổng cộng, Việt Nam đã thua 14 và hòa ba trận trước khi tôi đến. Từ năm 2007, họ chưa thể đánh bại Thái Lan trên sân Mỹ Đình. Bốn lần gặp thì họ hòa một, thua ba. Gần đây một cầu thủ nổi tiếng của Thái Lan nói rằng Việt Nam sẽ không thể thắng họ trên sân nhà. Anh ta nói: 'Việt Nam không thể thắng. Tại sao? Vì họ quá háo thắng đến mức mắc sai lầm'. Tôi đã đọc và cho rằng nhận xét đó là sai. Chúng tôi sẽ quá ngu ngốc nếu cứ bị ám ảnh rồi tự hủy đi công sức của mình. Hai năm qua, chúng tôi không thua Thái Lan ở cấp độ đội tuyển và đội U23. Họ đứng trên chúng tôi theo sắp xếp ở AFC Champions League (dành cho cấp CLB) nhưng trận đấu không được định đoạt dựa trên các xếp hạng. Đó là lý do giúp chúng tôi tự tin.
 
- Có phải Việt Nam xây dựng sức mạnh dựa trên sự kỷ luật và tổ chức tốt?
 
- Hàn Quốc vừa thua Brazil 0-3 (ở một trận giao hữu). Đó là vì chênh lệch về trình độ quá lớn. Nhưng ở Đông Nam Á, tôi nghĩ sự chênh lệch này có thể được loại bỏ nhờ tính kỷ luật. Bóng đá có nhiều biến số. Bạn có thể làm được nhiều điều mà không phải phụ thuộc vào kỹ thuật hay chiến thuật. Ở châu Á, một đội bóng được tổ chức tốt không dễ bị đánh bại, thậm chí có thể chiến thắng.
 
- Các cầu thủ Việt Nam có tự hào về những gì họ làm được thời gian qua?
 
- Các cầu thủ đều có ý thức. Tôi đã đưa ra một số quy định và cũng kể cho họ một vài trường hợp thiếu kỷ luật ở cầu thủ Hàn Quốc. Các cầu thủ tập luyện chăm chỉ. Họ tập trung nhưng cũng có lúc lơ là. Tôi thường đến phòng y tế để thăm các cầu thủ bị đau sau trận đấu. Khi đội tập trung, tôi chia hai người một phòng. Buổi tối, các cầu thủ thường tập trung trong phòng trị liệu và tôi thường đến đó vui đùa, nói chuyện với họ. Ở đó, tôi cũng có thể kiểm tra dữ liệu về sức khỏe của cầu thủ, nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, lấy thông tin...
 
- Người hâm mộ và báo chí Việt Nam có vẻ đang rất hào hứng với những gì đội tuyển đạt được?
 
- Khi mới đến, các trợ lý dọa tôi Việt Nam có dân số 200 triệu người (thực tế là 100 triệu). Trong đó có 350.000 phóng viên đưa tin về đội tuyển. Tất cả họ đều theo sát chúng tôi. Mỗi ngày, tôi và các cầu thủ đều phải trả lời phỏng vấn. Đôi lúc, khi nhận được những câu hỏi kỳ quặc, tôi cũng không giữ được phép lịch sự.
 
- Kế hoạch của ông trong hai năm tới là gì?
 
- Tôi suy nghĩ về sự thay đổi. Có thể gọi là giai đoạn hai. Tôi lo lắng về việc huấn luyện cầu thủ. Chúng tôi cần thêm những chuyên gia về dinh dưỡng, y tế, phân tích dữ liệu, thể lực. VFF cần phải tìm kiếm những người đủ khả năng để góp phần đào tạo ra các cầu thủ. Tôi cần sự giúp đỡ nhiều nhất có thể. Tôi muốn nâng cao hệ thống đào tạo bóng đá hiện nay ở Việt Nam và điều đó có thể thực hiện qua từng bước nhỏ.
 
(Theo Chosun)
.
.
.