Thứ Hai, 04/05/2020, 14:28 (GMT+7)
.

Cầu thủ Việt xuất ngoại: Chật vật tìm cơ hội

Trào lưu cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu nở rộ thời gian qua, giờ chỉ còn thủ thành Đặng Văn Lâm ở Thai-League, trong khi hậu vệ Đoàn Văn Hậu hy vọng mong manh trụ lại Giải Vô địch quốc gia (VĐQG) Hà Lan.
 
Trên thực tế, suốt 1 năm ở Hà Lan với thỏa thuận cho mượn, Văn Hậu không có nhiều cơ hội ra sân. Hậu vệ biên này chỉ có ít phút thi đấu ở cúp quốc gia, trong khi HLV đội này vẫn chưa dám mạo hiểm sử dụng anh ở giải VĐQG.
Công Phượng khi còn chơi bóng tại Hàn Quốc trong màu áo CLB Incheon United
Công Phượng khi còn chơi bóng tại Hàn Quốc trong màu áo CLB Incheon United

Mặc dù vậy, Văn Hậu may mắn hơn sự lận đận của các đồng nghiệp khác khi thử sức ở nước ngoài. Đó là các trường hợp Nguyễn Công Phượng, chuyển từ Nhật Bản (CLB Mito Hollyhock) sang Hàn Quốc (CLB Incheon United), rồi đưa đi thử sức ở Bỉ (CLB Sint-Truidense).

Đến cuối hợp đồng ở Bỉ, Công Phượng có quá ít thời gian được ra sân thi đấu và may mắn được CLB TPHCM “mua” phần hợp đồng còn lại từ Sint-Truidense để về tranh tài tại V-League 2020.

Hai cầu thủ khác từ lò HA.GL cũng bất thành trong việc thử sức tại Nhật Bản, Thái Lan và cả Hàn Quốc là Xuân Trường và Tuấn Anh.

Ngay cả thủ thành được coi là số 1 của tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm hiện tại cũng đang phải nỗ lực, cố gắng tìm lại chỗ đứng trong khung thành Muangthong United. Chỉ có giữ phong độ ở CLB thì cánh cửa bắt chính ở đội tuyển Việt Nam mới “sáng” lại với thủ môn mang hai dòng máu Việt Nam - Nga này. 

Trước đó, hầu hết các chuyến xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam đều ngắn ngày, như trường hợp của Lương Trung Tuấn gia nhập Thai-League từ HA.GL vào năm 2005, trước khi quay về lại thi đấu cho Bình Định. Thời điểm đó, Trung Tuấn đang chịu án kỷ luật từ VFF nên sang Thái để thi đấu giữ phong độ. Đó cũng là cách tính của cựu tiền đạo Nguyễn Việt Thắng khi sang Bồ Đào Nha để tập luyện trong thời gian bị kỷ luật cùng Trung Tuấn.

Trong khi đó, cựu tiền đạo Lê Công Vinh được đánh giá là người thành công nhất sau 2 lần xuất ngoại đầu quân cho Leixoes của Bồ Đào Nha năm 2009 và Consadole Sapporo của Nhật Bản năm 2013.

Năm 2001, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã ghi nhận cầu thủ đầu tiên xuất ngoại thi đấu là Lê Huỳnh Đức khi anh sang Trung Quốc đầu quân cho CLB Chongquin Lifan. Sau 4 tháng, Huỳnh Đức để lại dấu ấn với 4 bàn thắng.

Đó là những trường hợp cầu thủ chuyên nghiệp, hàng “hot” của bóng đá Việt tìm cơ hội thử sức ở nước ngoài, nhưng chuyện kéo dài sự nghiệp ở nơi đất khách quê người là không đơn giản, bởi tính cạnh tranh rất cao.

Được kỳ vọng nhiều nhất là lứa thuộc “thế hệ vàng” của HA.GL, nhưng nay đã thu hết về Pleiku, còn mỗi mình Công Phượng là chưa về lại với “team phố núi”, nhưng anh đang khoác áo đội bóng TPHCM chứ không phải ở nước ngoài.

Giấc mơ chinh phục sân cỏ quốc tế của cầu thủ Việt Nam xem ra vẫn còn quá xa và đầy nhọc nhằn vì chịu nhiều thua thiệt trong khả năng trạnh tranh vị trí tại châu Âu hay những giải nhà nghề ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Khá bất ngờ là ngay cả tại Thai-League cũng không thành công, đó là trường hợp của Xuân Trường. 

Đội bóng Hà Nội đang trông chờ vào Văn Hậu ở Hà Lan, nhưng xem ra CLB Heerenveen khó mà giữ lại cầu thủ này sau khi hết hạn mượn 1 năm. Xét trên khía cạnh chuyên môn, chỉ 4 phút thi đấu trong suốt một mùa bóng là quá ít ỏi đối với hậu vệ tài năng như Văn Hậu.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.