Thứ Năm, 26/12/2019, 22:40 (GMT+7)
.

Phép thử cuối của Công Phượng

 Mới 25 tuổi, Công Phượng kinh qua bốn câu lạc bộ (CLB) ở bốn quốc gia khác nhau. Đó rõ ràng không phải là một lộ trình êm ả.

Cùng thời điểm CLB TP HCM mua lại hợp đồng của Công Phượng từ CLB Sint - Truiden, đương kim vô địch Nhật Bản Yohohama Marinos thông báo mua đứt Theerathon Bunmathan sau một thời gian mượn tuyển thủ Thái Lan. Trước đó, hồi đầu năm 2019, một tuyển thủ khác của Thái Lan, Chanathip Songkrasin, cũng được CLB Nhật Bản Consadole Sapporo mua đứt sau thời gian mượn.

 Công Phượng sẽ về nước sau khi chỉ có đúng 20 phút ra sân ở giải VĐQG Bỉ qua nửa năm khoác áo Sint-Truiden.
Công Phượng sẽ về nước sau khi chỉ có đúng 20 phút ra sân ở giải VĐQG Bỉ qua nửa năm khoác áo Sint-Truiden.

Như vậy, xét về lộ trình xuất ngoại, các cầu thủ Đông Nam Á có cùng cách xuất phát - được cho mượn. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi về lý thuyết, khả năng thành công của những cầu thủ Đông Nam Á là rất thấp, buộc các CLB nước ngoài phải thử trước khi mua. Không hẳn vì họ không giỏi, hoặc vì sự bất lợi của yếu tố hình thể, mà vì nền tảng trưởng thành của bản thân các cầu thủ.

Trong bóng đá chuyên nghiệp, rất hiếm HLV chọn cầu thủ qua băng hình hoặc những lời tiếp thị. Cũng không đội bóng nào bỏ tiền mua hoặc trả tiền cho cầu thủ được mượn mà còn phải về đào tạo lại. Chính vì thế, quá trình thi đấu là căn cứ định nên giá trị của cầu thủ đó.

 Theerathon là trụ cột của Yokohama Marinos vô địch J-League 2019. Ảnh: Fox Sports.
Theerathon là trụ cột của Yokohama Marinos vô địch J-League 2019. Ảnh: Fox Sports.

Cả Theerathon lẫn Chanathip đều tỏa sáng trong màu áo Muangthong United tại AFC Champions League 2017. Họ xuất phát từ nền bóng đá ít nhiều cũng đã được thừa nhận như Thái Lan, thường xuyên chơi ở AFC Champions League,  và đó chính là những yếu tố quan trọng trong bản lý lịch, đủ để bảo đảm khả năng thành công của các cầu thủ này ở J-League. Dù vậy, họ vẫn phải khởi đầu bằng hợp đồng cho mượn, tiền đề cho các hoạt động định giá trước khi thống nhất được giá trị của cả hai một cách chuẩn xác nhất.

Một chi tiết khác cũng không kém quan trọng, là Theerathon và Chanathip đều sang Nhật Bản chơi bóng khi đã trên 25 tuổi - đó là khoảng thời gian ổn định nhất, được kiểm chứng rõ nhất năng lực của cầu thủ. Đấy là chưa kể họ có một thời gian rất dài chơi bóng trong nước. Tóm lại, cả hai tuyển thủ Thái Lan đã có một bản lý lịch đủ dày để thuyết phục các CLB lớn.

Trong khi đó, việc xuất ngoại của các cầu thủ Việt Nam, dù cũng chỉ là cho mượn, ngay từ đầu đã có nhiều chi tiết... phi lý. Có thể tài năng như nhau, nhưng cách xuất ngoại của Thái Lan lại "đúng quy trình" hơn.

Mới 20 tuổi, Công Phượng đã ra nước ngoài thi đấu, cùng thời gian đó là Xuân Trường và Tuấn Anh. Cả ba mới có đúng một mùa giải thi đấu ở V-League, và năm đó, HAGL... suýt rớt hạng. Giải đấu quốc tế duy nhất và khả dĩ nhất để có thể kiểm định chất lượng của bộ ba này chỉ là vòng chung kết U19 châu Á cuối năm 2014. Nhưng đó chỉ là một giải trẻ, rất khó để các CLB nước ngoài dùng làm thước đo và định giá.

Vì thế, yếu tố chuyên môn trong các chuyến xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam có tỷ trọng quá ít so với những yếu tố thương mại, quảng cáo. Mua theo kiểu nào, thì sẽ dùng theo kiểu đó. V-League của Việt Nam, khi những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh lần đầu xuất ngoại, rất kém, nhiều thông tin tiêu cực trên báo chí quốc tế nên coi như không đóng góp mấy giá trị. Các cầu thủ thì trẻ măng, thành tích thi đấu không tốt, kinh nghiệm trận mạc chỉ là con số 0. Không có bất kỳ cơ sở nào để các CLB nước ngoài phải mạo hiểm sử dụng một cầu thủ mà họ hầu như không thể kiểm định. Không có HLV nào dám hy sinh chiếc ghế của họ để đưa người mà không ai biết trình độ thật sự vào sân. Vì vậy, họ phải làm quen với ghế dự bị là đương nhiên.

Sau khi không thành công ở Mito HollyHock, trở về nước là một sự khởi đầu mới. Nhưng Công Phượng cũng chỉ đá thêm hai mùa ở V-League, trong đó có một mùa chơi dưới phong độ. Anh lại được cho đi tiếp sang Hàn Quốc rồi Bỉ. Lúc này, hành trang của Công Phượng được bổ sung thêm cái mác á quân U23 châu Á và chức vô địch AFF Cup 2018. Nhưng chừng đó chưa đủ. Tiền đạo sinh năm 1995 vẫn chỉ nằm ở dạng cho mượn, vẫn bị xếp vào danh sách "chưa thể kiểm chứng", và Sint-Truiden chưa đủ lý do để mạo hiểm sử dụng anh. Tiền đạo của HAGL sẽ được CLB TP HCM mua lại hợp đồng. Nhưng chưa chắc đó là sự giải thoát.

Hồi trở về từ Mito HollyHock, Công Phượng đã một lần đánh mất khả năng chơi bóng. Anh hòa nhập chậm hơn Tuấn Anh và Xuân Trường - dù khắt khe mà đánh giá, cả ba đều không cho thấy sự tiến bộ quá nhiều so với hồi họ tỏa sáng trong màu áo U19.

Việc được cho xuất ngoại quá sớm, chủ yếu dựa trên sự kỳ vọng và những đánh giá có phần lạc quan, cảm tính của HAGL khiến các cầu thủ trẻ mất đi thời gian quan trọng nhất sự nghiệp: Trải nghiệm ở môi trường từ thấp lên cao. V-League, dù có chất lượng tồi, vẫn là nơi để rèn luyện phù hợp. Quan trọng nhất, nó tạo điều kiện cho các tài năng trẻ khi đó được ra sân chơi bóng và thích ứng với hoàn cảnh thực. Đó là một trong những phương thức tiêu chuẩn để lọt vào tầm ngắm của các tuyển trạch viên nước ngoài. Nếu không có bảo chứng từ thực tế sân cỏ, môi trường thi đấu, thì các hoạt động truyền thông, nói cho cùng cũng chỉ là kiểu giới thiệu cầu thủ bằng băng hình.

Cũng vì Công Phượng đi nước ngoài quá sớm, đi trong sự tung hô và những hình ảnh ít tì vết, nên đến bây giờ, chưa ai biết những cầu thủ như anh có phù hợp, hay nói đúng hơn là có đủ chất lượng để trở thành ngôi sao tại V-League hay không. Thực tế cho thấy, ngay khi được chơi trong đội hình quen thuộc của HAGL, cả Tuấn Anh lẫn Xuân Trường cũng không xuất sắc hơn các đồng nghiệp ở những CLB khác. Cá nhân Tuấn Anh mất đến gần bốn năm mới ghi được thêm một bàn thắng. Còn khả năng chuyền bóng kiến tạo của Xuân Trường thì chưa chắc hơn được những tiền vệ Việt Nam tại V-League. Dù đều là những người phù hợp với triết lý xây dựng đội tuyển của HLV Park Hang-seo, nếu so sánh ở góc độ cá nhân, dàn cầu thủ HAGL không quá vượt trội. Điều này cũng tương tự việc đội tuyển Việt Nam ngang trình độ chơi bóng với Thái Lan, nhưng cầu thủ của chúng ta vẫn đang thua kém ở phương diện cá nhân trên bình diện quốc tế.

Vì vậy, tương lai của Công Phượng tại TP HCM chưa chắc tốt hơn ở Mito HollyHock, Incheon hay Sint-Truiden. Thậm chí, anh cũng có thể chỉ là một hợp đồng để nâng cao hình ảnh cho TP HCM chứ không phải là nhân tố giúp đội này nâng chất về chuyên môn. Khả năng "tái hòa nhập" của Công Phượng không cao. Anh rời V-League sớm, lại không thay đổi được phong cách chơi bóng khi cơ hội ra sân ở nước ngoài quá ít. Hai năm quay về đá V-League trước đây, anh vẫn chỉ chơi ở HAGL, nơi đã dàn dựng sẵn cho Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường những vị trí bất biến và được phục vụ nhiều hơn. Nó khiến cho việc thích ứng với những đội bóng khác vẫn luôn là dấu hỏi cho các cầu thủ của HAGL.

Đó chính là vấn đề của Công Phượng, và của nhiều tham vọng xuất khẩu cầu thủ. Khi chưa chứng minh được gì ở giải quốc nội thì tại sao lại ra đi? Khi bản thân V-League còn vẫn chưa đủ chất lượng, sao có thể tin là các CLB châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan bỏ tiền mua cầu thủ Việt Nam trên cơ sở năng lực chứ không phải là "quảng cáo"?

Bây giờ bóng đá Việt Nam chỉ hy vọng ở Văn Hậu, một cầu thủ đã có ba năm đá ở đội một Hà Nội, đã chơi tốt ở AFC Cup, AFF Cup và Asian Cup. Nhưng chính Văn Hậu cũng đang gặp vấn đề của anh, đó là sang châu Âu khi còn quá trẻ...

(Theo vnexpress.net)

.
.
.