.

Giải đấu và đội bóng: "Ai cần ai?"

Cập nhật: 14:57, 24/07/2020 (GMT+7)

Việc Giám đốc Câu lạc bộ (CLB) Nam Định Nguyễn Văn Sỹ tuyên bố sẽ bỏ giải nếu công tác trọng tài không được chấn chỉnh đã thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian gần đây. Đây không phải là lần đầu tiên một đội bóng đang thi đấu ở V-League “dọa” rời bỏ giải đấu này khi gặp bất lợi hoặc không thống nhất với vấn đề nào đó của giải.

Ảnh: Vietnamnet
Ảnh: Vietnamnet

Trước đây, V-League đã có nhiều trường hợp đội bóng “dọa” bỏ giải. Ở mùa giải năm 2013, CLB Xuân Thành Sài Gòn đã “dọa” bỏ giải giữa chừng sau những lùm xùm về cách thi đấu của đội bóng. Cũng ở năm 2013, Vissai Ninh Bình cũng nhiều lần “dọa” bỏ giải trước khi giải thể đội 1 ở V-League sau khi bị phanh phui tiêu cực ở AFC Cup.

Bên cạnh các trường hợp trên, nhiều đội xem “dọa bỏ giải” là “biện pháp” để gây sức ép đến Ban Tổ chức giải. Ở năm 2017, lãnh đạo FLC Thanh Hóa “dọa” bỏ giải vì cảm thấy bị đối xử không công bằng. Hay như ở năm 2018, lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cũng nhiều lần “dọa” bỏ giải nếu không dẹp được “phe cánh” ở VFF…

Những trường hợp kể trên cho thấy việc các đội bóng “dọa” bỏ giải ở bóng đá Việt Nam là việc rất thường xuyên và là “thói quen” của các đội khi gặp “trắc trở” gì đó trong quá trình thi đấu.

Chuyện “dọa” bỏ giải chắc cũng chỉ có ở bóng đá Việt Nam. Nếu nhìn về các giải đấu ở châu Âu, việc các đội bóng xếp ở cuối bảng “chiến đấu hết mình” để được trụ lại giải đấu cao nhất cũng hấp dẫn không kém cuộc đua vô địch.

Đối với các đội bóng, việc được thi đấu ở giải đấu cao nhất ngoài các lợi ích về tài chính, thương hiệu, còn là vinh dự, tự hào vì màu cờ sắc áo của mỗi đội bóng. Ở bóng đá Việt Nam, niềm vinh dự, tự hào ấy đã và đang trở thành “món hàng” mặc cả để gây sức ép với Ban Tổ chức giải.

Từ thực trạng trên, câu hỏi đặt ra là giữa giải đấu và các đội bóng tham gia: Ai cần ai? Giải đấu cần có đội bóng tham gia mới có thể tổ chức, có kinh phí duy trì các hoạt động phát triển bóng đá, có cơ sở để tuyển chọn cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế. Ở chiều ngược lại, các đội bóng cũng cần có giải đấu để thể hiện khả năng, cũng như trình độ, thương hiệu của mình.

Giải đấu và các đội tham gia có mối liên kết tương hỗ chặt chẽ, nhưng nhiều đội bóng lại chọn “giải pháp” đối đầu gây sức ép.

Có một điều Ban Tổ chức giải cần phải thừ nhận, những sai sót trong quá trình tổ chức giải là nguyên nhân dẫn đến các hành động có phần “quá mức” của các đội bóng. Nhưng ở một nền bóng đá chuyên nghiệp, các đội cần phối hợp với Ban Tổ chức giải tìm cách giải quyết vấn đề, không thể cứ thích thì đá, không thích thì thôi.

CAO THẮNG

.
.
.